Vụ sập giàn giáo tại công trường Fomosa Hà Tĩnh đã cướp đi 13 sinh mạng, 28 người bị thương. Trong số những nạn nhân tử vong đó, có anh Phạm Văn Hùng (sinh năm 1986) ở xóm 6, xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, Nghệ An.
Con thấy đông người, cứ tưởng là... vui
Ai cũng thương xót cho chàng kĩ sư trẻ, mới vào nghề được ít tháng, là niềm tự hào của gia đình và vợ con, thế nhưng tất cả chẳng còn gì chỉ trong vỏn vẻn có ít giây khi giàn giáo đổ sụp xuống. Anh Hùng ra đi cùng với cả chục số phận xấu số.Bước chân đến nhà nạn nhân Phạm Văn Hùng vào lúc 16h ngày 26/3, cũng là lúc gia đình bà con chòm xóm tiễn đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Dòng người tiễn đưa anh Hùng về bên kia thế giới ngày càng đông đúc hơn, họ đến để cùng bước, cùng chia sẻ nỗi buồn với gia đình nạn nhân.
Anh Nguyễn Trọng Hoàng, bạn của nạn nhân cho biết: “Đáng lẽ hôm nay Hùng đang vui vẻ với thanh niên cả nước chứ, ngày thành lập đoàn mà, sao giờ này nó lại “làm” nhiều người rớt nước mắt thế. Hùng hiền hậu, chăm chỉ học hành lắm, những năm tháng học cao đẳng ngoài Hà Nội, Hùng tâm sự rằng ước mơ trở thành kĩ sư để trở thành niềm tự hào cho gia đình, giờ đây nó đã bỏ dở ước mơ đó, tội nghiệp Hùng quá”.
Ngồi bên cạnh anh Hoàng, anh Nguyễn Hữu Tuấn, là anh em họ hàng với nạn nhân Hùng cũng cho biết: “Hùng lấy vợ cách đây gần 5 năm, khi cưới chị Hạnh về làm vợ, gia đình Hùng hạnh phúc lắm, nói về sự thương vợ, có lẽ cả xóm 6 này không ai thương vợ bằng nó. Sinh được hai đứa con, 1 trai 1 gái niềm hạnh phúc ấy trọn đầy, nhiều gia đình trẻ nhìn vào ước muốn”.
Vợ và 2 con thơ mất trụ cột gia đình.
Theo tìm hiểu, người con đầu lòng của vợ chồng chị Hạnh là bé Phạm Tiến Đạt (4 tuổi), con gái thứ 2 là Phạm Nhã Quyên, bé mới được 1,5 tuổi. Nhìn hai bé ngây ngô ai cũng thương xót.
Nhìn cảnh bé Đạt cầm chiếc kẹo mút trên tay, miệng bi bô “chụp ảnh, chụp ảnh kìa!” rồi bé chạy khắp sân vui cười, ông Phạm Văn Trân (cha đẻ của nạn nhân Hùng) phải đuổi theo ôm giữ lại.
Đứa bé chưa hiểu nỗi đau mất cha.
Bồng trên tay, đứa con thơ dại mới 1,5 tuổi, chị Hứa Thị Hạnh (sinh năm 1990) đầu đội khăn tang, hai tay ôm con vào lòng để bé bú sữa, bên cạnh bàn thờ người cha hình ảnh bé Đạt cười đùa, khiến cho người mẹ càng như chua xót hơn.
Được biết, do có con nhỏ nên hai vợ chồng quyết định mở cửa hành tạp hóa tại nhà cho chị buôn bán, tiện bề chăm sóc con. Vốn liếng đều phụ thuộc vào đồng lương của anh Hùng. Vậy mà “Anh Hùng ơi, anh 'bỏ đi' giờ còn ai dạy dỗ 2 đứa con thơ, anh Hùng ơi!”, chị khóc nấc.
Từ khi biết tin chồng mất, chị Hạnh vẫn không nghĩ đó là sự thật. Trước đó, anh Hùng vẫn hứa cuối tuần này về thăm vợ, rồi đưa vợ đi chơi ngày thành lập đoàn cùng với bạn bè.
Ông Phạm Văn Trân (64 tuổi) bố của nạn nhân, buồn bã nói: “Vợ chồng trẻ, con cái thơ dại, bồng bột, Hùng là người trụ cột nâng đỡ gia đình này vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Bao nhiêu ước mơ của một gia đình hạnh phúc, từ nay đã dang dở đôi đường. Ông trời đã nỡ lòng sắp đặt thế sao?”.
Dang dở dự định cuối năm lấy vợ, sinh con
Trong số 13 nạn nhân tử vong vụ sập giàn giáo ở Hà Tĩnh có anh Trần Anh Hoàn (sinh năm 1987), quê xã Xuân phổ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Chúng tôi đến nhà anh lúc 11h trưa ngày 26/3, khi đó cơn mưa càng lúc càng nặng hạt hơn. Chiếc xe cứu thương đưa thi thể nạn nhân Trần Anh Hoàn đã về đến quê nhà.
Hàng trăm người dân xót thương, cùng người nhà nạn nhân đón chờ anh Hoàn “có đi mà không có về”
Trò chuyện với anh Trần Văn Sáng, em họ của nạn nhân Hoàn thì được biết: “Hoàn sinh ra trong gia đình có ba anh em trai, Hoàn là con trai cả, khi học hết cấp 3, anh ấy đã vào TP.HCM để học ngành điện. Năm 2010 Hoàn tốt nghiệp rồi ở lại Sài Gòn lập nghiệp, thế nhưng do công việc không ổn định, lương thấp Hoàn quyết định trở về TP.Vinh (Nghệ An) làm việc rồi gắn bó đến năm 2012. Thời gian sau, KCN Vũng Áng tuyển nhân sự, biết lương cao công việc cũng ổn, mặc dù có mệt nhọc, Hoàn quyết định bỏ việc ở Vinh để đi vào Formosa”.
Nỗi đau của gia đình anh Hoàn.
Tết vừa qua, Hoàn còn nói với bố mẹ, năm nay con phải lấy vợ, sinh con cho bố mẹ có cháu ẵm bồng, thế nhưng lời hứa ấy không còn thực hiện được nữa. Lúc 1h20 sáng ngày 26/3, gia đình nhận được tin báo Hoàn cùng những công nhân gặp nạn tại công trường. Biết Hoàn gặp nạn lớn, gia đình tức tốc vào Kỳ Anh (Hà Tĩnh) để đón, nhưng nào ngờ trước mắt gia đình là một người con nằm yên lặng không còn cất lên được lời nào.
Sau khi được công ty hỗ trợ một phần tiền, gia đình đã thuê ô tô, chở thi thể Hoàn về để làm thủ tục mai táng.
Bà Trần Thị Hoa (SN 1961 – mẹ nạn nhân) không ngồi vững, phải có hai người dìu từ trong giường sau mấy lần ngất xỉu. Bà vịn tay vào chiếc quan tài, gào tên con: “Hoàn ơi, con về với mẹ đi con, con đừng bỏ bố mẹ. Con nói cuối năm cưới vợ, sinh con cho bố mẹ bồng bế mà sao con nằm im không dậy nói chuyện với mẹ…”.
Từ khi nhận được tin con trai của gia đình mất, những người thân, hàng xóm, chính quyền địa phương đã đấn chia sẻ nỗi buồn, rồi tiến hành làm lễ mai táng theo phong tục địa phương.