Bữa cơm với cá khô kho mắm của 3 mẹ con góa phụ tật nguyền nơi Sài thành

Ngày 18/09/2017 01:15 AM (GMT+7)

Hình ảnh người phụ nữ khoèo chân ngồi cạnh cổng chùa bón cơm cho 2 đứa con bệnh tật, phía trước đặt chiếc bàn xốp với tập vé số khiến ai ngang qua cũng xót xa.

Chúng tôi dừng xe trước “tiệm” vé số tạm bợ trước cổng chùa Bà Châu Đốc 2 (Nhà Bè, TP.HCM) vừa lúc chị Bích Nguyệt (39 tuổi) đi từng bước không vững xách giỏ cơm từ nhà ra cho 2 con. Hai đứa trẻ bé Lê Ngọc Quý 13 tuổi và bé Lê Thành Đạt 11 tuổi.

Bữa cơm với cá khô kho mắm của 3 mẹ con góa phụ tật nguyền nơi Sài thành - 1

Góa phụ đưa 2 con bệnh tật vào Sài Gòn mưu sinh

Sau kết hôn, vợ chồng chị Nguyệt nhanh chóng có đứa con đầu lòng. Nhưng đứa trẻ vừa chào đời đã bị bại não, không thể phát triển bình thường.

2 năm sau, chị tiếp tục mang bầu với hi vọng con sinh ra được lành lặn. Chị nhớ lại: “Ngày bé Đạt cất tiếng khóc, vợ chồng tôi mừng lắm vì bác sĩ nói nó không bị di truyền bệnh của thằng lớn. Khi được mười mấy tháng, tôi không thấy con chịu tập đi nên đưa đến bệnh viện khám thì bất ngờ nhận hung tin con chậm vận động, phải có sự trợ giúp của xe đẩy”.

Đứa lớn nằm một chỗ, còn đứa nhỏ không đi đứng được, tôi xót lắm nhưng đành bất lực đứng nhìn.

- Eva.vn

Để 2 đứa con bệnh tật có cuộc sống tốt, vợ chồng chị Nguyệt chăm chỉ làm lụng kiếm tiền. Chị bảo đôi khi cũng khao khát có một đứa con bình thường, khỏe mạnh như người ta mà không được. Vậy là, vợ chồng chị đành chấp nhận đối diện với hiện thực, cố gắng bù đắp những thiệt thòi của các con.

Những tưởng người đàn bà ấy chịu bao vất vả, bất hạnh như vậy là đủ. Ngờ đâu, cách đây 5 năm, chồng chị bị tai nạn giao thông và  không qua khỏi,  để lại 3 mẹ con bơ vơ.

Khi nỗi đau dần nguôi ngoai, chị Nguyệt quyết định rời Nha Trang vào Sài Gòn mưu sinh với hy vọng các con bớt cực khổ. Kể từ đó, cuộc sống của góa phụ cùng 2 đứa con bệnh tật gắn liền với chuỗi ngày rong ruổi bán vé số.

“Tôi đi không vững nên chẳng biết kiếm sống bằng cách nào ngoài bán vé số. Trước ông xã còn, vợ chồng buôn bán nhỏ. Giờ một thân một mình nơi xứ người, tôi chẳng biết nương tựa vào ai, đành dắt lũ trẻ đi bán vé số sống qua ngày”, chị Nguyệt nghẹn ngào.

Bữa cơm với cá khô kho mắm của 3 mẹ con góa phụ tật nguyền nơi Sài thành - 2

Một thân một mình nơi xứ người, chị Nguyệt vất vả lo từng bữa ăn cho 2 đứa con bệnh tật 

“Nó nói con ở với mẹ ăn cơm với muối cũng ngon…”

Thời gian đầu vào Sài Gòn, chị Nguyệt mướn một phòng trọ nhỏ ở quận 4 làm nơi trú nắng mưa cho 3 mẹ con. Sáng sáng, chị đưa 2 đứa trẻ đi khắp thành phố mời người ta mua vé số.

Chị bảo, mỗi ngày chỉ bán được chừng 50 tờ, hôm nào có khách “sộp” thì bán được nhiều hơn. Số tiền lãi ấy, chị không đủ trả tiền trọ nên có bữa 3 mẹ con phải nhịn đói hoặc uống nước miễn phí thay cơm.

Bữa cơm với cá khô kho mắm của 3 mẹ con góa phụ tật nguyền nơi Sài thành - 3

Từ khi chào đời, bé Quý đã bị bại não bẩm sinh, nằm bất động một chỗ

Không trụ nổi nơi phố thị, chị Nguyệt quyết định đưa bé Quý và bé Đạt qua huyện Nhà Bè mưu sinh. Chị tâm sự: “Sống ở trên đó, tôi không thể chi trả phí sinh hoạt và lo cho các con đủ cái ăn cái mặc. Bởi vậy, tôi đã về ngoại thành, đến khu vực chùa Bà Châu Đốc 2 mướn phòng rồi đặt cái bàn xốp bán vé số trước cổng chùa”.

Nhiều người khuyên tôi nuôi 2 đứa không nổi thì cho bớt để tập trung nuôi 1 đứa . Nhưng tôi đâu dám nghĩ tới chuyện đó, con mình đẻ ra sao nỡ vứt bỏ.

- Eva.vn

Ngồi một chỗ bán vé số, 2 đứa trẻ bệnh tật bớt cực khổ hơn trước nhưng cuộc sống chẳng khác là bao. Thi thoảng, chúng vẫn phải chịu cảnh nhịn đói hay bữa ăn chỉ có vài con cái khô kho mắm…

“Bữa trước, tôi bảo bé Đạt cho con qua nhà người khác ở sẽ được ăn cơm với thịt, không phải vất vả đi bán vé số. Nó nhất định không chịu rồi nói: Con ở với mẹ và anh hai ăn cơm với muối cũng ngon. Mẹ đừng bỏ con, tội nghiệp lắm”, chị Nguyệt kể.

Trong lúc mẹ trò chuyện với các cô, bé Đạt say sưa đùa nghịch với anh hai nhưng không quên nhiệm vụ mời khách qua đường mua vé số. Sau đó, bé hào hứng khoe:

- Con được đi học lớp 1 và thuộc hết bảng chữ cái rồi. Mấy nữa, cô giáo sẽ dạy con đánh vần với học phép tính.

- Vậy khách mua vé số đưa tiền to, con làm sao để trả lại tiền?

- Lúc ấy, con tính nhẩm ở trong đầu. Ví dụ, cô mua 13 tờ nhưng lại đưa 500 nghìn, con sẽ thối lại 370 nghìn.

Qua lời kể của chị Nguyệt, bé Đạt mới được đi học ở lớp tình thương. Mỗi tuần, bé đi học 3 buổi sáng. Thời gian còn lại, bé ra trước cổng chùa bán vé số cùng mẹ và anh hai.

Bữa cơm với cá khô kho mắm của 3 mẹ con góa phụ tật nguyền nơi Sài thành - 4

Dù con không lành lặn như những đứa trẻ khác nhưng với chị Nguyệt đó chính là động lực sống và chỗ dựa tinh thần khi mệt mỏi

Nhắc đến ước mơ sau này, bé Đạt nói: “Con có nhiều điều ước lắm cô ạ! Đầu tiên, con ước ba còn sống để đưa hai anh em đi chơi. Thấy các bạn có ba, con thấy ganh tị ghê.

Tiếp theo, con muốn biết đi, không phải dựa vào xe đẩy! Lúc ấy, con làm đủ thứ việc giúp mẹ và anh hai”.

Nghe đứa con út kể về ước mơ, người mẹ khoèo chân không kìm nổi xúc động: “Đạt còn nhỏ nhưng suy nghĩ của nó rất người lớn. Từ bé, tôi đã dạy con cách sống tự lập để có thể  lo cho bản thân. Nếu vậy, nó sẽ chăm sóc được anh trai và tôi cũng thấy an lòng”.

Bữa cơm với cá khô kho mắm của 3 mẹ con góa phụ tật nguyền nơi Sài thành - 5

Bé Đạt gắng từng bước đi nhờ  bằng chiếc xe đẩy 

Khai Tâm
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động