Trong những ngày đầu năm mới, theo quan niệm dân gian có rất nhiều điều phải kiêng cữ và không hiểu từ bao giờ “luật” bất thành văn này được người dân thực hiện theo “tôn chỉ”: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.
Kiêng không quét nhà đổ rác trong ngày tết: Theo quan niệm dân gian,trước Tết, nhà nào cũng đã lau dọn cửa nhà sạch sẽ đón Tết. Vì vậy, trong ngày đầu năm, bạn không cần phải quét dọn thêm nữa. Ngoài ra, còn có quan niệm cho rằng, quét dọn nhà cửa trong ngày này là quét hết tài lộc trong năm mới ra khỏi nhà.
Còn theo nhóm tác giả PGS Lê Trung Vũ, Lê Huỳnh Lý, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dương, Lưu Kiếm Thanh, Hồ Tường viết trong cuốn Nghi lễ vòng đời người: "Tục này là do ở trong Sưu thần ký có chuyện người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo. Thủy thần cho một con hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà vài năm thì giàu to.
Đến sau, một hôm, nhân ngày mùng một Tết, đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đó nhà chàng kia lại nghèo đi. Bởi thế ta theo tục Tàu, kiêng không dám hốt rác trong mấy ngày Tết. Tuy nhiên hiện nay người ta chỉ còn kiêng đến hết ngày mùng một thì thôi".
Không để chung đồ ăn mặn và ngọt cùng một ban thờ: Đây là điều rất nhiều gia đình thường hay phạm phải. Theo đó, nhiều gia đình có ban thờ rộng nên thường để mâm ngũ quả sau đó để luôn cả lễ mặn lên ban thờ để thắp hương.
Theo chuyên gia phong thủy Hoàng Anh Hùng (Hà Nội) đây là điều kiêng kị không nên làm. Chuyên gia phong thủy Hùng cho biết, lễ mặn và lễ ngọt nên tách riêng ra hai ban khác nhau, bởi nhiều gia đình thờ phật mà phật thì rất kỵ đồ mặn.
“Mâm cơm cúng và hoa quả thanh tịnh nên để riêng chứ không nên cùng chung trên một ban thờ. Thứ nhất là không ai đưa nước mắm lên ban thờ, hơn nữa nếu nhà nào thờ phật thì càng không được vì phật kỵ đồ mặn. Theo tôi, nên để mâm mặn tách hẳn ra, có thể kê thêm bàn bên dưới sau đó thắp ba nén hương và làm lễ”, chuyên gia phong thủy Hùng cho biết.
Theo chuyên gia phong thủy Hùng, hoa ly là hoa ngoại lai nên không nên dùng để thắp hương.
Không nên thắp hương bằng hoa ly, hoa loa kèn: Điều này nghe có thể rất vô lý, bởi không chỉ riêng ngày Tết mà ngày rằm, mùng một rất nhiều gia đình đều mua cành hoa ly về để thắp hương trên ban thờ.
Theo chuyên gia phong thủy Hoàng Anh Hùng, theo quan niệm thì đã là hoa thơm thì hoa nào cũng dùng thắp hương được, cái quan trọng nhất đó chính là lòng thành kính. Tuy nhiên, theo quan niệm của người phương Đông, đặc biệt là người Việt Nam, hoa ly, hoa loa lèn, hoa lay ơn là loại hoa ngoại lai không phải là hoa truyền thống nên không nên dùng để thắp hương.
Cũng theo ông Hùng, trong ngày Tết thông thường dùng các loại hoa truyền thống như: hồng, cúc, đào tỉa để thắp hương trên ban thờ.
Không mặc áo màu đen, trắng ngày mùng 1: Đây là điều kiêng kỵ mà dường như người Việt ai cũng đã “nằm lòng”. Theo quan niệm của người xưa, màu trắng và đen là màu tang tóc, vì vậy, ngày đầu năm không bao giờ được mặc trang phục quá nhiều sắc trắng hay sắc đen. Ngày Tết, người ta ưa chuộng những màu sắc sặc sỡ, tạo nên sự phấn khởi, vui vẻ, đặc biệt được ưa chuộng là hai sắc đỏ, vàng.
Kiêng chúc Tết người đang nằm ngủ: Ngày xưa đất tuy rộng nhưng không phải gia đình nào cũng có nhà to để phân ra thành phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách. Vì thế không hiếm trường hợp, khách đến nhà chúc Tết vào sáng mùng một, thấy vẫn có người nằm ngủ do phải thức khuya vào tối giao thừa.
Đã đến nhà người ta thì phải xởi lởi mà chúc Tết, thế nhưng họ không chúc người đang nằm ngủ đó. Nếu không, lời chúc tốt đẹp lại bị xem như lời trù ẻo, muốn cho người ta phải nằm li bì trên giường bệnh. Vì thế, nếu có lòng, khách phải đợi đến khi người đó ngủ dậy mới nói ra lời chúc với họ.
Ngoài ra, trong ngày đầu năm nhiều người còn kiêng không cho lửa, cho nước, kiêng không đi chúc tết ngày mùng một, kiêng không để mất hòa khí ngày mùng 1…