“Mỗi thí sinh của Siêu trí tuệ Việt đều có một câu chuyện của riêng mình, và những giá trị họ mang lại cho cuộc đời này, ngoài năng lực phi thường thì đó là cảm hứng sống mạnh mẽ”, kỷ lục gia siêu trí nhớ thế giới khẳng định.
Chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam đã lên sóng truyền hình được 7 tập và tạo hiệu ứng tích cực. Ai cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ, thán phục trước các thí sinh tài năng. Nhưng ít ai biết rằng, quá trình tìm kiếm và đưa nhân tài Việt lộ diện không phải chuyện dễ dàng.
Bởi vậy, để có sự thành công ấy phải kể đến một phần vai trò của người đàn ông thầm lặng đứng sau cánh gà, giúp các tài năng Siêu trí tuệ tỏa sáng. Đó là Kỷ lục gia Siêu trí nhớ thế giới Dương Anh Vũ.
Buổi chiều đầu đông, chúng tôi có cơ hội trò chuyện với Dương Anh Vũ để hiểu hơn về quá trình anh tham gia vào chương trình Siêu trí tuệ Việt cũng như những dự định trong tương lai.
- Sau 2 năm vắng bóng trên các mặt báo cũng như truyền hình, Dương Anh Vũ bất ngờ thông báo “trở lại” trong chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam. Lý do gì khiến anh đồng ý tham gia chương trình?
Đúng là tôi có ở ẩn để tập trung nghiên cứu và tham vấn cho một số dự án quan trọng, nhưng không đến mức lên núi lánh xa bụi trần như các bậc tu hành đâu (cười). Nhưng trời không chiều lòng người, tôi chỉ biệt tích được 600 ngày thì ekip sản xuất Siêu trí tuệ Việt Nam lôi về lại Sài Gòn.
Không giấu gì các bạn, khi nghe việc DID TV sẽ mua bản quyền và sản xuất Siêu trí tuệ tại Việt Nam, tôi đã sốc nặng. Bạn cứ nghĩ xem, Siêu trí tuệ là một chương trình thuần trí tuệ, không đơn thuần như những gameshow giải trí mà mọi người thường xem trên các kênh truyền hình của Việt Nam và chưa có bất cứ chương trình trong nước nào có quy mô như thế.
Tôi càng sốc hơn khi nhà sản xuất nói rằng: “Muốn thực một chương trình quy mô bậc nhất thế giới”. Có nghĩa là tương đương với quy mô của anh bạn nhà giàu “Trung Quốc” – quốc gia đã sản xuất được 6 mùa. Họ nói với tôi chỉ sợ Việt Nam không đủ người giỏi để thi! Đó là một nỗi sợ mà tất cả các quốc gia mua bản quyền Siêu trí tuệ đều sợ. Tôi hoàn toàn không sợ vấn đề này, chỉ sợ nước mình chưa đủ năng lực để sản xuất một chương trình quy mô như thế. Ngoài ra yếu tố trung thực cũng là một vấn đề mà tôi lo ngại.
Dương Anh Vũ và thí sinh tham gia chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam.
Khi gặp ban giám đốc của nhà sản xuất, tôi đã nói: “Nếu anh đầu tư sản xuất Siêu trí tuệ thì thực sự anh rất liều…”. Câu nói khiến mọi người cùng cười, và sau đó tất cả rất thẳng thắn với nhau về các vấn đề. Tôi thể hiện nỗi lo về việc chúng ta không có đủ năng lực sản xuất một chương trình lớn, bên nhà sản xuất lo sợ “không biết tìm được đủ người để thi hay không?”. Rồi chúng tôi bắt tay nhau bước vào “sa mạc của những khát vọng” – nơi chỉ có cát, gió, cái nắng thiêu đốt và niềm khao khát cháy bỏng của việc đưa Trí tuệ Việt Nam lên bản đồ thế giới.
- Anh có thể bật mí về vai trò của mình tại Siêu trí tuệ?
Trong Siêu trí tuệ, tôi được mời giữ vị trí “Trưởng ban Cố vấn Khoa học”. Công việc của tôi là tham gia vào tất cả các khâu sản xuất chương trình, từ việc tuyển, kiểm tra và nâng cấp năng lực của thí sinh cho đến xây dựng phần thi, ra đề, cố vấn với các vị trí chuyên gia khoa học, giám khảo. Trong đó, quan trọng nhất là đảm bảo độ chuẩn xác của các phát ngôn khoa học cũng như nội dung học thuật.
- Với vai trò là Trưởng Ban Cố vấn Khoa học, anh gặp khó khăn gì trong việc tạo ra sự mới lạ để chương trình khác với các phiên bản quốc tế (điển hình là Đức – phiên bản gốc và Trung Quốc – phiên bản thành công nhất…)?
Siêu trí tuệ có tên gốc là “The Brain”, lần đầu tiên được sản xuất tại Đức, sau đó được nhiều quốc gia mua bản quyền, sản xuất tại quốc gia của họ và phiên bản tại Trung Quốc được xem là thành công nhất. Nếu Việt Nam mới sản xuất mùa đầu tiên thì Trung Quốc đã làm được 6 mùa. Tôi nghĩ cái khó của người đi sau là phải làm tốt hơn người đi trước, vì người xem sẽ so sánh với các phiên bản với nhau, nên đây chính là điều lo lắng nhất của tôi và ekip.
Hơn nữa với một lịch sử phát triển rực rỡ như vậy, Siêu trí tuệ quốc tế đã có hàng nghìn phần thi khác nhau, chúng tôi gặp khó khăn trong việc sáng tạo ra những phần thi mới cho các thí sinh Việt. Nếu để ý, các bạn sẽ thấy Siêu trí tuệ Việt có 2 dạng đề thi:
- Dạng đề thi do Siêu trí tuệ Việt Nam sáng tạo ra, chưa hề xuất hiện trên thế giới, như: Ma trận Sử học của Phước Vinh; Đại chiến không ảnh của Diệu Linh hay Chân thực ảnh của Tuấn Phi…
- Đề thi theo format quốc tế, là những phần thi từng xuất hiện trên thế giới được xây dựng lại, như: Ma trận số nguyên tố của Huy Hoàng; Tính nhẩm của Gia Hưng…
Tôi nghĩ điểm đáng ghi nhận nhất của Siêu trí tuệ Việt Nam so với các phiên bản khác chính là độ nâng cấp của các phần thi quốc tế. Ví dụ như phần thi Bách khoa Siêu ô chữ của Hà Việt Hoàng là một điển hình, trò chơi này xuất hiện tại Siêu trí tuệ Trung Quốc với tên gọi “Kiểm sách điền từ”, nhưng phần thi này thua xa Bách khoa Siêu ô chữ của Việt Nam ở tất cả mọi khía cạnh.
Những phần thi dựa theo format quốc tế có sẵn, Siêu trí tuệ Việt Nam đều nâng tầm của nó lên một cách đột phá, mà bản thân phiên bản gốc không thể nào bì kịp. Còn những phần thi do chính chúng tôi sáng tạo ra, các bạn có thể thấy được giá trị của nó qua phần trình diễn của các thí sinh.
- Đã có nhiều phiên bản quốc tế cực kỳ thành công, khi Siêu trí tuệ lên sóng khán giả Việt, anh có hồi hộp không?
Trước khi lên sóng, bất cứ ai trong ekip cũng đều hồi hộp, không biết khán giả sẽ đón nhận nó như thế nào… Cảm giác này cũng như việc bạn đang “sinh con” trong bệnh viện, trong lúc bạn tập trung hết sức để cho đứa con ra đời một cách an toàn nhất thì bạn vẫn không thể đẩy lùi được những suy nghĩ tích cực lẫn tiêu cực trong tâm trí mình về số phận của đứa trẻ ấy.
- Hiện Siêu trí tuệ Việt Nam đã đi được hơn nửa chặng đường của Vòng 1 với 7 tập phát sóng, nhận được nhiều sự quan tâm và lời khen của khán giả. Anh và ekip đã cảm thấy hài lòng về sự cố gắng của mình trong suốt thời gian qua?
Đương nhiên là có hài lòng. Sinh ra một đứa con khoẻ mạnh, được mọi người dành nhiều yêu thương chính là niềm hạnh phúc vô cùng lớn của những người làm cha mẹ. Nhưng việc quyết định sinh ra một đứa trẻ, không bao giờ là đơn giản. Đã sinh ra rồi, giờ là việc nuôi dạy nó… Mùa một chưa xong, tôi và mọi người đã phải nghĩ đến mùa 2… mùa một thành công như thế thì mùa 2 chắc chắn phải làm tốt hơn, nếu quyết định tiếp tục sản xuất.
- Trong tập 5 của chương trình, bé Ngô Thế Anh và chàng trai Hà Việt Hoàng đã để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc với khán giả. Anh có thể chia sẻ cảm nhận đôi chút về hai thí sinh “nặng kí” này?
Mỗi thí sinh của Siêu trí tuệ Việt đều có một câu chuyện của riêng mình, và những giá trị họ mang lại cho cuộc đời này, ngoài năng lực phi thường thì đó là cảm hứng sống mạnh mẽ. Hãy tin tôi, chỉ cần các bạn chịu khó lắng nghe và nhìn sâu vào tâm hồn của họ, các bạn sẽ thấy được những ước mơ, sự đồng điệu trong cuộc sống.
Thế Anh, Việt Hoàng hay phần lớn các thí sinh Siêu trí tuệ khác đều khá thân thiết với tôi, vì trong số đó tôi quen biết và tiếp xúc trước khi tham gia Siêu trí tuệ. Điểm chung của những con người tuyệt vời này chính là “hiền”, sống “đẹp” và “chân thành” hết phần của người khác… Tôi cảm giác như phía trong những con người này có rất nhiều “thính” có thể thu hút sự chú ý và yêu thương của cộng đồng (cười).
Là người xây dựng và ra đề cho phần thi của Thế Anh trên chương trình, tôi khẳng định với các bạn rằng, phần thi này vẫn chưa thể hiện được hết năng lực của cháu hiện có. Thế Anh tài năng hơn nhiều những gì các bạn thấy trên truyền hình.
Điều mà các bạn thấy ở Hà Việt Hoàng chính là tài năng, tôi cũng thấy điều đó… nhưng tôi nghĩ ít người biết rằng chàng trai này sống rất chân thành. Tôi đánh giá cao thái độ của bạn ấy khi đối diện với cuộc sống.
- Nhiều người luôn nghĩ các chương trình truyền hình đều có sự sắp xếp để gay cấn, thu hút khán giả hơn. Với vai trò Trưởng Ban cố vấn khoa học – một mắt xích quan trọng của chương trình, theo anh khi Siêu trí tuệ lên sóng đạt được bao nhiêu % so với thời điểm ghi hình?
Tôi là một người làm khoa học thuần tuý, khi đã làm khoa học thì “sự thật” và “tính chuẩn xác” là những thứ được ưu tiên số 1. Siêu trí tuệ là gameshow đầu tiên tôi cộng tác ở vị trí “Trưởng ban Cố vấn Khoa học”, nói thẳng ra tôi đến với chương trình là để làm khoa học, chứ không phải để làm truyền hình. Nên góc nhìn của tôi như một “giám sát” về học thuật, tôi tham gia ở tất cả các khâu liên quan đến tính bảo mật như tạo phần thi hay ra đề… tính đến nay tôi vẫn chưa thấy vấn đề gì liên quan đến sự sắp xếp.
Tôi gần như túc trực trong sân khấu suốt quá trình ghi hình, và các bạn biết đó, cảm xúc của các bạn xem truyền hình chỉ bằng 80% ngoài sân khấu thôi… vì không khí thực tế ngoài sân khấu máu lửa hơn, chân thật hơn rất nhiều.
- Chương trình phải tổng hợp rất nhiều dữ liệu cho thí sinh. Vậy việc tổng hợp hay nghiên cứu từng lĩnh vực phù hợp với thế mạnh của thí sinh trải qua quá trình như thế nào?
Đây là một trong những phần quan trọng và mất thời gian nhất khi thực hiện chương trình. Chúng tôi hay cười cợt khái niệm “làm đúng quy trình”, nhưng các bạn biết không, trong khâu khai thác năng lực thí sinh để cho ra đề phù hợp nó là một quy trình khép kín mà bất cứ công đoạn nào bị bỏ qua đều có khả năng làm phá sản quy trình. Đặc biệt là những đề đòi hỏi lượng kiến thức mang tính học thuật lớn như: Ma trận sử học, Bách khoa siêu ô chữ, Địa cầu siêu không gian, Ma trận số nguyên tố… ekip cố vấn của tôi phải làm việc liên tục với cường độ cao mới đảm bảo kịp với tiến độ.
Nội dung đề, khung đề sẽ được giữ bảo mật cho đến lúc thi, không ai được biết nội dung các thí sinh sẽ thi là gì, kể cả tôi, vì 90% nội dung thi là được giám khảo, khán giả hay các chuyên gia được mời đến trường quay cho… Chứ ban cố vấn chỉ xây dựng khung đề thôi.
- Toàn tâm toàn ý với Siêu trí tuệ Việt, anh sắp xếp thời gian ra sao để cân bằng được công việc hàng ngày cũng như cuộc sống gia đình?
Khi nhận dự án Siêu trí tuệ, mọi kế hoạch của tôi trong năm 2019 bị đảo lộn hoàn toàn, nhiều dự án tôi nhận trước đó bị chững lại. Siêu trí tuệ ngốn hơn 80% thời gian của tôi, hãy tưởng tượng thế này: Ngày vợ tôi sinh đứa con đầu lòng tại bệnh viện, tôi đang ở ngoài trường quay. Khi con chào đời, cô ấy đã nhắn tin cho tôi: “Chúc mừng chồng, anh đã trở thành bố rồi đó”… đọc tin nhắn mà nước mắt tôi chảy, cảm thấy thương vợ mình kinh khủng.
- Sau 4 kỷ lục thế giới về trí nhớ học thuật, trong tương lai, anh có dự định xác lập thêm kỷ lục thế giới nào nữa hay không?
Các bạn hỏi tôi về tương lai? Tương lai của tôi là hoàn thành chương trình Tiến sĩ tại Anh, hoàn thành xong các dự án nghiên cứu về giáo dục cho IIEP – UNESCO, tiếp tục hỗ trợ phân tích dữ liệu toàn cầu cho các tổ chức và đương nhiên là sẽ xác lập thêm kỷ lục thế giới.
Xin chân thành cảm ơn và chúc Dương Anh Vũ sớm xác lập thêm những kỷ lục thế giới!