Thay vì được quây quần đón giao thừa với người thân,chở vợ con mừng tuổi ông bà, về quê ngồi bên bố mẹ hưởng không khí đầm ấm ngày Xuân... thì họ phải tất bật rong ruổi trên những chuyến tàu, xe đưa hành khách về quê ăn Tết một cách an toàn nhất.
Bấm hồi còi, đón giao thừa
Hơn 10 năm làm nghề lái tàu cho tuyến tàu Bắc – Nam, tàu địa phương là cũng chừng ấy thời gian anh Hoàng Xuân Thoan (SN 1978) đón những cái Tết ngay trên tàu với nhiều cảm xúc khó tả. Không chỉ anh Thoan, mà theo lời anh Trần Thanh Băng, quản đốc Phân xưởng Vận dụng máy Sài Gòn (Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn), hầu hết các lái tàu đều phải phục vụ Tết, trừ trường hợp đặc biệt như bệnh tật, vợ sinh đẻ, gia đình có hiếu hỉ sẽ được lãnh đạo xem xét. Tuy nhiên, lịch chạy tàu Tết rất căng thẳng, ngành đường sắt đã làm công tác tư tưởng, tất cả anh em phải trong tư thế phục vụ, cố gắng sắp xếp chuyện riêng tư trước Tết.
Vẫn chưa biết lịch chạy tàu Tết năm nay nhưng anh Thoan đã lên chuẩn bị tinh thần trước. “Lịch chạy tàu xoay tua đến ai thì người đó trực chứ không đắn đo gì. Năm nào tôi cũng chạy Tết, làm riết rồi quen, có năm trực cả 30 và mùng 2 nhưng cảm xúc mỗi lần đều khác nhau. Vui nhất là đưa khách đi đến nơi về đến chốn an toàn, tránh được những rủi ro trên đường…
Anh Thoan sẵn sàng khoác ba lô để phục vụ, lái tàu dịp tết
Tuy có xốn xang đôi chút khi giờ khắc giao thừa đến bởi tôi và lái phụ ngồi phòng máy, cách ly các khoang hành khách, không được cảm nhận không khí chộn rộn, hồi hộp cùng bà con và tham gia tiệc giao thừa của tiếp viên ngay trên tàu nên chúng tôi tự thưởng và chung vui với hành khách bằng cách bấm một hồi còi vang rộn”- anh Thoan kể.
Chuyện đã quen là thế. Chuyện của năm đầu khi anh Thoan đi phục vụ tàu Tết lại có phần khác. Anh cũng buồn và có chút suy tư nhưng cứ nghĩ cảnh bà con trên tàu được đoàn tụ với người thân “là vui liền”. Hỏi về cảm xúc của vợ, anh nói: Riêng phần “bà xã”, do trước khi rước nàng về dinh anh đã tỉ tê, rót mật vào tai; vả lại chị cũng phục vụ trong ngành hàng không nên hiểu rõ tính chất công việc của chồng mình. Chỉ khổ là với 2 đứa nhỏ, thấy bố đi làm ngày tết liền kéo áo nũng nịu đòi bố chở đi chơi. Anh đành dỗ dành, nựng nịu rồi sau đó bù đắp bằng cách chở bọn trẻ đi thăm ông bà nội, ngoại, đi chơi cả ngày…
Không giống những ngành khác, ở ngành đường sắt, cuối năm lại tất niên chuẩn bị “ra quân” phục vụ Tết. “Chúng tôi có “lễ khao quân” vào ngày 4-2 (16 tháng Chạp) hội tụ hơn 170 anh em lái tàu gặp gỡ, chia sẻ tâm tư, gửi nhau những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới như một cách động viên anh em”- anh Băng dí dỏm.
“Đi xe buýt thì xin đừng quá chén”
Đó là lời tâm sự rất thật của tài xế xe buýt Trần Vũ Khang, (34 tuổi, chạy tuyến 24 Bến xe Miền Đông- Hóc Môn) vào những ngày tết bởi theo anh Khang – niềm vui lớn nhất của tài xế là phục vụ khách an toàn, tuy nhiên không tránh khỏi cảnh nhiều người quá chén, lên xe không biết trời đất gì khiến tài xế cũng “cuống” theo.
8 năm trong nghề thì 7 năm anh Khang “ôm xe” chạy ngày Tết, bởi tuyến 24 có đặc thù chở khách ra Bến xe Miền Đông về quê ăn Tết muộn nên vẫn hoạt động đến 17 giờ mùng 1.
“Tết ai cũng muốn ở nhà quây quần với người thân nhưng mình lại xách xe đi nên vợ con cũng buồn nhưng bù lại là vui khi được phục vụ bà con an toàn và hoàn thành nhiệm vụ” - anh Khang bộc bạch.
Với anh, mỗi cái Tết rong ruổi trên chuyến xe từ 5 giờ sáng đến hơn 7 giờ tối là mỗi cảm xúc khác nhau. Năm nào anh cũng có những niềm vui bất ngờ khi nhận được lời cám ơn, cái bắt tay hay lời chúc tốt đẹp của vài hành khách. Có năm, niềm vui rất bất ngờ khi anh nhận được bao lì xì đỏ chét dù số tiền không đáng là bao của vài hành khách kèm cái vỗ vai dặn dò về đạo đức nghề. Cũng không ít lần anh bối rối vì những hành khách quá chén với những đòi hỏi vô lý. Tuy nhiên, kết thúc một chuyến xe – dù buồn hay vui anh cũng không quên chúc hành khách năm mới nhiều điều vui, vạn sự như ý. “Tết mà, ai cũng mong điều tốt lành, vậy kiệm chi lời chúc”- anh cười tươi.
7 năm phục vụ Tết cũng là 7 năm anh mừng tuổi cha mẹ ở quê (Quảng Ngãi) thông qua Zalo, qua màn hình máy tính và điện thoại. “Cha mẹ ơi, Tết này con không về, ở lại phục vụ cho bà con”- điệp khúc quen thuộc được anh thông báo vào cuối năm không ít lần khiến người thân xúc động nhưng biết việc anh làm phục vụ cộng đồng nên ai cũng cảm thông. “Vậy nên hè nào tôi cũng sắp xếp cho vợ con về quê thăm ông bà, còn mình thì 4-5 năm về một lần vì tính chất công việc không thể nghỉ lâu được. Quan trọng là hỏi thăm qua điện thoại, biết ông bà khỏe là vui rồi” - anh Khang bùi ngùi.