Một doanh nghiệp ở Đồng Nai cho rằng, Nghị định tăng lương tối thiểu vùng có hiệu lực chỉ sau một ngày ban hành khiến họ chịu tác động lớn, xoay xở không kịp.
Lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng 6% từ 1/7/2024
Liên quan đến việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ 1/7/2024, Công ty TNHH Fashion Garments 2 (FGL), địa chỉ ở Khu công nghiệp Biên Hoà 1, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH đề nghị xem xét thời gian có hiệu lực của Nghị định 74/2024/NĐ-CP quy định điều chỉnh lương tối thiểu vùng.
Theo doanh nghiệp, Nghị định tăng lương tối thiểu vùng có hiệu lực chỉ sau một ngày khiến công ty xoay sở không kịp để đáp ứng được với các quy định mới.
Bên cạnh đó đó, công ty có hơn 11.000 lao động, trong đó có gần 4.500 lao động ở hai huyện Tân Phú và Cẩm Mỹ. Tuy nhiên việc điều chỉnh hai địa bàn này từ vùng III lên vùng II một cách đột ngột, không có trong dự thảo ban đầu đã gây ra nhiều khó khăn cho công ty.
Cụ thể, công ty gặp khó khăn về chi phí tăng thêm, bởi không nằm trong ngân sách dự toán từ trước. Doanh nghiệp đã nhận đơn hàng với chi phí trước điều chỉnh, nên sự thay đổi này tác động đến chi phí sản xuất, ảnh hưởng đơn hàng đã ký.
Vì vậy, FGL đề nghị các cấp thẩm quyền có hướng dẫn những vùng III sang vùng II được lùi thời gian áp dụng mức lương tối thiểu theo tháng sang đầu năm 2025, thay vì bắt đầu từ tháng 7/2024.
Trả lời nội dung này, Phó Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) Tống Văn Lai cho hay, quá trình xây dựng nghị định tăng lương tối thiểu vùng được tiến hành rất kỹ và chặt chẽ.
Trong đó, Hội đồng tiền lương quốc gia được giao chủ trì cuộc họp từ đầu năm để đại diện người lao động và doanh nghiệp thương lượng mức tăng lương tối thiểu vùng với nhau. Sau đó, các bên đi đến thống nhất thời điểm và mức tăng lương.
Trên cơ sở đó, Hội đồng tiền lương quốc gia tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định nêu trên. Với khoảng thời gian dài như vậy doanh nghiệp không thể nói là không có sự chuẩn bị.
Bên cạnh đó, ông Tống Văn Lai cũng cho biết mỗi dịp đầu năm, Bộ LĐ-TB&XH đều có công văn gửi các UBND tỉnh, thành để chỉ đạo đơn vị liên quan tiến hành rà soát, đánh giá lại việc phân vùng. Quá trình này được tiến hành bài bản, có đại diện của các bên như tổ chức công đoàn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ban quản lý khu công nghiệp... Khi các bên thống nhất việc phân vùng mới trình lên tỉnh để gửi về bộ.
Đại diện Cục Quan hệ lao động và tiền lương cũng cho biết để doanh nghiệp hiểu vấn đề Bộ LĐ-TB&XH sẽ có văn bản chính thức gửi công ty, trong đó yêu cầu phải thực hiện đúng quy định được ban hành.