Đã có không ít trường hợp bị tai nạn thương tâm do túi sưởi gây ra, bởi vậy việc lựa chọn và sử dụng túi sưởi đúng cách là rất quan trọng.
Trong những ngày giá rét như hiện nay, việc chuẩn bị các thiết bị sưởi ấm trong gia đình là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, việc sử dụng các thiết bị không đúng cách và không an toàn lại vô tình để lại những hậu quả vô cùng đáng tiếc, điển hình như những ngộ độc khí do sưởi ấm bằng than trong thời gian qua.
Không chỉ có những vụ ngạt khí do sưởi ấm bằng than mà ngay cả việc sử dụng những thiết bị hiện đại như túi chườm ấm, đèn sưởi cũng gây tai nạn. Gần đây nhất là vụ nổ túi sưởi gây tai nạn thương tâm tại Nghệ An khiến nhiều người đang sử dụng thiết bị này hoang mang, lo lắng.
Theo đó, vụ tai nạn bục túi sưởi xảy ra ngày 26/1/2016, nạn nhân là một bệnh nhi nữ 17 tháng tuổi tại Hưng Nguyên - Nghệ An, ngay sau khi xảy ra tai nạn, cháu bé đã phải nhập Khoa Chấn Thương - Chỉnh hình - Bỏng (BV Sản- Nhi Nghệ An) điều trị vì bị bỏng chi dưới, mông bẹn và sinh dục.
Hình ảnh bục túi sưởi và nạn nhân vụ tai nạn túi sưởi ở Nghệ An được chia sẻ trên mạng xã hội.
Trước đó, tại Tuyên Quang một bé gái 8 tuổi cũng phải đi cấp cứu tại Viện Bỏng Quốc gia trong tình trạng bỏng nặng mà nguyên nhân do vỡ túi sưởi. Theo các bác sĩ khoa Bỏng trẻ em cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bỏng nặng ở vùng bẹn, mông và bộ phận sinh dục. Bé bị bỏng sâu 3% và sẽ phải phẫu thuật ghép da.
Từ các vụ tai nạn thương tâm trên, các chuyên gia cho biết, bất kỳ thiết bị nào cũng có nguy cơ rủi ro khi sử dụng, đặc biệt là các thiết bị điện. Bởi vậy, việc lựa chọn mua thiết bị của các hãng nổi tiếng, có thương hiệu là vô cùng quan trọng.
Riêng đối với túi sưởi (túi chườm nóng) PGS.TS Nguyễn Khắc Lợi - Viện Khoa học Công nghệ Nhiệt lạnh (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết, túi sưởi là một sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ nổ rất cao nên phải đặc biệt thận trong khi sử dụng.
Khi sạc điện, tốt nhất là để túi thật xa chỗ đứng của trẻ em, phải theo dõi liên tục, khi túi đủ nóng thì người sử dụng nên chủ động ngắt điện, không chờ rơ le tự ngắt. Hơn nữa, túi sưởi có độ bền cơ học không cao, có thể nổ vỡ khi có ngoại lực tác động như người nằm đè lên hoặc trẻ con đùa nghịch chạy nhảy, giẫm đạp.
Một điều đặc biệt quan trọng nữa là người sử dụng phải thường xuyên kiểm tra rơ le nhiệt. Nếu rơ le nhiệt bị hỏng thì khi nạp điện, nhiệt độ tăng túi sưởi sẽ nổ và hậu quả lúc ấy không thể lường trước được.
Đặc biệt, trong trường hợp túi sưởi đã bị rò rỉ tuyệt đối không được sử dụng. Không đổ dung dịch trong túi ra ngoài, không dùng bất cứ dung dịch nào thay thế dung dịch chuyên dùng của túi để tránh xảy ra sự cố nguy hiểm. Để sản phẩm sử dụng được bền lâu, trước khi cắm điện nên để túi vào nơi bằng phẳng, chỗ cắm điện trên mặt túi hướng lên trên, cắm dây vào chỗ cắm điện trên túi trước rồi mới cắm vào ổ điện sau.
Người sử dụng cũng nên lót một chiếc khăn hay miếng vải bên dưới túi để cách nhiệt. Khi cắm điện, đèn báo trên phích cắm báo sáng, nạp đủ nhiệt đèn sẽ tắt. Cũng có thể không cần chờ đèn tắt dùng tay ước lượng độ nóng theo ý muốn. Trong quá trình cắm điện thỉnh thoảng dùng tay lắc nhẹ cho dung dịch trong túi nóng đều và độ nóng cao hơn.
Những lưu ý khi dùng túi sưởi: - Trước khi cắm điện nên để túi vào nơi bằng phẳng, chỗ cắm điện trên mặt túi hướng lên trên. - Khi cắm điện, đèn báo trên phích cắm báo sáng, nạp đủ nhiệt đèn sẽ tắt. Cũng có thể không cần chờ đèn tắt dùng tay ước lượng độ nóng theo ý muốn rồi rút dây điện ra. - Khi cắm điện không được để chỗ cắm điện quay xuống dưới, không sờ tay vào ổ cắm điện, không để gần trẻ em, không sử dụng khi đang cắm điện. - Khoảng cách an toàn khi cắm điện là để cách xa người tối thiểu 2m. - Tuyệt đối không ngồi lên túi tránh gây bục túi dẫn đến bị rò dung dịch, dò điện. Nếu túi đã bị dò rỉ tuyệt đối không được sử dụng. Không đổ dung dịch trong túi ra ngoài, không dùng bất cứ dung dịch nào thay thế dung dịch chuyên dùng của túi để tránh xảy ra sự cố nguy hiểm. |