Vào dịp Tết, món đặc sản này được nhiều người đặt mua nên giá cả cũng tăng cao vọt, giá lên tới 600.000 đồng/kg.
Khô miền Tây từ xưa đã vô cùng nổi tiếng, không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn bán đi khắp các tỉnh thành. Thậm chí còn xuất khẩu ra nước ngoài với giá đắt đỏ. Trong số đó phải kể tới khô nhái.
Khô nhái còn được biết đến với cái tên khiến người nghe cảm thấy ngượng ngùng: vũ nữ chân dài, kiều nữ chân dài. Nếu như khô cá dễ tìm và quá quen thuộc thì khô nhại lại khá lạ lẫm và khó tìm nên giá cả đắt hơn. Lúc vào mùa, khô nhái có giá khoảng 350.000 đồng/kg, nhưng dịp Tết hàng khan hiếm, giá có thể lên tới 600.000 đồng/kg.
Khô nhái còn gọi là vũ nữ chân dài, đặc sản nổi tiếng ở miền Tây
Người dân miền Tây cho biết khô nhái có quanh năm nhưng mùa ít, mùa nhiều. Trong đó nhộn nhịp nhất vào khoảng tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Lúc đó, người dân ra đồng bắt con nhái về làm khô, chuẩn bị cho giai đoạn cao điểm dịp Tết.
Anh Hòa (ở An Giang) cho biết: "Nhái gồm 2 loại là nhái cơm và nhái lai. Nhái cơm được ưa chuộng hơn vì con nhỏ, thịt dai và chắc, ăn được cả xương.
Khô nhái được nhiều người tìm mua vào dịp Tết
Để làm ra 1kg nhái khô cần 4-6kg nhái tươi, sự chênh lệch lớn này khiến số lượng nhái trong tự nhiên ngày càng hiếm. Mấy năm nay, bà con phải nhập nhái tươi từ Campuchia mới đủ nguồn cung cho các vựa làm khô".
Theo anh Hòa, tháng 5 đến tháng 10 là mùa mưa ở miền Tây, nhái có nhiều nguồn nước để sống và sinh sản, nên số lượng cũng gia tăng đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân săn bắt. 2 tháng trước Tết, thương lái về tận nơi để thu mua nhái khô nên hàng bán chạy hơn so với ngày thường.
Trên thị trường khô nhái có giá tới 600.000 đồng/kg
Để làm nhái khô, khâu làm sạch vô cùng quan trọng. Người dân ở đây phải rửa kỹ bởi chúng có tập tính sống ở ruộng đồng tự nhiên, ăn tạp nên khả năng mang mầm bệnh và ký sinh trùng. Hơn nữa, nếu làm không sạch lúc phơi khô sẽ có mùi khó chịu, ảnh hưởng đến hương vị của khô nhái.
Sau khi rửa sạch, khô nhái được đem ướp với ớt, tiêu, muối và các gia vị khác cho thấm đều khi mang phơi. Nhái khô đạt tiêu chuẩn là có màu sắc vàng óng chứ không bị sậm hay ẩm. Khi ngửi có mùi thơm.
Khô nhái chế biến rất dễ. Có thể chiên giòn, chiên bơ tỏi, chiên mắm, nướng than hoa rồi chấm tương ớt. Khi ăn có vị ngọt ngọt, cay cay, mặn mặn, béo béo, giòn giòn rất riêng.
Chị Thanh (ở Mỹ Long, Long Xuyên, An Giang) cho biết trước đây khô nhái chỉ là món ăn dân dã của những người miền sông nước. Dần dần, nhiều người yêu thích nên đặt mua về ăn hoặc biếu, khô nhái có mặt nhiều hơn ở các nhà hàng, quán nhậu.
"Thông thường, nhà tôi sẽ thu mua nhái của bà con chuyên đi "săn" rồi về sơ chế, làm khô nhái để bán ra thị trường. Khô nhái bán rải rác trong năm nhưng sẽ tập trung hàng cho dịp Tết vì lúc đó nhiều người đặt mua và giá cả cũng cao hơn. Những ngày Tết, khô nhái chiên có thể làm thành món nhậu lai rai cho cánh mày râu", chị Thanh chia sẻ.