Trong lúc đào măng, lão nông vô tình đào được thứ màu vàng có vẻ ngoài giống những con rắn. Không ngờ chuyên gia cho biết, thứ này có thể bán được với giá tiền tỷ.
Hàng ngày, lão Vương ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, đều lên núi đào măng. Thế nhưng, lần này, khi lão Vương đang đào đất đột nhiên có sự lạ xảy ra.
Lão Vương phát hiện dưới đất có thứ gì đó màu vàng. Khi đào sâu hơn, vật thể lạ càng lúc càng lộ rõ, nó có tới 7 cái thân dài. Thoạt nhìn, thứ đó có vẻ ngoài khá giống những con rắn màu vàng khiến lão Vương giật mình sợ hãi. Sau khi nhìn kĩ lại, không thấy chúng động đậy gì lão Vương mới bạo gan đào tiếp và phát hiện ra chúng chính xác là 7 thân cây màu vàng có kích thước khác nhau.
Lão Vương chưa từng thấy chúng bao giờ, cũng không hiểu sao chúng lại mọc ở dưới đất nên quyết định mang chúng về nhà. Những người hàng xóm hiếu kỳ thì kéo nhau tới nhà ông Vương để tận mục sở thị "những con rắn vàng” kỳ lạ.
Mỗi người đều đưa ra ý kiến của mình nhưng không người nào có thể khẳng định chính xác. Cuối cùng họ khuyên lão nông đem những thứ này lên thành phố để tham khảo ý kiến của các chuyên gia. Không ngờ, vị giáo sư về thực vật học vừa nhìn thấy đã lập tức báo cho chính quyền địa phương phong tỏa nơi tìm thấy chúng. Hóa ra những "con rắn vàng" mà lão nông đào được chính là một loại Nhục thung dung, loại dược liệu vô cùng quý hiếm. Thậm chí các chuyên gia còn đánh giá chúng khó kiếm hơn cả vàng.
Từ khoảng 2.000 năm trước, nhục thung dung đã có mặt trong các bài thuốc bổ thận, tráng dương, tăng cường thể lực cho quý ông và có tên trong sách “Thần Nông bản thảo” - bộ sách thuốc cổ nhất của Đông y.
Nhục thung dung được mệnh danh là “dũng sĩ sa mạc” bởi nó có thể tồn tại được dưới khí hậu khắc nghiệt nhờ lớp lá vảy dày.
Nhục thung dung còn được ví là “nhân sâm sa mạc” bởi loài thảo dược này quý như nhân sâm và chỉ mọc ở các vùng hoang mạc đầy cát và nắng. Nó là loài ký sinh, chọn những thân cây chủ có rễ khỏe, xuyên sâu vào lòng đất, có thể hút được nước từ dưới tầng đất sâu để chịu nắng hạn và bão tuyết. Sau đó, hệ rễ của nó sẽ bám chặt vào hệ rễ của cây chủ để hấp thụ các chất dinh dưỡng. Vào mùa xuân ấm áp, mầm cây mới có thể đâm thủng mặt đất để mọc nhô lên trên.
Cây thường cao khoảng từ 15 - 30cm, có khi tới hàng mét. Vào các tháng 5, tháng 6 cây ra hoa dày đặc; hoa mọc ra từ chóp (phần ngọn), màu vàng nhạt, hình chuông, xẻ 5 cánh, cánh hoa màu xanh hoặc tím nhạt; tới các tháng 6, tháng 7 kết quả, nhỏ li ti, màu xám.
Phần thân rễ phát triển thành củ, người ta dùng bộ phận này để làm thuốc. Củ to mập, mềm, nhiều dầu, ngoài có vảy mịn, mềm, màu đen là có chất lượng tốt. Nhục thung dung là vị thuốc bổ thận cho cả nam lẫn nữ
Vị thuốc này còn có những tên khác như: nhục tùng dung, thung dung, địa tinh (nghĩa là tinh chất của đất), kim duẩn (cây măng vàng), đại vân, hắc tư lệnh (vì có tác dụng bổ thận mạnh)…
Từ hàng ngàn năm nay, vị thuốc nhục thung dung đã được tôn vinh như một loại “thần dược” của đấng mày râu và còn được thêu dệt bởi một truyền thuyết hết sức ly kỳ. Theo đó, loài thảo dược kỳ lạ này chỉ mọc lên từ những chỗ mà tinh dịch của con ngựa bạch đực rớt xuống khi giao phối với ngựa cái… Chính vì vậy mà nó có tác dụng vô cùng mạnh mẽ đối với cánh mày râu trong việc tăng cường bản lĩnh đàn ông.
Theo Đông y, nhục thung dung có vị ngọt, mặn, tính ấm; vào 2 kinh thận, đại tràng; có tác dụng bổ thận, ích tinh, huyết. Chủ trị nam giới liệt dương (dương nuy), nữ giới không có thai, đới hạ (nhiều khí hư), băng lậu, lưng gối lạnh đau, cơ bắp không có sức, huyết khô, tiện bí...
Trong các sách y dược cổ, nhục thung dung đều được ghi lại là loại thuốc bổ có tác dụng bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lực cho nam giới. Sách “Nhật Hoa Tử bản thảo” viết: “Nhục thung dung nhuận ngũ tạng, trưởng cơ nhục, ấm lưng gối”. Sách “Trung Dược học” viết: “Nhục thung dung bổ thận dương, ích tinh huyết, nhuận trường, thông tiện”. Sách “Đông Dược học thiết yếu” viết: “Nhục thung dung bổ thận dương, thông nhuận đường ruột”…
Các kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, hàm lượng hoạt chất sinh học trong nhục thung dung rất phong phú. Theo “Từ điển các vị thuốc dưỡng sinh hiện đại” thì nhục thung dung có chứa các chất như: boschnaloside, orobanin, 8- epilogahic axít, betaine, nhiều loại axít hữu cơ và trên 10 axít amin.
Những chất này có tác dụng kiềm chế quá trình lão suy và kéo dài tuổi thọ, tăng thể lực, tăng cường khả năng miễn dịch, có tác dụng hạ huyết áp ở mức độ nhất định và có tác dụng như một loại hoóc-môn sinh dục. Ngoài ra còn có khả năng kích thích, điều tiết hoạt động của tuyến thượng thận, khắc phục tình trạng chức năng tuyến thượng thận bị suy giảm và dẫn tới các bệnh liên quan.
Tương truyền, Võ Tắc Thiên lúc về già, khả năng sinh lý đã giảm, cho mời ngự y đến để nghiên cứu, tìm thuốc “hồi xuân”. Ngự y đã tìm và chế thuốc mang dâng nữ hoàng, trong đó chủ dược là nhục thung dung. Võ Hậu hàng ngày dùng thuốc “hồi xuân” và vô cùng hài lòng vì hiệu quả thật bất ngờ.
Thời đó, quan Thái thú Lã Cung Đại đã 70 tuổi chưa có con vì bất lực, đã dùng bài thuốc “hồi xuân” của Võ hậu mà sinh được 3 con trai. Từ khi sinh con ông không dùng thuốc nữa. Số thuốc chưa dùng ông bèn vứt ra vườn, ai ngờ có con gà trống chạy đến mổ thuốc ăn sạch, ăn xong liền đi tìm gà mái đạp ngay. Vừa đạp vừa mổ đầu gà mái làm gà mái trọc cả đầu. Vì thế bài thuốc này mới có tên là “Thốc kê hoàn” (thốc là trọc đầu; kê là gà; hoàn là viên).
Ở Trung Quốc, nhục thung dung thường được tìm thấy ở Mông Cổ, Thiểm Tây, Cam Túc và Tân Cương. Nhục thung dung cần thu hoạch vào hai mùa xuân và thu, đặc biệt là từ tháng 3 đến tháng 5. Nếu quá 2 thời điểm này thì chất lượng của nó sẽ kém đi nhiều. Mùa xuân hái về để nhục thung dung trên đất cát phơi khô được gọi là Điềm Đại Vân. Mùa thu hái về cho chúng vào thùng muối, qua một năm lấy ra phơi khô được gọi là Diêm Đại Vân. Nếu cho nhục thung dung vào rượu trộn đều, đậy kín, sau đó chưng cách thủy cho ngấm hết rượu rồi lấy ra phơi khô sẽ được gọi là Tửu Thung Dung. Những bộ phận được dùng làm dược liệu chỉ có thân và rễ.
Vị chuyên gia thực vật học thông tin thêm với lão Vương rằng trước đây nhục thung dung là loại cây mọc hoang. Sau khi tác dụng của chúng được biết đến, những cây nhục thung dung bắt đầu bị đào bới để bán lấy tiền nhiều tới mức suýt bị tuyệt chủng. Chính vì vậy, những cây hoang dã là rất hiếm. Chuyên gia cũng cho biết, những cây nhục thung dung mà lão nông tìm thấy có thể bán được giá tiền tỷ với độ quý giá như vậy.