Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết sẽ có nhiều bộ SGK để từng trường lựa chọn và giáo viên có năng lực cũng có thể tự biên soạn chương trình giảng dạy miễn sao đáp ứng chuẩn chương trình.
Tại chương trình tập huấn của Bộ GDĐT đối với các nhà giáo, quản lý các trường phổ thông TPHCM và Bình Thuận về chương trình và SGK, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Giáo dục phổ thông có nhiều việc nhưng quan trọng nhất là chương trình và SGK. Nội dung chương trình phải đảm bảo chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, đảm bảo tính hoàn chỉnh, linh hoạt, liên thông thống nhất trong và giữa các cấp học; tích hợp và phân hóa hợp lý, hiệu quả.
Theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chỉnh phủ về đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông, từ năm học 2018 – 2019 sẽ bắt đầu triển khai áp dụng chương trình mới, SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học, THCS và THPT.
Học sinh phải học thêm vì SGK khó hiểu?
Tại buổi tập huấn, đại diện nhiều trường THPT trao đổi, thảo luận xung quanh việc đổi mới chương trình SGK. Các thầy cô giáo tán thành việc đổi mới SGK và có những ý kiến đóng góp từ những vấn đề gặp phải trong thực tế: Đổi mới SGK cần lựa chọn kĩ những người tổ chức biên soạn SGK, bám sát chuẩn chương trình quy định, SGK phải có tính thống nhất, có tính thực tế… tránh hàn lâm quá, hoặc thiếu đi sự liên tục trong các lớp...
Ông Nguyễn Hoàng Việt, Hiệu trưởng Trường THPT Minh Đức (quận Tân Phú) lo lắng đến tính bền vững của SGK. Một bộ SGK ít nhất phải sử dụng được trong 10 – 15 năm, học sinh cầm sách có thể tự tìm hiểu, tự học, thế nhưng thực tế hiện nay cho thấy, SGK đang hiện hành còn gây khó cho chính giáo viên khi truyền đạt cho học sinh, thì làm sao học sinh có thể tự học để phát triển tư duy? Theo ông Việt, việc viết SGK khó hiểu là một trong những nguyên nhân buộc nhiều học sinh phải đi học thêm.
Ông Phạm Văn Nghĩa, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (Q.9) cho hay, thời gian gần đây TPHCM đang rất tích cực đưa tích hợp vào các bài dạy, các môn học. Vậy sắp tới có tích hợp luôn trong SGK không hay lại "mạnh ai nấy làm"?
Đại diện nhiều trường THPT bày tỏ sự lo lắng trước việc Bộ lại tiếp tục chuẩn bị thay đổi SGK. Liệu việc thay đổi này sẽ ở mức nào so với khung chương trình đang thực hiện? Công tác thi cử của học sinh sẽ bị ảnh hưởng ra sao?
Sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa Trước băn khoăn của các nhà quản lý giáo dục về SGK, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho hay SGK sẽ có nhiều bộ để các trường lựa chọn, miễn sao phải đảm bảo được mục tiêu giáo dục theo chuẩn chương trình chung để người học có thể đáp ứng được việc kiểm tra, đánh giá theo chuẩn.
Thứ trưởng nhấn mạnh, SGK chỉ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên giảng dạy đảm bảo theo chuẩn chương trình. Quan trọng nhất là người dạy cần nắm được quá trình phát triển năng lực của học trò, đặc biệt là quá trình phát triển năng lực tự giác.
Điều này phù hợp với nội dung cốt lõi của đổi mới là chuyển mạnh từ quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học, đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở và xây dựng xã hội học tập.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học (Bộ GDĐT) cho biết, sắp tới các trường sẽ phải điều hành đội ngũ giáo viên trong bối cảnh nhiều bộ SGK và đa dạng hóa tài liệu dạy học.
Nhà trường có thể quy định chọn một bộ SGK bắt buộc để dạy học sinh nhưng giáo viên, học sinh có thể chọn SGK, tài liệu khác nhau trong việc dạy học. Ông Thống khẳng định: “Thậm chí một thầy giáo giỏi không cần SGK, người thầy có thể tự biên soạn bài dạy miễn là đảm bảo mục tiêu giáo dục và chuẩn chương trình đã đề ra”.