Cuộc sống thú vị trên hòn đảo đông đúc nhất thế giới

Ngày 24/07/2015 00:43 AM (GMT+7)

Santa Cruz del Islote, một hòn đảo nhỏ bé trên vịnh Caribbean nhưng có mật độ dân số đáng kinh ngạc. Tuy diện tích chỉ vỏn vẹn 0.012 km2, nhưng có tới 1.200 người sinh sống. Mật độ dân cư cao gấp 4 lần thành phố Manhattan-Mỹ.

Trên đảo không có bác sĩ. Máy phát điện chỉ cung cấp đủ 5 giờ mỗi ngày. Không có hệ thống cung cấp nước ngọt hoặc cống rãnh thoát nước thải. Người dân trên đảo sống nhờ vào nguồn nước ngọt do hải quân Colombia vận chuyển ba tuần một lần.

Nằm trong quần đảo San Bernardo, hòn đảo cách đất liền khoảng 2 giờ đi bằng tàu thủy từ thành phố Cartagena, Colombia. Theo truyền thuyết địa phương, hòn đảo được phát hiện 150 năm trước bởi một nhóm ngư dân đến từ thị trấn ven biển Baru, nơi cách đó 50 km. Họ nhận thấy một cái gì đó rất hấp dẫn trên hòn đảo này. Trên đảo hoàn toàn không có muỗi. Điều này rất hiếm ở một xứ sở nhiệt đới. Vì vậy, họ quyết định dựng trại trên đảo.

Cuộc sống thú vị trên hòn đảo đông đúc nhất thế giới - 1

Toàn cảnh đảo Santa Cruz del Islote (Ảnh: Supplied)

Cuộc sống thú vị trên hòn đảo đông đúc nhất thế giới - 2

Đây được coi là nơi có mật độ dân cư đông đúc nhất thế giới (Ảnh: Picture Media)

Cuộc sống thú vị trên hòn đảo đông đúc nhất thế giới - 3

Cuộc sống nơi đây rất thanh bình mặc dù không gian chật chội (Ảnh: Supplied)

Ngày nay, trên đảo có 90 ngôi nhà, 2 cửa hàng tạp hóa, 1 nhà hàng và 1 trường học. Không gian vô cùng chật hẹp cho nên nhiều gia đình đã phải xây dựng lấn thêm ra biển. Một điều đặc biệt là không có nhà cao tầng trên đảo, tất cả mọi người sống trong các căn nhà cấp bốn nhỏ bé.

Không gian vui chơi duy nhất cho người dân trên đảo và khách du lịch là một khoảng trống nhỏ bằng nửa sân tennis. Hầu hết cư dân trên đảo làm việc trên các đảo lân cận và quay về nhà khi trời tối. Họ sống rất hòa nhã với nhau, không trộm cướp, các ngôi nhà không bao giờ phải khóa cửa.

“Cuộc sống ở đây rất êm đềm và thú vị. Không có bạo lực, chúng tôi không cần tới cảnh sát. Tất cả mọi người đều biết nhau và chúng tôi yêu cuộc sống trên đảo”, Juvenal Julio, 66 tuổi, một hậu duệ của những cư dân đầu tiên sống trên đảo nói với tờ Toronto Star.

Mặc dù không có tội phạm, nhưng nhà chức trách địa phương vẫn bố trí một nhân viên an ninh trên đảo. Chính phủ Colombia đã tài trợ để thành lập một trường học trên đảo với 80 học sinh. Sự có mặt của nhân viên an ninh ở đó là bởi theo luật Colombia tất cả trường học đều phải có người bảo vệ.

Khi không may có người chết, các gia đình đưa thi thể tới một hòn đảo lân cận để chôn cất bởi vì trên đảo ở đó không đủ chỗ cho một nghĩa trang.

Bất chấp những khó khăn và bất tiện trong cuộc sống, người dân địa phương không hề muốn rời đi. Một cư dân cho biết: “Nơi đây là thiên đường”.

Hoàng Nam (News.co.au)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự