Diễn biến xung quanh việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc tại vùng biển của Việt Nam là vấn đề được dư luận quan tâm nhất trong tuần qua.
Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép, đâm tàu Việt Nam
Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép nằm sâu trong vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, đây là hành động gây phẫn nộ với dư luận thế giới và gây quan ngại đối với toàn bộ cộng đồng quốc tế, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông.
Chính phủ Việt Nam và nhiều nước trong khu vực đã gọi hành động của Trung Quốc là hành động khiêu khích, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Sự kiện hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 là hành động nguy hiểm nhất, có tính toán và có chủ đích của Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây. Nó đặt ra một hồi chuông báo động đối với an ninh và sự ổn định của khu vực, đe dọa làm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông.
Tàu số hiệu 37102 của Trung Quốc đâm vào ngang mạn 1 tàu của Việt Nam
Dưới quan sát của các nhà phân tích trong khu vực đây chính là hành động hiện thực hóa ý đồ tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông theo yêu sách đường lưỡi bò phi lý mà cả thế giới đã lên án.
Theo Công ước về Luật biển năm 1982, mỗi quốc gia ven biển, đều có quyền ấn định chiều rộng lãnh hải của mình không vượt quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở. Còn Vùng đặc quyền về kinh tế không được mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở. Các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền về kinh tế và quyền tài phán đối đối với vùng lãnh hải 200 hải lý này, bao gồm cả vùng nước, không phận, và lòng đất dưới đáy biển. Việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam 80 hải lý là vi phạm Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982.
Dàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc
Trong những ngày qua, đội tàu của Trung Quốc lại tiếp tục có những hành động ngăn cản đội tàu của Cảnh sát biển Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ trên vùng biển chủ quyền của VN. Đặc biệt là tàu 3411 của Trung Quốc đã cố tình đi sát và cắt mũi và cố tình đâm vào tàu Cảnh sát biển VN số hiệu 8003. Tuy nhiên, tàu của chúng ta đã lùi lại và chuyển hướng tránh những va chạm đáng tiếc.
Tàu cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ tạo thế gọng kìm ngăn cản hướng tiếp cận của tàu Trung Quốc. Trong ngày hôm nay, các tàu cảnh sát biển Việt Nam khi di chuyển đến vị trí đặt giàn khoan trái phép cũng bị 5 đến 6 tàu hải giám Trung Quốc kèm chặt và cản trở mặc cho phía Việt Nam liên tục mở loa tuyên truyền cảnh báo về hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam.
Người dân Việt Nam hướng về biển đảo Tổ quốc
Trong những ngày qua, giới trẻ nói riêng và người dân Việt Nam nói chung dù đang sống trong nước hay ở nước ngoài đều một lòng hướng về biển Đông với những hoạt động thiết thực. Hãy cùng nhìn lại một số hình ảnh xúc động thể hiện tình yêu với biển đảo quê hương, Tổ Quốc mãnh liệt.
Những hành động này bao gồm: Ngư dân mang theo cờ tổ quốc bám biển; Người Việt Nam hiện đang sinh sống tại nước ngoài có những hành động cụ thể yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam...
Cộng đồng mạng đang truyền tay nhau các hình ảnh xúc động ghi lại khoảnh khắc những người mẹ tiễn con lên đường nhập ngũ.
Để cùng hướng về biển Đông, rất nhiều em nhỏ đã có cách thể hiện riêng, đặc biệt theo cách của mình. Đó là những bức vẽ còn vụng về, đơn giản về những người lính biển, là hình ảnh người chiến sĩ vững vàng tay súng bảo vệ biển đảo quê hương, là lời viết còn non nớt gửi lời nhắn đến anh trai. Những hình ảnh đó thật đẹp và nhiều ý nghĩa.
Bên cạnh đó còn có rất nhiều hình ảnh đẹp được dân mạng chia sẻ đó là một cửa hàng thời trang trên phố Bà Triệu (Hà Nội) được trang trí bằng cờ Tổ Quốc gây ấn tượng mạnh với người đi đường.
Gây rối tại Khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh và Bình Dương
Ngày 14/5, hàng trăm công nhân KCN Vũng Áng, Hà Tĩnh tuần hành phản đối Trung Quốc sau đó đã tham gia vào 1 vụ xô xát tại công trường dự án nhà máy thép Formosa khiến 1 người bị chết, nhiều người bị thương.
Liên quan đến vụ việc này, công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án, điều tra về các hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản và phá hoại tài sản.
An ninh trật tự quanh các doanh nghiệp bị phá hoại, phóng hỏa, hôi của tại Bình Dương đến nay đã được kiểm soát.
Đến ngày 16/5, các công nhân tại đây đã trở lại công ty làm việc, hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra bình thường.
Tại Bình Dương, liên quan đến vụ đập phá, phóng hỏa đốt các nhà máy, doanh nghiệp ở Bình Dương, chiều 15/5, Thiếu tướng Võ Thành Đức, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết, cơ quan điều tra đã bắt giữ trên 800 đối tượng, trong đó trên 300 đối tượng có dấu hiệu hình sự chắc chắn sẽ bị xử lý thích đáng.
Hiện Công an Bình Dương đã khởi tố vụ án với các hành vi: “gây rối trật tự công cộng”, “chiếm đoạt tài sản”, “hủy hoại tài sản”, “chống người thi hành công vụ”. Sau khi củng cố hồ sơ, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương sẽ khởi tố bị can các đối tượng liên quan.
Sáng 15/5, Thủ tướng chính phủ vừa có công điện gửi Bộ Công an, các Bộ, các cơ quan trung ương, lãnh đạo các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương về việc đảm bảo an ninh trật tự.
Dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết bùng phát
Ngày 6/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện yêu cầu sớm dập tắt dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết.
Theo công điện, từ đầu năm 2014 đến nay, dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết xảy ra tại hầu hết tại các tỉnh và thành phố, tuy số người mắc bệnh ở mức thấp hơn so với năm 2013, song tại một số tỉnh, thành phố có số người mắc bệnh cao hơn và có nguy cơ dịch bùng phát.
Trẻ nhập viện vì tay chân miệng tăng cao
Bộ Y tế phải thường xuyên cập nhật phương pháp phát hiện sớm, phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết. Bảo đảm đủ trang thiết bị y tế, thuốc để cấp cứu điều trị bệnh nhân và chế độ đối với người làm công tác phòng, chống dịch.
Từ đầu năm đến nay, tại TP.HCM số ca mắc bệnh tay chân miệng hơn 3.500. Trong đó, tại bệnh viện Nhi Đồng 1 có khoảng 2.300 ca tay chân miệng điều trị nội trú. Tại bệnh viện Nhiệt Đới cũng có hơn 1.000 trường hợp nhập viện.
Diễn biến dịch MERS tại Trung Đông
Hôm qua, Bộ Y tế Saudi Arabia xác nhận có thêm 3 trường hợp nhiễm mới và 3 ca tử vong mới do virus gây Hội chứng Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS). Như vậy, tính đến thời điểm này, tại Saudi Arabia đã có tổng cộng 514 người nhiễm bệnh, trong đó có 160 ca tử vong.
Ba ca tử vong mới nhất được xác nhận là hai phụ nữ 72 tuổi và 54 tuổi cùng một người đàn ông 63 tuổi. Ba ca tử vong này đều tập trung tại các địa điểm bùng phát dịch mạnh là thủ đô Riyadh và thành phố cảng Jeddah.
“Một trong những điều mà chúng ta có thể kết luận là việc kiểm soát nhiễm khuẩn chưa tối ưu và cần phải cải thiện”, một quan chức WHO cho biết sau khi đi thực tế tại bệnh viện ở Jeddah, Ả Rập Saudi.
Hội chứng viêm đường hô hấp ở Trung Đông (MERS) là một bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus. Tác nhân gây bệnh là virus thuộc nhóm coronavirus (CoV).
Virus MERS được phát hiện lần đầu ở Trung Đông vào tháng 9-2012 ở một người đàn ông quốc tịch Qatar tới Saudi Arabia.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, nguồn lây nhiễm virus này cho con người được xác định là từ lạc đà. Các động vật khác như dê, bò, cừu, trâu, lợn, các loài gia cầm đã được kiểm tra kháng thể đối với MERS-CoV nhưng không phát hiện thấy có kháng nguyên của virus này.