Đề tuyển sinh vào lớp 10 môn văn vừa rồi của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và TP HCM đều có sự đổi mới. Cả 2 đề thi vừa sức với học trò, nhẹ nhàng hơn so với mọi năm.
Đánh giá trên yêu cầu của đề thi học sinh trung bình khá trở lên có thể ung dung làm bài. Nếu những năm sau, mức độ đề thi cũng như thế này thì học sinh không cần vào các lò luyện thi, chỉ cần tự học chăm chỉ cũng đủ tự tin làm bài. Như vậy sẽ giải được bài toán áp lực về thi cử.
Tuy nhiên cũng cần có một vài chỗ cần xem lại. Cả hai đề thi đều chú trọng tính xã hội nhiều hơn tính văn học. Nên chăng cân bằng thì sẽ tốt hơn bởi lẽ bên cạnh đích đến là rèn luyện con người thì dù sao đặc tính của văn chương vẫn là một bộ môn cảm nhận cái đẹp về nghệ thuật.
Thí sinh tranh thủ ôn bài trước môn thi văn. Ảnh: TẤN THẠNH
Đề thi của Hà Nội thiên về phần ngữ nhiều hơn phần văn. Câu 3 của phần II yêu cầu viết một đoạn văn theo cách lập luận diễn dịch (khoảng 12 câu) làm rõ tình cảm sâu nặng của cháu đối với bà trong một khổ thơ của bài thơ Bếp lửa (Bằng Việt) làm gò bó học sinh trong việc thể hiện cảm xúc khi phải luôn canh cánh những điều: để tuân thủ đoạn văn thì không được xuống dòng, phải theo lối diễn dịch, phải có câu bị động, phải luôn đếm số câu để không thừa, không thiếu. Hơn nữa dùng đơn vị câu rất khó để đo lường bởi vì có câu đơn, câu ghép câu dài, câu ngắn. Nhiều học sinh sẽ bị lúng túng. Đề của Hà Nội còn có phần kiến thức không thuộc trong chương trình lớp 9: danh từ được dùng như tính từ và câu bị động. Lấy phần kiến thức không thuộc lớp 9 vào đề thi nên hay không nên?
Trong việc ra đề khi chỉ yêu cầu phân tích một đoạn thơ hay đoạn văn có một lưu ý: đoạn được chọn phải xuất sắc, phải tiêu biểu cho tác phẩm về cả nội dung và nghệ thuật, tránh ra những đoạn ít "đất dụng võ". Và đáp án cũng không nên quá đi sâu vào chi tiết có tính chuyên môn sâu chỉ cần đạt những ý cơ bản bài viết có cảm xúc diễn đạt tốt là có thể đạt điểm tối đa. Không nên giữ cách đánh giá những bài làm phân tích sâu, kỹ tất cả từ ngữ hình ảnh mới được điểm tốt.
Dù vẫn còn một chút băn khoăn nhưng cả hai đề thi của Hà Nội và TP HCM đều có những thay đổi tích cực, thoát khỏi sự hàn lâm trong kiểu học và thi trước đây. Đó là tín hiệu đáng mừng bởi đổi mới đề thi là một trong những khâu quan trong trong việc đổi mới giáo dục.