Để được làm nhanh, đỡ mất thời gian, người có nhu cầu đổi giấy phép lái xe phải bỏ ra từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng cho cò.
Đầu năm 2014 đến nay, do lượng người đến đổi giấy phép lái xe (GPLX) từ giấy bọc ni-lông sang thẻ nhựa (vật liệu PET) quá đông, nhiều điểm cấp đổi ở TP HCM quá tải khiến khách phải chực chờ mất thời gian. Nhận thấy cơ hội “làm ăn”, đội ngũ cò đổi GPLX ngày càng nở rộ và hoạt động ráo riết.
“Dịch vụ” thời gian
Sáng 26/2, PV có mặt tại điểm đổi GPLX 252 Lý Chính Thắng, quận 3, TP HCM. Dù 7 giờ 30 phút mới đến giờ làm việc nhưng từ 7 giờ, ở khu vực ra vào điểm này đã có hàng chục cò chờ sẵn chuẩn bị “hành nghề”.
Vừa dẫn xe vào cổng, PV đã bị nhiều người chặn xe lại. Một thanh niên tên Tùng mồi chài: “Hiện trong phòng đã có hàng trăm người chen nhau chờ để làm thủ tục. Anh cần đổi GPLX loại nào, đưa em làm giùm cho, vào trong làm gì cho nóng nực, hôi hám”. Một cặp vợ chồng đi sau chúng tôi cũng bị một cò khác “bắt cóc” để gạ gẫm.
Cò vây người đến đổi giấy phép lái xe từ ngoài cổng 252 Lý Chính Thắng.
Ở điểm cấp đổi GPLX 252 Lý Chính Thắng, chúng tôi ước tính có không dưới 30 cò. Đội ngũ này đứng dày đặc từ ngoài cổng để chờ đón “mồi”. Nhiều cò cho biết giá “dịch vụ” đối với GPLX loại 2 bánh từ 200.000 đến 300.000 đồng, còn các loại ô tô thì từ 500.000 đến 1 triệu đồng, tùy theo giấy phép do công an tỉnh hay TP HCM cấp.
Một người đàn ông đến nhờ một thanh niên tên Vũ đổi GPLX hạng B1 với giá 500.000 đồng liền được cò này dẫn đến quán cà phê trước cổng 252 Lý Chính Thắng ngồi chờ. Sau đó, Vũ lấy 2 tấm ảnh và hồ sơ của người đàn ông đi “lo khám sức khỏe”. Khoảng 10 phút sau, Vũ mang hồ sơ đến một phòng khác nộp, lấy số thứ tự về đưa cho người đàn ông và tiếp tục đi tìm “mối” khác. Trước khi đi, Vũ dặn: “Chú cứ ngồi uống cà phê, có gì con gọi”.
Gần 1 giờ sau vẫn chưa thấy đến lượt mình, người đàn ông này liền tìm Vũ thắc mắc: “Sao làm dịch vụ mà lâu thế?”. Tay thanh niên khó chịu: “Chú cứ yên chí đi, làm gì cũng phải có thời gian”. Thấy Vũ lớn tiếng, người đàn ông đành xuống nước: “Nhanh nhanh chút, tôi không có thời gian mới nhờ mấy anh”. Mãi đến khoảng 10 giờ 30 phút, người đàn ông mới làm xong thủ tục đổi GPLX.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, do không biết quy trình làm việc nên nhiều người dân đến đổi GPLX đều bị các cò gạ gẫm “làm dịch vụ”. Với lời hứa làm nhanh, bao hết nhưng thực chất, cò chỉ lo việc làm giấy khám sức khỏe rồi lấy số thứ tự và đưa cho khách. Riêng số thứ tự thì người nào trả giá cao mới được ưu tiên có sớm hơn. “Khi đến lượt, người ta gọi vào chụp ảnh thì phải có mặt, nếu không sẽ mất tiền đó” - cò thường dặn dò khách. Tuy vậy, tất cả đều không lấy được GPLX mới ngay trong ngày mà đều phải chờ sau 7 ngày.
Một cò đang “làm dịch vụ” cho người đến đổi GPLX.
Rời điểm 252 Lý Chính Thắng, chúng tôi tìm đến một số điểm cấp đổi GPLX khác như số 8 Nguyễn Ảnh Thủ (phường Trung Mỹ Tây, quận 12), số 111 Tân Sơn Nhì (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) và số 4-6 Nguyễn Tri Phương (phường Linh Xuân, quận Thủ Đức). Đội ngũ cò ở những điểm này hoạt động ít bát nháo hơn khu vực 252 Lý Chính Thắng do người đến đổi GPLX không đông.
Nhanh cỡ nào cũng được
Chiều hôm sau, chúng tôi quay lại điểm cấp đổi GPLX 252 Lý Chính Thắng. Một thanh niên nhận ra tôi liền nói móc: “Ở đâu giá dịch vụ cũng thế cả thôi. Sáng hôm qua nếu anh chịu làm thì giờ rảnh rỗi đi chơi được rồi!”.
Tôi đặt vấn đề đổi GPLX hạng B1 nhưng phải làm nhanh. Cò này phán: “Rồi, giá dịch vụ trọn gói 800.000 đồng, em bao luôn cho anh bằng A1, chỉ trong vòng 20 phút, không xong không lấy tiền”. “Lấy số thứ tự đâu ra mà nhanh thế?” - tôi thắc mắc. Tay thanh niên bĩu môi: “Anh thích nhanh cỡ nào cũng được, chỉ có điều giá hơi cao thôi”. Nói xong, anh ta bảo tôi đưa GPLX, CMND, 2 tấm ảnh để điền thông tin, sau đó đi làm giấy khám sức khỏe thay khách.
Đúng như lời hứa, khoảng 10 phút sau, tay thanh niên quay ra mang theo giấy khám sức khỏe của tôi. Sau đó, anh ta mang hồ sơ đi vào phòng nộp cho một nhân viên rồi gọi tôi vào chụp ảnh và làm khâu cuối cùng. Khi tôi chụp ảnh xong, cò này bảo ra ngoài để anh ta lấy giấy hẹn. Chưa đầy 30 phút sau, một người khác đến đưa giấy hẹn cho tôi và dặn: “Đúng một tuần sau, anh tới gặp tôi để lấy GPLX mới nhé” rồi không quên nhắc tới số tiền “dịch vụ” 800.000 đồng.
Nghe tôi phàn nàn giá cao, anh ta phân trần: “Tôi được có mấy chục ngàn đồng thôi anh ơi, còn lại phải chia cho nhiều người nữa, nếu không thì sao người ta nhận hồ sơ làm sớm cho mình”. Theo cò này, nếu chỉ bao việc làm hồ sơ, khám sức khỏe, còn số thứ tự khách tự chờ lấy thì giá “dịch vụ” rẻ hơn, khoảng 600.000 đồng nhưng “có khi chờ cả ngày mới làm xong”.
Quả vậy, trong 2 ngày đến các điểm cấp đổi GPLX, chúng tôi chứng kiến không ít người vì muốn tiết kiệm phần nào chi phí, chỉ đồng ý cho cò lo khâu khám sức khỏe, nộp hồ sơ nên phải chờ rất lâu mới đến lượt lấy số thứ tự vào chụp ảnh, lấy giấy hẹn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để làm thủ tục nhanh cho người có nhu cầu cấp đổi GPLX, cò chia thành nhiều tốp, một phần ở ngoài cổng “bắt” khách, phần chuyên lo khâu khám sức khỏe, còn lại thì lo lấy số thứ tự. Chúng tôi ngỏ ý lấy GPLX trước thời hạn, các cò đều thẳng thừng từ chối: “Không được đâu, cái đó đã là quy định của nhà nước, khó làm lắm”...
Dùng quy trình mới để hạn chế cò Ông Võ Trọng Nhân, Trưởng Phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX - Sở GTVT TP HCM, cho biết từ ngày 27/2, phòng đã áp dụng quy trình mới trong việc cấp số thứ tự cho người có nhu cầu đến cấp đổi GPLX. Theo đó, sau khi nộp giấy khám sức khỏe và hồ sơ, người dân sẽ được cấp số thứ tự. Tuy nhiên, cán bộ, nhân viên không trả hồ sơ cho người dân mà hướng dẫn lên lầu 1 và sẽ trực tiếp mang hồ sơ lên đây để giải quyết tiếp. Theo ông Nhân, quy trình mới này sẽ hạn chế việc cò xếp hàng lấy số thứ tự rồi thu tiền “dịch vụ” của người đến đổi GPLX. Về việc có hay không cán bộ, nhân viên móc nối với cò, ông Nhân cho rằng phòng quản lý rất chặt, nếu phát hiện người nào làm sai sẽ xử lý nghiêm. “Tuy lượng người đến cấp đổi GPLX đông nhưng cán bộ, nhân viên vẫn hướng dẫn nhiệt tình. Người dân có nhu cầu nên vào thẳng bên trong để làm thủ tục, không nên tin lời cò. Riêng lực lượng cò hoạt động rầm rộ trước cổng cơ quan không thuộc phạm vi quản lý của phòng. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị công an địa phương nhưng việc xử lý của họ chưa triệt để” - ông Nhân cho biết. T.Hồng |