Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, nếu tính trong khoảng 30 năm trở lại đây thì Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đang rơi vào đợt rét kỷ lục.
Ngày hôm qua 24/1/2016, nền nhiệt khắp các tỉnh Bắc bộ đã giảm sâu kỷ lục. Đặc biệt, băng tuyết xuất hiện ở khắp các nơi, thậm chí trên đỉnh Ba Vì (Hà Nội), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Yên Tử (Quảng Ninh) cũng ghi nhận băng giá xuất hiện.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia cho hay, rét hại nặng kèm băng giá và sương muối còn kéo dài ở Bắc Bộ hết ngày 27/1.
Ông nhìn nhận như thế nào về đợt rét hại nặng đang diễn ra tại các tỉnh Bắc bộ?
Ông Lê Thanh Hải: Đợt rét ở miền Bắc trong những ngày qua là hiện tượng thời tiết cực đoan, hiếm gặp trong mùa đông mà miền Bắc được nhận định là một "mùa đông ấm” do ảnh hưởng của El Nino.
Tuyết rơi phủ trắng các con đường, cành cây ở Sa Pa, tỉnh Lào Cai ngày 24/1
Đợt không khí lạnh này có cường độ mạnh và tràn sâu về phía Nam khiến gần như toàn bộ châu Á bị rơi vào tình trạng giá rét. Theo quy luật, tháng 1 bao giờ cũng là thời điểm lạnh nhất của Bắc bán cầu, gây ra các đợt rét mạnh như ở châu Á, Bắc Mỹ hiện nay.
Trong ngày 24/1, hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc đều ghi nhận tuyết rơi, nhiệt độ xuống thấp, đây có phải đợt lạnh kỷ lục không, thưa ông?
Nếu tính trong khoảng 30 năm trở lại đây thì Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đang rơi vào đợt rét kỷ lục.
Núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) đã xuất hiện nhiệt độ âm 4,2 độ C, nhiều nơi xuống dưới 0 độ. Tuy nhiên, đến giờ nói là kỷ lục ở Việt Nam vẫn chưa đảm bảo chắc chắn. Bởi vì Mẫu Sơn có nhiệt độ thấp nhất nhưng nơi đây mới có trạm quan trắc trong mấy năm gần đây.
Còn thủ đô Hà Nội năm 2008 nhiệt độ thấp nhất 6,7 độ C. 6h sáng 24/1 nhiệt độ Hà Nội (Hà Đông) 6,5 độ C, thấp hơn năm 2008. Nhưng ngày 31/1/1977, Hà Nội được ghi nhận rét tới 5,4 độ C. Xa hơn, vào tháng 1/1955 Hà Nội rét 2,7 độ C. Như vậy, nhiệt độ tại Hà Nội đạt mức thấp kỷ lục trong 39 năm qua.
Nhiệt độ ghi nhận ở đỉnh núi Ba Vì vào sáng 24/1 là -1 độ C. Băng giá xuất hiện ở đỉnh núi Ba Vì hay Tam Đảo, Yên Tử là do độ cao cộng với mưa đã khiến nước mưa đọng trên lá cây, trên mái nhà kết thành băng. Hiện tượng băng giá đã xảy ra khá nhiều lần ở Hà Nội.
Theo ông, nguyên nhân nào khiến băng tuyết xuất hiện diện rộng tại các tỉnh Bắc bộ?
Về lý do băng tuyết xuất hiện nhiều nơi là đợt không khí lạnh này hội tụ đủ 2 yếu tố kết hợp để hình thành tuyết, băng giá là nhiệt độ thấp cộng với mưa, độ ẩm cao. Cụ thể là đới gió Tây cao trên 5.000m kết hợp với gió đông bắc tầng thấp gây mưa ở các tỉnh phía Bắc đến ven biển miền Trung, mưa kết hợp với nhiệt độ thấp ở vùng núi cao là điều kiện để hình thành mưa tuyết, băng giá.
Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, nếu tính trong khoảng 30 năm trở lại đây thì Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đang rơi vào đợt rét kỷ lục.
Đợt rét diện rộng này liệu có kéo dài như những năm trước không, thưa ông?
Đợt rét này sẽ không kéo dài như năm 2008. Năm 2008 rét đậm, rét hại kéo dài liên tục 38 ngày ở đồng bằng, trung du phía Bắc.
Từ ngày 27/1 nhiệt độ có xu hướng nhích dần và sẽ chấm dứt rét hại diện rộng tại các tỉnh vùng đồng bằng, trung du phía Bắc.
Những ngày sau, miền Bắc thoát khỏi rét hại, chỉ còn ở mức rét, rét đậm, tuy nhiên các khu vực vùng núi cao vẫn duy trì rét hại kèm sương muối.
Đợt rét này được nhận định mạnh nhất mùa đông năm xuân 2015-2016, khó lặp lại trong mùa đông này.