Giá vàng trong nước không chỉ giảm cùng nhịp với giá vàng thế giới mà còn lao dốc không phanh, khiến nhiều người đổ xô đi bán.
Cuối ngày 7-11, giá vàng miếng SJC được Công ty Vàng bạc - Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào chỉ còn 81 triệu đồng/lượng, bán ra 85,5 triệu đồng/lượng - "bốc hơi" tới 4,5 - 6 triệu đồng. Đây là mức giảm mà khó ai ngờ tới.
Giá mua - bán cũng chênh lệch lớn
Một số công ty vàng khác như Mi Hồng hạ giá mua vào vàng miếng SJC chỉ còn 79,5 triệu đồng/lượng, bán ra 82 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng có sự cách biệt lớn giữa các doanh nghiệp. Đáng chú ý, chênh lệch giá mua - bán được giãn ra tới 4,5 triệu đồng/lượng nhằm hạn chế việc bán ra của người nắm giữ vàng.
Không chỉ vàng miếng, giá vàng nhẫn 99,99 cũng có ngày "dậy sóng" nhưng lại theo chiều hướng đi xuống. Công ty SJC giảm giá vàng nhẫn trơn mua vào chỉ còn 81 triệu đồng/lượng, bán ra 83,8 triệu đồng/lượng - giảm tới 5,7 triệu đồng. Điều này khiến những người mua vàng vài ngày trước đang chịu lỗ rất nặng.
Giá vàng trong nước biến động một phần do ảnh hưởng từ cú sập của giá vàng thế giới. Phần khác đến từ làn sóng bán "chốt lời", thậm chí "cắt lỗ" của những người nắm giữ vàng trong nước, sau khi nghe một vài nhận định kim loại quý này có thể giảm sâu trong vòng 1 tháng tới.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại TP HCM và Hà Nội ngày 7-11, các tiệm vàng lớn đều trong tình trạng chật kín khách đến bán từ sáng đến chiều. Tuy nhiên, một số tiệm vàng do lo ngại giá còn giảm tiếp hoặc không huy động đủ tiền nên mua vào rất giới hạn, mỗi người chỉ được bán 1 chỉ nhẫn trơn. Có nơi tạm ngừng mua vào vàng nhẫn lẫn vàng miếng SJC, chỉ bán ra, khiến nhiều người bức xúc.
Người dân TP HCM và Hà Nội chen nhau bán vàng khi thấy giá lao dốc. Ảnh: LÊ TỈNH - LÊ THÚY
Anh Hoàng Tùng (ngụ TP HCM) cho biết khi thấy giá vàng thế giới và trong nước không ngừng lao dốc, anh đã mang 1 lượng vàng SJC đến một tiệm có tiếng tại khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) "chốt lời" nhưng không thể bán được do tiệm bảo "chưa có giá thu vào". "Họ hẹn bữa khác quay lại nhưng không biết khi nào. Bây giờ có vàng lại không thể bán được, nếu giá rơi tiếp thì sao đây?" - anh Tùng lo ngại.
Ông Trần Liêm (ngụ quận 3, TP HCM) mang 4 chỉ vàng đến tiệm bán để trả tiền thuê mặt bằng. Song, tiệm vàng này quy định mỗi người chỉ được bán... 1 chỉ vàng nhẫn. "Khi bán phải trình CCCD và mỗi người chỉ bán được 1 chỉ, trong khi tôi không đầu tư vàng. Có vàng mà lại không bán được để trả tiền mặt bằng, thật khó hiểu" - ông băn khoăn.
Tại Hà Nội, các cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu, Doij, Phú Quý… ở phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng), phố Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), người dân gần như không nghỉ trưa, liên tục mang vàng đi bán. Tuy nhiên, các cửa hàng này chỉ mua một thời gian ngắn rồi thông báo ngừng. Trong khi đó, các cửa hàng vẫn bán vàng không giới hạn, không quy định mỗi người mua một vài chỉ như trước.
Bà Thanh Lan (ngụ quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) cho biết: "Sáng 7-11, tôi chưa kịp xem tin tức, đến gần trưa mới kiểm tra thì phát hiện giá vàng giảm sâu, vì vậy tức tốc chạy ra cửa hàng thì nhận được thông báo ngừng mua!".
Chỉ giảm ngắn hạn?
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hữu Đang, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc - Đá quý ASEAN (AJC, Hà Nội), cho biết thị trường gần như không có người mua vàng. Nguyên nhân là do giá vàng thế giới giảm mạnh; những người đã mua vàng nhẫn, vàng miếng SJC từ nhiều tháng trước, nay lo mất lãi nên mạnh tay bán ra thu về lợi nhuận khiến vàng rớt giá từng giờ. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng không từ chối mua vào mà chỉ ngừng một thời gian do hết tiền.
Trong khi đó, theo chuyên gia vàng Trần Duy Phương, áp lực bán tháo vàng trong nước xảy ra bất chấp giá vàng thế giới đang ổn định trở lại sau cú lao dốc hơn 100 USD/ounce hôm 6-11. Một số công ty vàng đã phải tạm ngưng mua vàng miếng SJC, vàng nhẫn vì không có đủ tiền mặt trả cho người bán. Một số tiệm vàng ngừng niêm yết giá mua vào khi người dân đổ xô bán vàng miếng.
"Trong khi đó, giá vàng thế giới được nhận định sẽ điều chỉnh trong ngắn hạn và vẫn triển vọng trong trung - dài hạn. Vì thế, người dân nên không tranh nhau đi bán nhằm tránh rủi ro và lỗ nặng nếu trót mua vàng ở vùng cao 90 triệu đồng/lượng trước đó" - ông Trần Duy Phương khuyến cáo.
Theo một lãnh đạo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, khi giá vàng trong nước thấp hơn giá thế giới vài triệu đồng/lượng, doanh nghiệp có thể "ôm" vàng để xuất khẩu nữ trang. Thế nhưng, do hiện giao dịch vàng phải có chứng từ, nguồn gốc, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước nên nhiều đơn vị không dám thu mua. Trong khi đó, thị trường gần như không có người mua vàng; các tiệm vàng thu mua xong không biết bán lại cho ai. Giá vàng trong nước giảm hàng triệu đồng/lượng là điều đương nhiên.
Lãnh đạo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng việc giá vàng thế giới giảm mạnh, đồng USD tăng "dựng đứng" chỉ là phản ứng nhất thời trên thị trường tài chính, sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Còn về lâu dài, giá vàng thế giới sẽ tăng vì Tổng thống Donald Trump từng cam kết tăng tốc kinh tế Mỹ. Khi đó, lạm phát tại quốc gia này sẽ nóng lên, làm cho đồng USD giảm giá, thúc đẩy giá vàng đi lên. Trong bối cảnh giá vàng giảm mạnh, người có nhu cầu nắm giữ vàng nhảy vào thị trường có thể là thời điểm hợp lý.
Tỉ giá chạm đỉnh Không chỉ vàng, tỉ giá USD/VNĐ cũng có một ngày biến động mạnh. Tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.283 đồng/USD, tăng 25 đồng so với hôm trước. Với biên độ 5%, tỉ giá tại các ngân hàng thương mại được phép giao dịch trong khoảng 23.069 - 25.497 đồng/USD. Giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng được đẩy lên mức kịch trần. Vietcombank, Eximbank, BIDV, Sacombank, ACB… đưa giá bán USD lên mức cao nhất cho phép là 25.497 đồng/USD - hơn cả mức đỉnh hồi tháng 4-2024. Tính từ đầu năm đến nay, giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 1.000 đồng, tương đương mức tăng 4%. |