Vào những ngày cuối năm, nhiều gia đình có nhu cầu thay mới bàn thờ sau một thời gian sử dụng. Tuy nhiên, việc xử lý chiếc bàn thờ, tủ thờ cũ cũng như cách bày biện trên bàn thờ mới sao cho đúng không phải ai cũng biết.
Xử lý bàn thờ cũ đúng cách
Theo TS.KTS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA), việc thay bàn thờ mới là điều nên làm khi mà bàn thờ cũ đã không còn phù hợp với không gian nhà ở hoặc không còn đảm bảo chất lượng vì quá cũ, xuống cấp. Điều này cũng còn thể hiện được sự kính trọng và cái tâm của gia chủ khi chăm chút cho góc tâm linh của gia đình được khang trang, trịnh trọng.
Khi muốn thay đổi bàn thờ của gia đình sang bàn thờ mới, việc đầu tiên là chúng ta hãy khấn vái xin phép các chư thần cùng gia tiên. Sau khi đã tiến hành khấn vái xong, chúng ta bắt đầu dọn dẹp các vật dụng thờ cúng trên bàn thờ và tiến hành loại bỏ những thứ cần thay mới.
Khi dọn bàn thời các gia đình cần lưu ý dọn từ trên cao rồi mới xuống đến thấp. Ảnh: TG
Những thứ cần bỏ đi ở trên bàn thờ mọi người không nên vứt tùy tiện. Nên phân loại ra, nếu như vật nào có thể đốt cháy được thì tiến hành hóa tro. Với đồ thờ bằng gỗ, không dùng nữa có thể hóa đi (đốt) hoặc thả ra sông, nhưng chú ý không làm bẩn môi trường nước. Đối với bàn thờ xây bằng gạch đá có thể phá đi, phế liệu đổ ra nơi thanh tịnh là được.
Các vật dụng bằng đồng khó khăn hơn rất nhiều bỏ cũng không được mà đốt không xong, đập phá lại tối kị. Lúc này chỉ còn việc sử dụng lại vào một mục đích khác trong nhà hoặc có thể thanh lý cũng được không sao cả. Đối với các bức tượng khi muốn bỏ đi cũng tiến hành xử trí như vậy hoặc có thể mang lên chùa nhờ giải quyết hộ. Tủ thờ hay án gian thờ chức năng là giá đỡ có thể tận dụng hoặc thanh lý không sao.
Theo chuyên gia phong thủy Mạnh Chiến, thay bàn thờ mới nên chú ý chọn ngày, giờ phù hợp với tuổi gia chủ, tránh những ngày xấu. Gia chủ nên nhớ điều cấm kỵ “bàn thờ đang thờ tự mình muốn động là động, không nói năng gì”.
Trước khi bỏ đi bàn thờ cũ cần phải dâng một lễ gồm hoa quả, đèn nhang nơi bàn thờ cũ rồi thành tâm xin được di chuyển linh vị các vị thần linh và hương kinh gia tiên từ nơi các đồ cũ sang đồ mới và thông báo cho tổ tiên, biết ngày hôm nay sẽ thu dọn ban thờ, mời tổ tiên và thần linh tạm lánh sang một bên để con cháu thực hiện công việc. Sau đó rút vài chân hương từ bát hương cũ đem sang bát hương mới, cây đèn cầy (nến) từ chân đèn cũ sang mới.
Bàn thờ mới cũng bày biện đồ lễ như trên, sau khi thành tâm khấn vái an vị nơi bàn thờ mới rồi đem đồ vật cũ đi tiêu hủy mà không sợ phạm húy gì nữa. Tối kỵ rút chân hương rồi cầm bát hương đổ tro bừa bãi ra ngoài bởi như thế sẽ bị “tán tài”. Chân hương tỉa ra nên đốt, tro được thả xuống sông, hồ hoặc hòa nước bón cây, không nên đổ lung tung.
Lau dọn từ trên cao xuống thấp
Khi tiến hành bao sái cần chuẩn bị chổi, khăn lau ban thờ chuyên dùng hoặc dùng khăn, chổi mới. Nước bao sái bàn thờ là nước 5 thứ thảo dược (quế, hồi, đinh hương, gỗ vang, bạch đàn) hoặc rượu gừng để tẩy uế, làm sạch đồ thờ cúng.
Gia chủ nên chuẩn bị một chiếc bàn bên trên trải vải hoặc giấy đỏ để đặt bài vị, nếu bàn thờ có đặt chung bài vị gia tiên với các thần thì phải để ra hai chỗ khác nhau, không được lẫn lộn. Hạ bát hương, bài vị và các đồ thờ cúng xuống nơi sạch sẽ đã chuẩn bị trước (chú ý đặt bát hương, bài vị thần phật và gia tiên riêng để không bị lẫn) rồi mới quét bụi bặm, lau rửa ban thờ, đồ thờ cúng.
Các chuyên gia tâm linh khuyên, lưu ý lau dọn từ trên cao rồi mới xuống đến thấp, lau các bức tượng nên dùng khăn mềm để tránh tượng bị xước hoặc bay màu sơn. Đối với các bức tượng bằng đồng không nên lau rửa bằng rượu, cồn, hoặc hóa chất để tránh cho đồng khỏi bị ô xi hóa, han rỉ thành màu xanh hoặc nhanh bị xỉn. Khi lau chùi tránh việc xê dịch các bức tượng, bát hương…Nếu có sự cố bất khả kháng phải xê dịch các bức tượng, đồ thờ hoặc bát hương… thì khi lau dọn xong phải sám hối và hoàn nguyên đúng vị trí như ban đầu.
Nên thường xuyên tỉa các chân hương (chỉ để lại 3 chiếc chân hương là được), không nên để nhiều chân hương vì chân hương chỉ là rác, bàn thờ sẽ nhanh bụi bậm. Khi làm sạch bụi rồi thì bước tiếp theo là thay nước ở các bình hoa và thay nước cúng. Hoa đã héo hoặc đã tàn cần thay ngay.
Điều cấm kỵ khi bài trí bàn thờ ngày Tết
Theo TS.KTS Vũ Thế Khanh, cách bài trí trên bàn thờ phải làm sao cho đẹp và tiện sử dụng. Nếu có đỉnh đồng thì đặt bên trong bát hương để khi thắp hương không bị vướng. Bát hương có thể kê cao hơn bằng các kệ đỡ bát hương, đặt ở chính giữa bàn thờ, sao cho khi thắp hương vừa tầm tay với. Lọ lộc bình, lọ hoa, hạc đồng, cây nến… để ở hai bên. Phía trước bát hương có thể để mâm ngũ quả (hoặc để 2 mâm hoa quả, bánh trái sang hai bên), phải có ấm nước và 3 hoặc 5 chiếc chén nhỏ.
Các gia đình lưu ý trên bàn thờ không bày đồ mã, đồ giả như lá ngọc cành vàng, cây cảnh, quả giả… Không nên bày các đồ tanh hôi, sát sinh, hoa quả hỏng lên bàn thờ, vì như vậy sẽ không còn trang nghiêm, thanh tịnh nữa. Chỉ nên cúng tịnh tài (tiền thật), tịnh vật (đồ cúng phải là đồ thật, còn mới), hoa tươi.
Ngày Tết, mâm ngũ quả rất quan trọng. Tùy vùng miền có quan niệm khác nhau về hoa quả đặt trên mâm nhưng thường mâm ngũ quả có chuối xanh, bưởi vàng, hồng đỏ, lê trắng và quýt da cam thể hiện mong muốn về: Phú (giàu có), Quý (sang trọng), Thọ (sống lâu), Khang (khỏe mạnh), Ninh (bình yên) cho gia đình. Mọi người nên tránh chọn những loại quả có gai, có nhiều góc cạnh không mang tính hoàn hảo như khế hoặc những quả có mùi thơm không thuần phác như dứa, mít, sầu riêng… dẫn tới việc cầu may không tốt. Mâm cúng gia tiên cũng cần chú ý không nên dùng tỏi.