Từ lúc sinh ra, chị Nguyễn Thị Bình, 55 tuổi, trú tại thôn Nội Lễ, xã An Viên, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) đã không được may mắn. Chị bé như quả mướp, yếu tựa dải khoai. Lớn lên, chị cũng không khá hơn là mấy, chỉ cao chừng gần một mét.
Chị Bình không tinh khôn như người em, song lại từng được sống trong cái không khí mà người ta vẫn hay gọi là tình yêu. Kết quả của tình yêu ấy là sự ra đời của cháu Nguyễn Thành Công. Chúng tôi hỏi về cha của đứa trẻ thì chị Bình bẽn lẽn đáp rằng: “Anh ta “ăn” xong thì bỏ đi rồi, đến bây giờ, tôi cũng không biết anh ta ở đâu nữa”. Rồi chị nói như tự sự với chính mình: “Anh ấy tên là Hoài hay Hòa gì đấy, có khi cả hai tên đều là giả. Chỉ biết anh ấy ở làng bên, gia đình rất nghèo, không lấy được vợ. Anh ấy sang đây tìm hiểu tôi.
Hồi bấy giờ, tôi nghĩ anh ta đùa ác, chứ ai lại thèm lấy tôi. Nhưng mà, anh ta tỏ ra nhiệt tình và chân thành lắm lại còn nói lời yêu đương, hứa hẹn rất nhiều với tôi. Thế là tôi cũng xiêu lòng. Tôi yêu anh ấy lắm, cứ nghĩ sẽ được làm vợ, làm mẹ như những người đàn bà khác. Thế nhưng, đến khi tôi có thai, anh ấy lại bỏ đi mất. Hình như là bỏ đi Nam.
Tôi bụng mang dạ chửa, người thì lùn tịt nên cũng chẳng thể đi đâu mà tìm anh ấy. Nhưng thôi chẳng sao, dù gì người ta cũng cho mình được mụn con, nó chính là “của để dành” cho mình lúc về già nên tôi nghĩ thế cũng là may mắn lắm rồi. Thành ra tôi cũng chẳng trách anh ta làm gì. Ở được với nhau thì phải có “nợ” từ kiếp trước”.
Ngôi nhà của 3 người lùn
Chị Bình sinh con ra và đặt cho nó cái tên là Thành Công. Chị bảo, sở dĩ chị đặt tên đó là vì cuộc tình ấy đã cho chị kết quả thành công ngoài mong đợi. Chị không những biết đến cảm giác yêu và được yêu mà lại còn có được đứa con cho riêng mình. Thành Công sinh ra và lớn lên cũng có chiều cao khiêm tốn y như mẹ và cậu. Dù bé nhỏ nhưng Công lại rất thông minh, nhanh nhẹn. Hiện giờ, Công đã là học sinh lớp 11.
Công chia sẻ: “Cháu chẳng dám mơ ước gì nhiều, chỉ mong mình có thể học hết lớp 12 rồi sau đó sẽ đăng ký đi học nghề sửa chữa điện tử. Nếu được như vậy thì mẹ và cậu cháu sẽ bớt vất vả. Chứ cứ như bây giờ, nhìn mẹ lang thang đi nhặt từng chai nước, cậu đi cắt cỏ thuê cho người ta, cháu thấy khổ thân mà chẳng giúp gì được”.
Nghe con nói vậy, đôi mắt chị Bình lại ầng ậc nước. Ước mơ của con chị nó quá đỗi giản dị nhưng là giản dị với những gia đình bình thường. Còn với chị em chị, đến kiếm ăn qua ngày còn khó nói gì đến chuyện sẽ có tiền nuôi con học được cái nghề. Chị quay sang nói với chúng tôi: “Chắc đời nó rồi cũng giống đời tôi và đời em trai tôi thôi cô chú ạ. Thương con đến thắt lòng mà cũng có biết làm gì cho nó tốt hơn đâu”.
Nhìn 3 phận người nhỏ thó, lùn tịt trong căn nhà dột nát, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Chỉ cầu mong sao những lời dự đoán của chị Bình về con trai mình không phải là thật, bởi tên con trai chị mang hai chữ Thành Công cơ mà!
Anh Nguyễn Văn Công, Phó trưởng thôn Nội Lễ cho biết: “Gia đình chị Bình là một trong những hộ nghèo nhất của thôn. Dù được trợ cấp hơn 100 nghìn/tháng nhưng cũng chẳng đủ sống. Thôn cũng tạo mọi điều kiện giúp đỡ nhưng cũng chỉ giúp đỡ được phần nào. Tuy nhiên, cứ như thế này, họ không thể có khả năng để cho cháu Thành Công ăn học bằng bạn, bằng bè”.