Sau khi vùng vẫy tắm biển Sầm Sơn, bé Trần Quốc Bảo, 28 tháng tuổi (Thanh Xuân, Hà Nội) bị ngứa ngáy, khó chịu và sưng vù phần dương vật do dị ứng với sứa biển.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Phong, Khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, bé Bảo được gia đình đưa tới khoa khám cách đây vài ngày với phần dương vật sưng to, đái buốt. Bé không bị sốt hay có dấu hiệu toàn thân bất thường nào khác. Qua thăm khám bác sĩ chẩn đoán bé bị dị ứng, viêm dương vật do tiếp xúc với sứa biển.
Theo lời kể của mẹ bé Bảo, trước đó bé đi nghỉ mát cùng gia đình ở Sầm Sơn. Sau một hồi vùng vẫy, tắm biển cùng bố khi lên bờ bé Bảo cứ ngằn ngặt khóc, tay ôm dương vật. Thấy con có biểu hiện lạ, bố mẹ liền kiểm tra thì thấy dương vật của bé sưng to, gây ngứa khiến bé liên tục đòi ngãi và kêu đau. Bố mẹ bé đã đưa đến ngay BV Thanh Hóa để điều trị nhưng tình trạng bệnh không đỡ mà càng nặng, xuất hiện thêm cục ở dương vật. Các bác sĩ tại BV Thanh Hóa quyết định chuyển thẳng bé ra Khoa Nhi, BV Bạch Mai.
Bác sĩ Phong cho biết, vào mùa hè do các gia đình hay cho con đi nghỉ mát, tắm biển nên các trường hợp bị dị ứng khi tiếp xúc với sứa biển trong lúc tắm khá phổ biến, có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp chỉ bị dị ứng, mẩn đỏ ngoài da, chỉ cần bôi các thuốc chống dị ứng là khỏi mà không cần phải nhập viện. Riêng với trường hợp của bé Bảo, bị dị ứng tại vùng nhạy cảm dẫn tới viêm dương vật do tiếp xúc với sứa biển là hiếm gặp. Đây là trường hợp bị dị ứng nặng nhất do tiếp xúc với sứa biển Khoa Nhi tiếp nhận.
Hiện tại, sau vài ngày điều trị, vùng dương vật của bé Bảo tuy còn sưng nhưng đã đỡ ngứa, tình trạng bệnh được cải thiện.
Theo bác sĩ Phong, sứa biển có màu trong suốt, mắt thường rất khó phát hiện nên khi tắm ở những vùng biển có nhiều sứa người tắm rất có nguy cơ bị sứa biển “tấn công” gây dị ứng. Những phần da hở khi tiếp xúc với sứa biển, chất độc trong sứa tiết ra dính vào da sẽ gây dị ứng, viêm da.
Bác sĩ Phong cảnh báo, các bậc cha mẹ không nên cho trẻ nhỏ không mặc gì khi tắm nhằm hạn chế nguy cơ sứa biển tiếp xúc với các vùng da nhạy cảm như trường hợp của bé Bảo. Bởi da trẻ rất non, nếu sứa biển bám vào các vùng nhạy cảm trên da trẻ rất dễ gây dị ứng, viêm da nặng, phải nhập viện điều trị.
“Những người sau khi tắm biển có hiện tượng nổi mẩn đỏ, ngứa ngoài da thì cần nghĩ đến do tiếp xúc với sứa biển. Khi đó cần phải vệ sinh sạch vùng da bị ngứa. Nếu tình trạng dị ứng nặng lên cần phải đi khám để bác sĩ kê thuốc uống và bôi chống dị ứng, nhằm làm dịu vùng da dị ứng, giảm ngứa. Tuyệt đối không được ngãi, gây trầy xước vùng da dị ứng vì có thể dẫn tới nhiễm trùng”, bác sĩ Phong nói.