Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu được người Việt Nam rất coi trọng và quan niệm rằng “cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”.
Tại sao cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng?
Rằm tháng Giêng là ngày trăng tròn đầu tiên của một năm, theo nghĩa Hán Việt “nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tết Nguyên tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên, bởi còn có Tết Trung Nguyên (rằm tháng Bảy) và Tết Hạ Nguyên (rằm tháng Mười).
Tết Nguyên tiêu, ngoài tên gọi là lễ Thượng Nguyên, còn có nhiều tên khác như: Nguyên Tịch; Nguyên Dạ, Tết Trạng nguyên...
Tết Nguyên tiêu là dịp lễ tết quan trọng nên ông bà ta có câu: “Cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng” hay “lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”.
Để giải thích cho việc tại sao trong một năm rằm tháng Giêng lại được người dân Việt Nam coi trọng như vậy, Nhà Nghiên cứu văn hóa, TS Nguyễn Văn Vịnh cho hay, ở vùng phía Bắc hay người Hoa họ coi rằm tháng Giêng rất quan trọng vì đến thời điểm đó thời tiết rất tốt, bắt đầu bớt lạnh, mọi vật đều trong trạng thái rất sung mãn, cũng hết hiện tượng thời tiết cực đoan. Đây là điều kiện thuận lợi để khởi đầu mọi việc trong một năm mới.
Ảnh minh họa/nguồn Internet
Nhà nghiên cứu văn hoá PGS.TS Nguyễn Thanh Tú cho rằng: “Tết Thượng nguyên gọi là Tết cầu phúc nên ai cũng muốn có được phúc”.
Theo Chuyên gia phong thuỷ Tuấn Kiệt – Công ty Phong thuỷ Việt Nam, trong 15 ngày đầu năm rất quan trọng đặc biệt là ngày rằm tháng Giêng. Đối với phật giáo ngày rằm tháng Giêng là ngày đức Phật thể hiện sự thần thông. Với truyền thống Lão giáo, đạo Khổng ngày rằm tháng Giêng cũng rất quan trọng.
Trong ngày này mọi người nên làm việc thiện, cúng dường tam bảo, cúng dường tổ tiên, gia tiên nhà mình, cúng dường các vị thần linh nhà mình để mong được phù hộ độ trì.
Chuyên gia Tuấn Kiệt nói: “Ngày rằm tháng Giêng rất quan trọng thiện hạnh nhân lên nhiều lần và ác hạnh nhân lên nhiều lần. Trong ngày đó nếu người nào theo phật giáo sẽ làm lễ cầu an để tích lũy công đức, hóa giải điều xấu trong năm.
Nếu làm được điều tốt lành trong ngày đầu tháng Giêng theo quan niệm phật giáo thì công đức sẽ nhân lên rất nhiều lần, giảm đi những điều xấu.
Nếu ngày đó làm điều tốt lợi lạc bằng cả 1 năm cúng, nếu trong ngày này làm điều xấu, tiêu cực, sát sinh, cãi cọ sân hận thì điều xấu đến với bản thân sẽ nhân lên nhiều lần. Do vậy nên giữ tâm an tịnh vào ngày này sẽ tốt hơn”.
Cùng với đó, nếu có ý định đi lễ bái ở đâu nếu tiến hành trong ngày rằm tháng Giêng, công việc này sẽ đem lại nhiều công đức hơn.
Cúng Rằm tháng Giêng năm Mậu Tuất 2018 vào ngày 14 có được không?
Vào năm Mậu Tuất 2018, lễ Rằm tháng Giêng sẽ rơi vào thứ 5 ngày 1/3/2018 và thứ 6 ngày 2/3/2018. Ngày chính rằm (ngày 15 âm lịch) là ngày Quý Tỵ, tháng Giáp Dần.
Rằm tháng Giêng nên cúng vào chính rằm và giờ Ngọ (Ảnh minh họa)
Theo Chuyên gia phong thuỷ Tuấn Kiệt, cúng Rằm tháng Giêng cúng vào ngày chính rằm - 15 tháng Giêng là tốt nhất và nên cúng vào buổi sáng sớm. Và giờ “chuẩn” để cúng Rằm tháng Giêng là giờ Mão (5h-7h), giờ Thìn (7h-9h).
Thời điểm này là lúc Phật giáng lâm. Bởi thế ngày rằm tháng Giêng, người Việt rất coi trọng lễ cúng tại nhà. Các gia đình thường sắm hai lễ cúng rằm, một là cúng Phật, hai là cúng gia tiên vào giờ Ngọ.
Tuy nhiên, hiện nay do điều kiện cuộc sống, mỗi gia đình lại tùy biến linh động cúng vào ngày, giờ khác nhau. Họ quan niệm rằng việc thờ cúng chỉ cần thể hiện tinh thần chung là tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, thần thánh.
Ngoài ra, vào ngày 14 hoặc chính rằm, người dân đã tấp nập đến chùa lễ Phật, cầu bình an, khoẻ mạnh, hạnh phúc… cho cả năm.
Theo Thư viện Gia đình Phật tử Việt Nam, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia Châu Á khác đều quan niệm trong 12 cái rằm của một năm thì ngày rằm tháng Giêng âm lịch mang nhiều ý nghĩa hơn cả.
Rằm tháng Giêng là rằm đầu tiên, người Việt theo đạo Phât, đạo Khổng, đạo Lão tin rằng ngày ấy đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của Phật Tử. Đây còn là ngày vía Thiên Quan (Khổng & Lão giáo), người ta đến chùa dâng sao để giải hạn.
Trong dân gian, với số đông người theo phong tục thờ cúng tổ tiên thì rằm tháng Giêng trước hết được hiểu một cách đơn giản là ngày rằm lớn. Tùy theo tín ngưỡng và ngành nghề, có gia đình lễ bái Phật, có gia đình cúng Thổ công, Thần Tài hoặc cúng âm hồn các đẳng… nhưng bao giờ cũng có cúng gia tiên, bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, cảm tạ ơn trên đã phù hộ cho con cháu an lành, làm ăn thuận lợi.