Đã 40 năm sau chiến tranh Việt Nam, nhiều người con có cha là lính Mỹ mong tìm được người thân và trong số đó có những cuộc hội ngộ đầy xúc động.
Khi anh Vo Huu Nhan đang trên chiếc thuyền rau của mình trong một khu chợ nổi ở đồng bằng sông Cửu Long thì chuông điện thoại reo vang. Cuộc gọi từ Hoa Kỳ đã mang tới cho anh tin tức tuyệt vời - một cơ sở dữ liệu ADN đã giúp anh tìm được cha của mình.
Anh Nhan, 46 tuổi, chỉ biết cha mình là một người lính Mỹ tên Bob với những thông tin vô cùng ít ỏi.
"Tôi đã khóc", anh Nhân nhớ lại. "Tôi đã lạc mất người cha trong 40 năm qua, và bây giờ, cuối cùng tôi đã tìm được ông ấy".
Anh Vo Huu Nhan tìm thấy cha sau 40 năm thất lạc.
Nhưng hành trình của việc đoàn tụ không dễ dàng. Cha anh, ông Robert Thedford, một phó cảnh sát trưởng đã nghỉ hưu ở Texas bị bệnh rất nặng và họ đang ở cách xa nhau tới 14.000km.
Khi những người lính Mỹ cuối cùng bỏ chạy khỏi Sài Gòn vào ngày 29 và 30/4/1975, họ đã để lại phía sau hậu quả của chiến tranh. Ở đó, những người phụ nữ không dám chắc chắn điều gì về tương lai cùng với hàng ngàn trẻ em là con lai, những đứa trẻ mang một nửa dòng máu Mỹ da đen hoặc nửa dòng máu Mỹ da trắng. Chúng là kết quả của những mối tình giữa lính Mỹ với các cô gái phục vụ trong quán bar, những người giúp việc, công nhân giặt là và các nhân viên trong căn cứ Mỹ.
40 năm sau, hàng trăm trong số những đứa trẻ đó giờ đã tuổi trung niên vẫn còn ở Việt Nam. Họ quá nghèo hoặc không có giấy tờ chứng minh đủ điều kiện cho chương trình tái định cư các con của lính Mỹ tại Mỹ theo luật Amerasian Homecoming năm 1987.
Tuy nhiên, hiện tại, một nhóm con lai Mỹ đang có cơ hội cuối cùng để đoàn tụ với cha dựa trên cơ sở dữ liệu ADN. Thông thường những đứa con này có rất ít thông tin về người cha vì giấy tờ và hình ảnh bị cháy, thất lạc hoặc ký ức mờ nhạt. Vì vậy, các xét nghiệm ADN là tia hy vọng duy nhất của họ.
Mùa xuân mới, hy vọng mới
Mùa xuân ở TP.HCM, những cây mai nở rộ, biểu tượng của mùa xuân và Tết ở miền Nam. Dòng người qua lại tấp nập trên những con phố sầm uất. Còn rất ít dấu hiệu cho thấy từng có sự hiện diện của quân đội Mỹ ở đây. Nếu chăng, chỉ còn lại những chiếc máy bay trực thăng rỉ sét nằm trong sân bảo tàng.
Trista Goldberg, 44 tuổi, một người dẫn chương trình truyền hình Pilates từ bang New Jersey, đã tự hào gọi mình là con lai Mỹ. Cô là người sáng lập tổ chức Đoàn tụ sau chiến tranh. Cô được nhận nuôi bởi một gia đình Mỹ từ năm 1974 và cô đã tìm thấy mẹ ruột của mình vào năm 2001.
Hơn 3.000 trẻ mồ côi đã được sơ tán khỏi Việt Nam trong những ngày cuối cùng của chiến tranh. Cuộc sống của những đứa con lai còn ở lại Việt Nam đã thay đổi với Đạo luật Amerasian Homecoming khi cho phép 21.000 trẻ em và hơn 55.000 thành viên gia đình sang định cư tại Mỹ.
Những đứa trẻ "bụi đời" bỗng nhiên trở thành "con vàng". Thời kỳ đó, một số người Việt giàu có đã trả tiền để mua con với hi vọng được sang Mỹ định cư. Tuy nhiên, sau đó họ lại bỏ rơi chúng khi đến Mỹ.
Vì tình trạng gian lận như vậy, Mỹ đã thắt chặt thủ tục kiểm tra, và số lượng thị thực nhập cư ban hành đã giảm đáng kể. Chỉ có 13 trường hợp được thông qua vào năm ngoái.
Anh Nhan và gia đình sống ở An Giang. Anh là một người đàn ông trầm tính, cha của năm đứa trẻ mới chỉ được học hết lớp ba. Mẹ anh cho biết anh là con trai của một người lính Mỹ khi anh khoảng 10 tuổi.
"Tôi hỏi mẹ tại sao những đứa trẻ khác hay trêu chọc tôi vào mọi lúc, mọi nơi? Tôi rất khó chịu vì điều đó, đôi khi tôi muốn đánh lại chúng. Mẹ tôi ngập ngừng một lúc và nói với tôi rằng tôi là một đứa con lai. Lúc đó, trông bà rất buồn, nhưng ông bà ngoại của tôi nói rằng họ rất yêu tôi, không quan trọng việc tôi là con lai".
Sau khi anh Nhan và những người khác lấy mẫu ADN, họ ngồi nán lại với nhau để xem liệu công nghệ mới này sẽ giúp họ có một cơ hội với giấc mơ Mỹ hay không.
Tìm cách liên lạc
Cha anh Nhan – ông Thedford
Vào mùa thu, bà Louise, vợ ông Bob Thedford, đã đăng nhập tài khoản của mình vào cơ sở dữ liệu phả hệ ADN. Bà đã nhìn thấy một kết quả rất ngạc nhiên. Đó là thông tin mới cho chồng bà, ông có mối quan hệ cha con với một người tên Nhan ở Việt Nam.
Bà Louise đã nghi ngờ từ lâu chồng bà có thể có một đứa con khi ông là một sĩ quan cảnh sát quân sự tại Việt Nam vào cuối thập niên 1960. Bởi vì ngay sau khi họ kết hôn, bà đã tìm thấy bức ảnh của một người phụ nữ Việt mà ông giấu bên trong chiếc ví.
Tin này đã làm con gái ông bà Bob, Amanda Hazel, 35 tuổi, một phụ tá pháp lý từ Fort Worth bị sốc.
"Thành thật mà nói, điều đầu tiên tôi nghĩ là, mẹ có chắc chắn đây không phải là một sự nhầm lẫn?”, Hazel nhớ lại.
Nhưng những bức ảnh của anh Nhan được gửi đến một thời gian ngắn sau đó. Trông anh Nhan rất giống với ông nội quá cố của Hazel, ông Robert Thedford, một cựu chiến binh từng phục vụ trong Hải quân Mỹ chiến đấu trong Thế chiến II.
Thedford, một cựu phó cảnh sát trưởng thường được gọi là "Red" vì mái tóc nâu của ông, đã gặp mẹ của Nhan khi ông đóng quân ở Quy Nhơn. Gia đình ông cho biết, ông rất hiếm khi nói về những chuyện thời chiến tranh.
"Ông ấy không bao giờ ngồi than thở về nó", anh John Gaines, con trai của Thedford nhớ lại. "Khi tôi hỏi: Có phải cha đã từng bắn một ai đó?. Ông nói 'Đúng, nhưng con phải hiểu được những lý do đằng sau đó, nó là một phần của cuộc chiến tranh. Cha sẽ không ngồi đây và giải thích cho con hiểu điều gì đó là như thế nào".
Trong khi Thedford dạy Hazel tập bơi và đi xe đạp ở ngoại ô Texas, anh Nhan đã lớn lên ở trang trại lợn của ông bà ngoại, tắm sông và bị bắt vì ăn cắp xoài. Có sự khác biệt trong cuộc sống của họ.
Việc liên lạc giữa hai gia đình đã được thực hiện theo dự kiến, mặc dù anh Nhan không nói được tiếng Anh và anh không có máy tính. E-mail đã được trao đổi qua trung gian. Anh Nhan gửi quà cho cha là đôi dép anh tự làm và chiếc nón lá. Ông Thedfords đã gửi Nhan hóa đơn 50 đô la Mỹ và chiếc kính Texas Rangers. "Con có muốn gì thêm không?", ông Robert Thedford hỏi anh Nhan.
Sau đó, qua cuộc gọi Skype đầy cảm xúc, cả hai người đàn ông đã khóc khi nhìn thấy nhau lần đầu tiên.
"Ông ấy trông giống như tôi. Tôi cảm thấy như tôi và ông ấy đã kết nối với nhau ngay lập tức", anh Nhân chia sẻ sau cuộc gọi.
Nhưng vào cuối tháng 8, ông Thedford, 67 tuổi, lại ngã bệnh một lần nữa. Trước đó ông đã được điều trị ung thư da. Căn bệnh ung thư đã lan rộng, ông phải tập trung vào việc điều trị. Chuyện về người con ở Việt Nam tạm thời gác lại.
"Tôi có con trai ở Việt Nam"
Chị Dang Thi Kim Ngan đang phiên dịch giúp anh Nhan khi nói chuyện với em gái Hazel.
Thời gian gần đây, anh Nhan gọi Skype nói chuyện với Hazel từ nhà một người bạn ở TP.HCM. Anh Nhan hỏi thăm về tình hình của cha. "Ông ấy đang tiến triển tốt. Bây giờ, ông có thể tự ngồi trên một chiếc ghế. Các bác sĩ đang chăm sóc cho ông", Hazel chia sẻ, "Em cảm thấy thật tệ vì đã không liên lạc sớm hơn với anh. Bố mẹ luôn nghĩ về anh và nói về anh trong mọi lúc".
Ông Thedford đã đưa bức ảnh của Nhan cho các y tá trong bệnh viện và nói: "Đây là con trai của tôi ở Việt Nam".
Trước đó, anh Nhan nộp kết quả xét nghiệm ADN của anh đến Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM vào tháng 12/2013. Nhưng anh đã không được bất cứ hồi âm nào.
Hazel nói rằng gia đình cô sẽ làm tất cả để giúp Nhân định cư tại Mỹ, ngay cả khi cô ấy biết rằng quá trình làm thủ tục sẽ khó khăn.
Chiến tranh gây ra những vết thương không bao giờ lành hẳn và hiện nay, câu chuyện về họ vẫn còn tiếp tục giống như ADN xoắn kép mang họ lại với nhau...