34 năm sau khi thảm họa qua đi, mỗi khi nhìn vào đôi mắt đen vô vọng của Omayra Sanchez, người ta vẫn luôn rùng mình vì quá ám ảnh. Đằng sau đó là câu chuyện của một cô bé dũng cảm, một thảm kịch bi thương và sự khắc nghiệt kinh hoàng của mẹ thiên nhiên.
Đại thảm họa chôn vùi 25.000 sinh mạng
Omayra Sanchez Garzon là một bé gái Colombia 13 tuổi đang sống bình yên cùng gia đình nhỏ của mình tại thị trấn Armero, Tolima. Cô bé không bao giờ nghĩ rằng thời kỳ đen tối đang bủa vây họ bên dưới sự im lặng của mẹ thiên nhiên. Và chẳng mấy chốc, nó sẽ nuốt chửng toàn bộ lãnh thổ của họ, trở thành một trong những thảm họa rùng rợn nhất lịch sử loài người.
Thảm họa kinh hoàng tại Colombia năm 1985.
Vào ngày 13/11/1985, một vụ phun trào nhỏ của núi lửa Nevado del Ruiz, gần lãnh thổ Armero đã tạo ra một khối bùn núi lửa khổng lồ. Đó là hỗn hợp gồm những mảnh vụn núi lửa trộn với băng. Tất cả đã chôn vùi, phá hủy toàn bộ thị trấn Armero và 13 ngôi làng khác ở Tolima khiến khoảng 25.000 người thiệt mạng. Kết cục bi thảm này được biết đến với tên gọi Thảm kịch Armero, thảm kịch chết chóc nhất được lịch sử ghi lại.
Hơn 60h cố níu sự sống của Omayra Sanchez
Trước khi xảy ra vụ phun trào, Omayra ở nhà cùng với bố là ông Álvaro Enrique, một người thu buôn gạo và lúa miến, anh trai của bố và người dì tên María Adela Garzón. Mẹ cô bé là bà María Aleida khi đó đã tới Bogotá công tác. Vào đêm xảy ra thảm họa, khi âm thanh của dòng bùn đá tiến lại gần, Omayra và gia đỉnh tình giấc, lo lắng cho sự tàn lụi sắp xảy ra sau vụ phun trào. Nhưng trong thực tế, dòng bùn này còn kinh khủng và lớn hơn so với những gì họ tưởng tượng rất nhiều. Nó tấn công ngôi nhà của họ trong chớp nhoáng và kết quả, Omayra bị mắc kẹt dưới những khối bê tông, mảnh vụ và dòng bùn mà không thể tự thoát ra ngoài.
Cô bé Omayra bị chôn vùi dưới đất đá nhưng khuôn mặt hoàn toàn thản nhiên.
Vài giờ tiếp theo, cô bé 13 tuổi này bị bê tông và bùn phủ kín. Tuy nhiên, Omayra đã đưa tay qua một khe hở từ mảnh vỡ. Khi lực lượng cứu hộ đến, một nhân viên phát hiện ra bàn tay của Omayra nhô ra từ một đống đổ nát và cố gắng giúp cô bé. Họ nhận ra đôi chân của Sánchez đã bị kẹt hoàn toàn dưới phần lớn mái nhà. Có rất nhiều nguồn đưa ra những thông tin khác nhau về mức độ mắc kẹt của Omayra. Có người nói rằng cô bé "bị mắc kẹt đến cổ" trong khi Germán Santa Maria Barragan, một nhà báo làm tình nguyệt trong thảm kịch Armero nói rằng Omayra bị kẹt đến eo.
Omayra bị vùi dưới lớp bùn và bất động từ thắt lưng trở xuống, phần thân trên của cô bé không bị vướng bê tông hay các mảnh vỡ. Lực lượng cứu hộ đã dọn gạch và gỗ bao quanh cô bé nhiều nhất có thể trong suốt một ngày. Khi Omayra được giải thoát từ thắt lưng trở lên, các nhân viên cứu hộ đã cố gắng kéo cô bé ra. Tuy nhiên, họ không thể làm vậy bởi nó sẽ khiến Omayra bị gãy chân. Mỗi một lần người ta kéo Omayra lên, mực nước xung quanh cũng dâng lên đến nỗi cô bé có thể chết đuối nếu họ tiếp tục làm vậy. Vì thế, các nhân viên cứu hộ đã bất lực đặt một chiếc lốp xe quanh người Omayra để cô bé nổi lên.
Các nhân viên cứu hộ đã cố hết sức để giải cứu Omayra.
Sau đó, các thợ lặn phát hiện chân Omayra bị kẹp dưới một cánh cửa làm bằng gạch với cánh tay của người dì nắm chặt quanh cẳng và bàn chân.
Bất chấp hoàn cảnh khó khăn, Omayra vẫn tỏ ra rất lạc quan. Cô bé hát cho nhà báo Barragan nghe, hỏi xin đồ ngọt, uống soda và thậm chí còn đồng ý trả lời phỏng vấn. Đôi lúc, cô bé cũng sợ hãi và cầu nguyện hoặc bật khóc. Đến đêm thứ ba, Omayra bắt đầu rơi vào ảo giác. Cô bé nói: "Cháu không muốn bị trễ học" và nhắc tới một bài kiểm tra toán.
Cô bé đã ra đi sau hơn 60h bị mắc kẹt.
Cho đến khi sắp ra đi vĩnh viễn, đôi mắt Omayra đỏ hoe, khuôn mặt sưng phù và đôi tay trở nên trắng bệch. Thậm chí, có lúc cô bé yêu cầu mọi người hãy đi nghỉ, để mình ở lại. Vài giờ sau, các nhân viên cứu hộ quay lại, mang theo một chiếc bơm và cố gắng cứu sống cô bé. Thế nhưng lúc này, đôi chân Omayra đã bị bẻ cong dưới lớp bê tông, như thể đang quỳ và họ không thể đưa cô bé ra ngoài mà không tổn thương chân.
Do không có đủ thiết bị phẫu thuật để cứu cô bé một cách nguyên vẹn, các bác sĩ đã bất lực quyết định để Omayra ra đi bởi điều này sẽ nhân đạo hơn. Cuối cùng, sau gần 3 đêm, tức hơn 60h cầm cự, Omayra đã qua đời vào khoảng 10h05 sáng ngày 16/11 do bị phơi nhiễm, có thể là vì hạ thân nhiệt hoặc hoại tử.
Ngôi mộ của Omayra được dựng lên.
Sự can đảm và phẩm cách của cô bé Omayra Sanchez đã chạm đến hàng triệu trái tim trên khắp thế giới. Bức ảnh của Omayra được phóng viên ảnh Frank Fournier chụp ngay trước khi cô bé qua đời đã được đăng tải khắp nơi. Sau này, nó đã đạt giải thưởng ảnh báo chí World Press Photo năm 1986. Đôi mắt đen láy đầy vô vọng của Omayra trong bức ảnh đã khiến bất cứ ai nhìn vào đều bị ám ảnh suốt một thời gian dài.
Ngày nay, Omayra Sanchez vẫn là một nhân vật tích cực không thể nào quên trong lòng mọi người. Hình ảnh của cô bé xuất hiện trong nhiều tác phẩm âm nhạc, văn học và những bài báo tưởng niệm. Ngôi mộ của cô bé cũng trở thành nơi để mọi người tới hành hương, tưởng nhớ những nạn nhân của một trong những thảm họa kinh hoàng nhất lịch sử loài người.