Đột quỵ ở người trẻ tăng cao do lối sống hiện đại

Ngày 10/09/2015 05:00 AM (GMT+7)

Theo GĐ Bệnh viện Tim Hà Nội, bệnh đột quỵ ngày càng gia tăng ở người trẻ là do chính lối sống hàng ngày và đây là “sản phẩm” của xã hội hiện đại.

Theo thống kê của ngành y tế, ở Việt Nam mỗi năm có hơn 200.000 trường hợp bị đột quỵ, hơn 20% trong số đó tử vong và 80% số người còn sống sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng nặng. Điều đáng nói là, độ tuổi bị tai biến mạch máu não đang dần trẻ hóa, từ 40 - 45 tuổi, so với trước đây là 50 - 60 tuổi.

Qua các khảo sát thực tế và đánh giá của nhiều chuyên gia y tế, tỷ lệ đột quỵ ở những người trẻ và trung niên đang gia tăng mạnh mẽ và chiếm khoảng một phần ba tổng số các trường hợp đột quỵ.

Nếu như những năm của thập kỷ 1990, những người tuổi từ 20 đến 64 bị đột quỵ chiếm khoảng 25% thì đến nay, con số này đã tăng lên đến 31%. Trên 83.000 người ở độ tuổi 20 và trẻ hơn bị đột quỵ hàng năm chiếm khoảng 0,5% tổng số trường hợp đột quỵ trên toàn cầu.

Chia sẻ với phóng viên về tình trạng tỷ lệ người trẻ tuổi bị đột quỵ ngày càng gia tăng, PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn – GĐ Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết không chỉ đột quỵ mà các căn bệnh tưởng chừng như chỉ người già mới mắc phải như: mạch vành, tăng huyết áp… hiện nay cũng đang gia tăng ở nhóm những người trẻ tuổi.

Đột quỵ ở người trẻ tăng cao do lối sống hiện đại - 1

PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn: "Đột quỵ ở người trẻ tuổi gia tăng chủ yếu là do lối sống".

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, PGS Tuấn cho biết, đó là do những áp lực cuộc sống cùng với lối sống không lành mạnh của người dân. Ông Tuấn nói thêm, đây chính là “sản phẩm” của xã hội hiện đại. Theo đó, bệnh đột quỵ ở giới trẻ gia tăng liên quan nhiều đến lối sống của người dân. Điển hình là những thói quen có hại cho sức khỏe như: uống rượu bia, hút thuốc lá, lười vận động… Ngoài ra, vấn đề thừa cân béo phì cũng là một trong số những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

“Tình trạng thừa cân béo phì sẽ gây ra một loạt các căn bệnh rối loạn chuyển hóa, trong đó có rối loạn chuyển hóa đường, rối loạn chuyển hóa mỡ, tăng huyết áp…

Hiện nay, tỷ lệ người tăng huyết áp ở người trẻ đang gia tăng rất nhiều, chủ yếu ở đối tượng thừa cân béo phì, căng thẳng, rượu chè…Ngoài ra, tỷ lệ người bị bệnh đái tháo đường ở giới trẻ hiện nay cũng khá cao, đây cũng là một trong số những nguyên nhân gây nên bệnh tai biến (đột quỵ) ở giới trẻ ngày càng gia tăng.

Một nguyên nhân nữa không thể không nhắc đến đó là thói quen hút thuốc lá của người Việt, đặc biệt là ở giới trẻ. Đây là thói quen đã được cảnh báo từ lâu, tuy nhiên tỷ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn thuộc loại cao nhất thế giới.

Từ những nguyên nhân trên, nên tình trạng mắc bệnh đột quỵ ở giới trẻ gia tăng là điều khó tránh khỏi”, PGS Tuấn phân tích nguyên nhân.

Theo ông Tuấn, trước đây bệnh đột quỵ ở những người trẻ tuổi cũng có, tuy nhiên xảy ra chủ yếu ở những trường hợp mắc các bệnh bẩm sinh, bởi vậy con số thống kê không tăng theo thơi gian. Nhưng hiện nay, số lượng người trẻ tuổi mắc bệnh đột quỵ đang tăng theo thời gian, điều này liên quan rất nhiều đến lối sống.

“Cách dây 20-30 năm cuộc sống tuy “đạm bạc” nhưng tỷ lệ đột quỵ lại ít hơn so với hiện tại. Cuộc sống ngày càng phát triển, càng hiện đại thì tỷ lệ đột quỵ ở giới trẻ ngày càng gia tăng”, PGS Tuấn nói.

Nói về nhóm đối tượng thường hay mắc phải bệnh đột quỵ, PGS Tuấn cho biết, nhóm đối tượng mắc căn bệnh này ở thành thị nhiều hơn nông thôn, những người hay mắc phải nhất đó là nhóm doanh nhân, doanh nghiệp những người thường xuyên phải lao động căng thẳng hoặc thường xuyên phải tiếp khách rượu chè.

“Tuy nhiên, tỷ lệ mắc ở nông thôn cũng rất đáng báo động. Một nghiên cứu ở huyện Ba Vì (Hà Nội) cho thấy, bệnh tim mạch ở địa phương này chiếm tỷ lệ khá cao. Theo đó, 33% nam giới và 31% nữ giới mắc căn bệnh này. Riêng bệnh đột quỵ, trong giai đoạn 1999-2003 tỷ lệ người mắc căn bệnh này ở Ba Vì tăng gấp đôi so với những căn bệnh khác”, PGS Tuấn dẫn chứng.

Để phòng ngừa căn bệnh này ở giới trẻ, PGS Tuấn cho biết, biện pháp đầu tiên đó là phải duy trì lối sống lành mạnh. Cần phải cân bằng chế độ ăn, chế độ tập luyện thể dục thể thao hợp lý, từ bỏ các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia.

“Tôi biết, việc bỏ thuốc lá, rượu bia là không hề đơn giản. Tuy nhiên, đứng trước một sự lựa chọn giữa sức khỏe, gia đình, sự nghiệp thì ý chí của người hút sẽ quyết định tất cả và họ tự biết quyết định nào sẽ có lợi cho bản thân”, PGS Tuấn nhân mạnh.

Theo các chuyên gia, dấu hiệu cảnh báo trước bệnh đột quỵ hoàn toàn có thể phát hiện được. Dưới đây là một số dấu hiệu nổi bật nhất để nhận biết: 

- Dấu hiệu ở thị lực: Thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt, tuy nhiên biểu hiện này không rõ ràng nên bên cạnh khó nhận ra. Chỉ có người bệnh khi nhận thấy mình có dấu hiệu này thì nên yêu cầu được cấp cứu ngay. 

- Dấu hiệu ở mặt: Mặt có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống. Đặc biệt khi người bệnh nói hoặc cười thì sẽ thấy rõ dấu hiệu méo miệng và thiếu cân xứng trên mặt. 

- Dấu hiệu ở tay: Cảm giác của người bị đột quỵ là tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác. Ngoài ra thì người bệnh cũng cảm thấy đi lại khó khăn, không nhấc chân lên được. 

- Dấu hiệu qua giọng nói: Người bị đột quỵ có thể gặp triệu chứng nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức thì mới nói được. – Dấu hiệu qua nhận thức: Người bệnh có biểu hiện rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, mắt mờ, tai ù không nghe rõ. 

- Dấu hiệu ở thần kinh: Người bệnh cảm thấy nhức đầu dữ dội. Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, nhất là người bệnh có tiền sử bị đau nửa đầu.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot