Theo nạn nhân Hoàng Đăng Thuận, quê Nghệ An cho biết: “Vào trước thời điểm xảy ra vụ tai nạn, giàn giáo này liên tiếp hai lần rung chuyển nhưng quản lý người Hàn Quốc vẫn chỉ đạo "cứ làm tiếp".
Ghi nhận tại hiện trường vụ sập giàn giáo ở Hà Tĩnh, đến thời điểm này, vẫn còn hơn 500 người cùng tham gia cứu hộ, tất cả đều rất khẩn trương để chạy đua với tính mạng của những công nhân xấu số đang bị mắc kẹt trong đống đổ nát.
Đã có 44 người được đưa ra khỏi đống đổ nát, trong đó có 13 người tử vong. Hiện vẫn còn 2 nạn nhân chưa được tìm thấy, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã phải điều 2 chó nghiệp vụ đến hiện trường để thực hiện việc tìm kiếm các nạn nhân.
Người thân vui mừng khi biết tin con mình còn sống.
Lực lượng công an lấy lời khai phục vụ công tác điều tra.
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh và Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, các bác sỹ vẫn đang tích cực điều trị cho các công nhân gặp nạn. Thông tin từ bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh cho biết, trong số các nạn nhân được đưa vào bệnh viện này cấp cứu và điều trị, có 4 người đang bị thương nặng. Số còn lại đa phần bị gãy tay, gãy chân, chấn thương phần mềm, tràn dịch màng phổi...
Một nạn nhân còn sống sót thốt lên: "Thật khủng khiếp khi chỉ trong vòng 10 giây mà tất cả đã sụp đổ, vùi lấp hết, tiếng la hét của đồng nghiệp, trong thoáng chốc chúng tôi đã mất hết".
Anh Hoàng Đăng Thuận, quê Nghệ An cho biết: “Vào trước thời điểm xảy ra vụ tai nạn, các công nhân đã cảm thấy bất ổn về giàn giáo. Lúc đó công nhân đang tiến hành mài thép ở phía trên giàn giáo thì cảm thấy hoảng sợ khi giàn giáo này liên tiếp hai lần rung chuyển nhưng vẫn không có một ai đi kiểm tra.
Sau đó có một người Hàn Quốc đến chỉ đạo anh em chúng tôi: 'Cứ làm đi không phải lo gì', anh em chúng tối cúi mặt làm tiếp.
Khoảng 8 phút sau, bất ngờ giàn giáo bị gãy đổ, các khối bê tông rơi xuống ào ào, tôi thấy anh em rơi rớt như chim, mỗi người một nơi, riêng tôi làm ở phía ngoài nên may mắn thoát chết".
Hiện vẫn còn 2 công nhân mắc kẹt trong đống đổ nát.
Anh Thuận tâm sự, công nhân làm ở đây đa số chỉ là hợp đồng thời vụ, không được đóng bảo hiểm, và không có các chế độ. Mọi người cố gắng làm đủ giờ, tăng ca nhiều thì mới có đủ tiền gửi về cho gia đình, công việc thì nặng nhọc, trèo cao.
Bên cạnh đó, một công nhân tên Hiếu, quê ở Quảng Bình cho biết thêm: “Khi rơi xuống, bị đống sắt thép đè lên, dù bị thương nặng nhưng tôi cũng cố gắng mở mắt, lấy điện thoại gọi về cho gia đình. Khi biết mình sống, tôi khóc nức nở, bên cạnh tôi loáng thoáng mờ ảo trong đêm, có 3 hay 4 nạn nhân nằm bất động”.
Lặng lẽ chờ đón thi thể vụ sập giàn giáo để đưa về quê.
Đại tá Bùi Đình Quang - Phó giám đốc công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Trong hai ngày 25, 26/3, bên cạnh việc tập trung nỗ lực tìm kiếm, cứu hộ các nạn nhân, lực lượng pháp y Công an tỉnh cũng làm việc khẩn trương và hoàn thành khám nghiệm thi thể, rồi trực tiếp bàn giao cho gia đình các nạn nhân đưa về quê để an táng”.
Hiện vụ việc đang được tiếp tục làm rõ.