Ở bất kỳ tình huống nào, hoàn cảnh nào, tín hiệu trước đó (nếu có) rõ ràng ra sao thì ngay tại lúc thực hiện hành vi quan hệ tình dục “trái với ý muốn của nạn nhân” cũng đều là hành vi có dấu hiệu tội phạm đối với tội hiếp dâm.
“Đàn bà, con gái theo chân đàn ông vào phòng khách sạn thì một là muốn ăn cắp, hai là muốn lên giường. Vậy thì kêu ca gì nữa” (!?). Tôi đọc dòng trạng thái này của một số người từ vụ hai nam nghệ sĩ bị tình nghi tấn công tình dục ở trời Tây mà thấy sai quá trời..
Trong các dòng trạng thái cập nhật để bày tỏ quan điểm, góc nhìn, tôi chú ý đến những dòng trạng thái trong đó cho rằng đàn bà vào phòng đàn ông là vì muốn/sẵn sàng lên giường với họ. Và, chắc cánh đàn ông càng “nhấp nhỏm” hơn với điều được cho là “tín hiệu” này. Và từ đó, họ “tới luôn”, dẫn đến một số người bắt nhầm tín hiệu và rắc rối pháp lý cũng từ đó mà ra.
Về luật, chuyện vào phòng với ai đó không được diễn giải đương nhiên là “tôi muốn lên giường với anh”. Ảnh minh họa: The times of israel
Khi có chuyện, cả đôi bên đều kêu ca tại anh, tại ả, tại cả đôi đường, mà pháp lý thì đôi khi chỉ có một đường, đó là đường tù tội. Và dấu hiệu phạm tội theo luật nó khác những dấu hiệu “mập mờ” ở đời nhiều lắm.
Về luật, chuyện vào phòng với ai đó, không được diễn giải đương nhiên là “tôi muốn lên giường với anh”. Hoặc giả như, vào thời điểm chấp nhận vào phòng riêng với anh, tôi có muốn điều đó nhưng khi vào phòng, trước khi có sự đồng thuận gần gũi cùng nhau, tôi đã đổi ý, không còn sẵn sàng và mong muốn quan hệ cùng anh thì việc anh cố tình dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, hoặc ngay cả không dùng vũ lực để ép đối phương có hành vi tình dục thì đều là hành vi có dấu hiệu của tội “hiếp dâm”.
Tội danh này, Điều 141 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định rằng hiếp dâm là khi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân”.
Như vậy, ở bất kỳ tình huống nào, hoàn cảnh nào, tín hiệu trước đó (nếu có) rõ ràng ra sao thì ngay tại lúc thực hiện hành vi quan hệ tình dục “trái với ý muốn của nạn nhân” cũng đều là hành vi có dấu hiệu tội phạm đối với tội hiếp dâm.
Bởi thế cho nên ai đó bắt nhầm tín hiệu hoặc tín hiệu đã “chuyển sang đèn đỏ” rồi mà vẫn vượt rào thì phạm tội như chơi. Lúc đó, chúng ta không thể nói câu chuyện pháp lý theo kiểu chuyện đời là “tại cô đồng ý vào phòng cùng tôi nghĩa là cô sẵn sàng lên giường với tôi chứ còn gì nữa”, như cách “tư duy” theo kiểu mặc định của không ít đàn ông xứ ta, và cả không ít phụ nữ cũng có suy nghĩ như thế. Vì luật là luật, mà đời là đời. Đời đôi khi lẫn lộn chút không sao, còn luật thì nếu hành vi đã thỏa mãn cấu thành tội phạm là hết đường lùi.
Trước đây, tôi vẫn thường nghe các thầy cô, anh chị trong nghề kể lại câu chuyện về vụ án hiếp dâm nghe qua khá buồn cười mà cái kết thì buồn chứ không cười được. Đó là tình huống nạn nhân bị cưỡng hiếp đã đưa bao cao su cho người thực hiện hành vi hiếp dâm.
Câu chuyện ấy từng được đưa ra mổ xẻ, tranh luận trong rất nhiều nhóm người hành nghề luật. Và dĩ nhiên, không ít người cười cợt và cho rằng việc đưa bao cao su ấy như một tín hiệu gợi ý tình dục từ nạn nhân, bằng chứng cho thấy nạn nhân đồng tình để người nam quan hệ tình dục. Xin thưa, suy luận như thế là sai. Bởi diễn biến câu chuyện và những tình tiết trước đó cho thấy trong tình huống đó, việc quan hệ tình dục là hoàn toàn trái ý muốn của nạn nhân. Tuy nhiên, sau khi chống cự bất thành, nạn nhân bất quá phải chủ động đưa bao cao su cho người thực hiện hành vi hiếp dâm sử dụng nhằm bảo vệ sức khỏe tốt nhất cho mình, tránh để lại hậu quả đau đớn hơn. Và vì việc quan hệ tình dục trong trường hợp này là “hoàn toàn trái với ý muốn của nạn nhân” nên hành vi của anh ta đã cấu thành tội phạm.
Kết quả vụ này, TAND tỉnh B đã tuyên y án sơ thẩm, phạt bị cáo hai năm tù về tội hiếp dâm.
Chúng tôi đề cập đến tình huống pháp lý này nhân câu chuyện lao lý của hai người Việt ở trời Tây, chứ không đề cập hay phân tích đến tình huống pháp lý cụ thể của hai người đó, bởi cho đến nay vẫn chưa có bản án có hiệu lực pháp luật của nước sở tại kết án họ.
Ở đây, chúng ta chỉ bàn vài khía cạnh pháp lý để thấy rằng đôi khi cách hiểu và nhìn nhận sai lầm dễ làm chúng ta vượt rào để rồi đối diện với rủi ro pháp lý. Hãy nhớ rằng dù ai đó có nhìn thấy “tín hiệu” nhấp nháy ở đối phương nhưng mọi thứ nên cẩn thận, rõ ràng để tránh rơi vào vòng lao lý.