Cần vốn làm ăn nhưng không thể vay tiền ngân hàng vì trót vướng vào nợ xấu, nhiều người mất tiền oan uổng vì thiếu kiến thức, tin vào các kiểu quảng cáo có thể "che", "bùa", xóa các khoản nợ này.
Nợ xấu là một trong những thuật ngữ trong lĩnh vực tài chính nói chung hay mảng tín dụng nói riêng. Khi một cá nhân/tổ chức tham gia vay tiền mặt, mua hàng trả góp hay sử dụng thẻ tín dụng mà chậm thanh toán, không thanh toán đó chính là nợ xấu.
Trải qua thời gian giãn cách xã hội liên tục năm 2021, nhiều cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ gặp khó khăn trong việc thực hiện thanh toán các khoản vay vốn vì công việc trình trệ, thu nhập bấp bênh. Vì lẽ đó, nhiều người đã dính vào các nhóm nợ xấu theo quy định của ngân hàng nhà nước. Biết được tình trạng này, nhiều hội nhóm, dịch vụ "xóa nợ xấu" bắt đầu mọc lên ồ ạt với những lời cam kết chắc nịch "100% xóa nợ xấu", "không thể kiểm tra được lịch sử tín dụng", "hồ sơ vay vốn đẹp như mơ"...
Thực hư có dịch vụ xóa nợ xấu trên CIC?
Đúng lúc kẹt tiền, chị H.K trú tại quận Gò Vấp, TP HCM đã tìm đến dịch vụ xóa nợ xấu thông qua một quảng cáo trên mạng xã hội. Chị H.K dính nợ xấu nhóm 2 vì trễ thanh toán thẻ tín dụng nên khả năng vay vốn thấp, chị làm đơn qua nhân viên ngân hàng nhưng liên tục bị từ chối. Cần gấp 100 triệ u đồng để nhập thêm hàng mới, chị nhắn tin vào số điện thoại trên quảng cáo thì được người này đon đả chào mời. Đối với nợ nhóm 2, người kia ra giá 5 triệu đồng cho dịch vụ xóa nợ xấu kèm theo "ưu đãi" hỗ trợ chị H.K thủ tục vay vốn đến khi được duyệt.
Vì quá nóng vội để vay tiền, chị H.K đã ngay lập tức tin tưởng và chuyển khoản cọc trước 2,5 triệu đồng. 1 ngày sau, đối tượng bên kia gửi cho chị bản thông báo điểm tín dụng đã được xóa, hồ sơ tín dụng đẹp như ban đầu. Sau đó, chị tiếp tục chuyển thêm số tiền 2,5 triệu đồng còn lại và nhắn tin hỏi về thủ tục vay vốn như đã thống nhất ban đầu. Nhưng sau khi tiền chuyển đi, chị lập tức bị chặn liên lạc. Chị H.K tá hỏa nhờ nhân viên ngân hàng kiểm tra CIC thông tin tín dụng của mình mới phát hiện bị lừa, bản điểm tín dụng kia đã được chỉnh sửa kĩ càng để qua mặt người phụ nữ đang nóng lòng vay tiền.
Không chỉ chị H.K, nhiều người khác đã bị lừa bằng thủ đoạn trên khi trót lâm vào cảnh nợ xấu. Trong số đó, phần đông là công nhân làm việc tại các xí nghiệp, người lao động tự do bị mất thu nhập vì công việc kém ổn định sau covid-19. Nhiều bên lừa đảo đưa ra mức giá chỉ từ 500.000 đến 2 triệu đồng để lừa đảo những cá nhân đang bị nợ xấu có thu nhập thấp.
"Bên anh đang có gói: nâng hạn mức CIC để làm hồ sơ vay vốn tiền tỷ với giá 1,5 triệu đồng và xóa nợ trên CIC giá 1,2 triệu đồng" - đây là lời giới thiệu của một người tên Trung, tự nhận mình là nhân viên ngân hàng T*Bank khi được hỏi về dịch vụ. Người này cho biết chỉ làm "chui", không có văn phòng nhưng rất uy tín vì đã làm cho hàng nghìn khách hàng. "Em cứ chuyển khoản, nhận được tiền anh sẽ làm thủ tục cho em. Bên anh có móc nối với giám đốc lớn nên cũng phải có tiền "bôi trơn" trước" - anh Trung "T*Bank" nói và kèm theo nhiều hình ảnh giao dịch thành công.
Giả mạo nhân viên ngân hàng, chào mời các gói vay hỗ trợ nợ xấu.
Liên hệ với dịch vụ chăm sóc khách hàng của ngân hàng T*Bank, được biết ngân hàng này không có dịch vụ xóa nợ xấu và khẳng định hình thức này không thể thực hiện trên hệ thống tín dụng tại Việt Nam. Phía T*Bank đưa ra cảnh báo lừa đảo đối với các khách hàng có ý định tìm đến các dịch vụ này.
Nhiều đối tượng khác còn mạo danh nhân viên ngân hàng, liên tục đăng quảng cáo: "VPBank ra mắt gói vay không kiểm tra CIC", "Sacombank cho vay tín chấp từ 30-500 triệu đồng, hỗ trợ duyệt cả nợ xấu”, “Techcombank hỗ trợ vay vốn từ 10-500 triệu đồng, hỗ trợ nợ xấu và nợ chú ý”, “Hỗ trợ vay vốn TPBank, hỗ trợ nợ xấu, lãi suất chỉ từ 0,8%/tháng”... Thực chất, khi tư vấn riêng với từng khách hàng, những người này sẽ chào các gói vay tín dụng đen, vay trực tuyến, vay "anh em xã hội"....
Khi nào được xóa nợ xấu?
Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) là cơ quan quản lý, giám sát các đối tượng liên quan đến dịch vụ vay vốn, tín dụng được cung cấp bởi ngân hàng, các công ty tài chính lớn và một số đơn vị vay tiền trực tuyến uy tín. Nợ xấu là tình trạng chậm thanh toán trên 10 ngày khi đến kỳ thanh toán, thông tin sẽ được cập nhật trên CIC và ảnh hưởng đến khả năng vay vốn trong những lần tiếp theo.
Theo Thông tư 02/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các khoản cho vay được phân loại theo các mức rủi ro gồm: nợ đủ tiêu chuẩn (nợ nhóm 1) là nợ quá hạn dưới 10 ngày, được đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ gốc và lãi; nợ cần chú ý (nợ nhóm 2), có nợ quá hạn từ 10-90 ngày; nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3), có nợ quá hạn từ 91-180 ngày; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) có nợ quá hạn từ 181-360 ngày; nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) có nợ quá hạn trên 360 ngày.
Cá nhân, tổ chức có thể tự kiểm tra điểm tín dụng trên website của CIC mà không cần thông qua bất kỳ dịch vụ thu phí nào khác.
Không có bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có quyền hạn thực hiện thao tác xóa nợ xấu trên hệ thống của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia CIC. Khi bị ngân hàng/ bên cho vay cảnh báo đang nằm trong nợ xấu nhóm 2 trở lên, để có thể cải thiện lại điểm tín dụng và xóa nợ xấu kịp thời, cách tốt nhất là sắp xếp lại khả năng chi trả. Cố gắng trả hết khoản vay chậm thanh toán một lần và chờ trên hệ thống CIC gỡ bỏ hoàn toàn.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng nhóm nợ mà thời gian xóa tên khỏi "danh sách đen" cũng khác nhau. Xóa nợ xấu nhóm 5 từ CIC sẽ là sau 5 năm kể từ ngày khách hàng tất toán khoản vay hoặc thanh toán đến kỳ cuối cùng. Tuy nhiên, thủ tục vay vốn sau khi được xóa nợ sẽ khắt khe hơn nhóm đối tượng chưa từng dính nợ xấu. Đối với khoản nợ dưới 10 triệu có thể được xóa nợ ngay khi thanh toán xong.
Do vậy, để tránh bị lừa tiền, người lỡ vướng vào nợ xấu cần tìm cách thanh toán khoản nợ để lấy lại uy tín. Tuyệt đối không đặt niềm tin vào các dịch vụ xóa nợ xấu được quảng cáo trên mạng xã hội. Đối với người đang có các khoản vay cần lưu ý thanh toán đúng hạn.