Việc nhồi nhét, tăng giá vé, khan hiếm vé… là những cơn “đau đầu” của người dân mỗi dịp về quê nghỉ Tết.
Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến gần, hàng triệu người dân trên khắp cả nước lại chuẩn bị về quê để sum vầy bên gia đình, chính vì thế, nhu cầu về tàu, xe dịp này rất lớn.
Trước mỗi dịp lễ, Tết các nhà xe đều có kế hoạch tăng xe, tăng chuyến để phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, có không ít các nhà xe lại lợi dụng dịp này để tăng giá vé, nhồi nhét khách nhằm thu lợi bất chính.
Người dân muốn phản ánh về lĩnh vực giao thông đường bộ, gọi tới đường dây nóng: 0915.90.8085 (Thanh tra– Tổng cục Đường bộ Việt Nam) hoặc 0962.665.953 (Thanh tra Bộ GTVT – Bộ Giao thông vận tải); lĩnh vực đường sắt, liên hệ Cục Đường sắt VN: 0865367565; lĩnh vực hàng không số: 0916.562.119.
Các nhà xe tăng giá vé ngày Tết có thể bị phạt tới 60 triệu đồng
Dưới đây là một số quy định về tàu, xe Tết 2019 ai cũng cần biết để bảo đảm quyền lợi của bản thân. Cụ thể:
Đối tượng được miễn giảm, giá vé tàu xe
Theo Điều 18 Nghị định 14/2015/NĐ-CP có 7 đối tượng được miễn, giảm vé tàu Tết 2019, gồm:
Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945;Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/08/1945;Bà mẹ Việt Nam anh hùng;Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng;Trẻ em dưới 6 tuổi.
Trong đó, việc miễn vé chỉ được áp dụng cho trẻ em dưới 06 tuổi đi cùng người lớn. Trẻ em được miễn vé phải sử dụng chung chỗ của người lớn đi cùng. Mỗi người lớn được kèm không quá 02 trẻ em đi cùng.
Bên cạnh đó, người khuyết tật sẽ được giảm 25% giá vé xe khách theo tuyến cố định khi xuất trình Giấy xác nhận khuyết tật theo Điều 12 Nghị định 28/2012/NĐ-CP.
Tăng giá vé ngày Tết, nhà xe bị phạt tới 60 triệu đồng
Mỗi dịp nghỉ lễ, Tết, các nhà xe thường lợi dụng tình hình người về đông để tăng giá vé. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến nhưng ít khi người dân lên tiếng.
Theo Điều 3 Thông tư liên tịch 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT, đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô phải lập văn bản kê khai giá và gửi thông báo mức giá cước cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ít nhất 5 ngày làm việc trước khi thực hiện theo giá kê khai.
Trường hợp điều chỉnh tăng, giảm vượt mức 3% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó, nhà xe thực hiện kê khai lại giá. Nếu tổng điều chỉnh tăng, giảm trong phạm vi 3% thì không phải kê khai lại giá nhưng phải gửi thông báo về mức giá điều chỉnh cho cơ quan Nhà nước trước khi áp dụng giá mới.
Như vậy, các nhà xe phải thực hiện việc kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách theo mức giá đã kê khai với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hành vi tăng giá vé xe dịp Tết có thể bị phạt tới 60 triệu đồng nếu:
Các nhà xe tăng giá dịch vụ vận tải hành khách cao hơn mức giá đã kê khai;
Tăng giá theo giá đã kê khai nhưng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu giải trình mức giá kê khai hoặc có văn bản yêu cầu đình chỉ áp dụng mức giá mới và thực hiện kê khai lại mức giá
Đồng thời, số tiền thu lợi do hành vi tăng giá thu được bị tịch thu nộp vào ngân sách nhà nước theo Điều 13 Nghị định 109/2013/NĐ-CP.
Bắt khách dọc đường lái xe bị phạt 2 triệu đồng và tước Giấy phép lái xe
Bắt khách dọc đường sẽ bị phạt tiền và tước Giấy phép lái xe. Ảnh: Báo Giao thông
Ngoài việc nhồi nhét, những ngày lễ, Tết, các nhà xe thường dừng dọc đường đón khách.
Việc dừng đón, trả khách không đúng nơi quy định trên những tuyến đường đã xác định nơi đón trả hoặc dừng đón, trả khách quá thời gian quy định có thể bị phạt đến 2 triệu đồng theo điểm đ khoản 5 Điều 23 Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Ngoài ra, không chỉ có nhà xe bị phạt khi để xảy việc chèo kéo, bắt khách dọc đường mà lái xe cũng bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung: Tước Giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng (điểm a khoản 8 Điều 23 Nghị định 46/2016/NĐ-CP).
Nhồi nhét, chở quá số người quy định bị phạt tối đa 40 triệu đồng
Nhồi nhét, chở quá số người quy định bị phạt tối đa 40 triệu đồng. Ảnh: Tiền Phong
Theo Luật Giao thông đường bộ 2008, người vận tải, người lái xe khách không được chở người vượt quá số lượng. Do đó, nếu vi phạm quy định này, người lái xe khách sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tối đa 40 triệu đồng.
Cụ thể:
Phạt từ 400 nghìn đồng - 600 nghìn đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô:
Chở quá từ 02 người trở lên trên xe đến 9 chỗ;Chở quá từ 03 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ;Chở quá từ 04 người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ;Chở quá từ 05 người trở lên trên xe trên 30 chỗ.
Phạt tiền từ 1 triệu đồng - 2 triệu đồng trên mỗi người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô chở hành khách chạy tuyến có cự ly lớn hơn 300 km thực hiện hành vi vi phạm:
Chở quá từ 02 người trở lên trên xe đến 9 chỗ;Chở quá từ 03 người trở lên trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ;Chở quá từ 04 người trở lên trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ;Chở quá từ 05 người trở lên trên xe trên 30 chỗ.