Trong một lần trò chuyện với hàng xóm về việc đường ống nước trong nhà bị hỏng, cặp vợ chồng phát hiện sự thật về ngôi nhà mình đã mua 2 năm trước đó.
Đầu năm 2019, một cặp vợ chồng sinh năm 1985 ở Thượng Hải, Trung Quốc quyết định mua một căn hộ rộng hơn 80m2 ở ngoại ô với giá 1,05 triệu nhân dân tệ (3,6 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại). Họ mong muốn có được môi trường sống tốt sau khi bố mẹ nghỉ hưu. Không ngờ 2 năm sau, trong một lần hệ thống nước ở nhà bị rò rỉ, họ bàng hoàng khi nghe người hàng xóm tiết lộ sự thật về ngôi nhà của mình.
Thì ra trước đó, có một cặp vợ chồng trung niên tái hôn đã thuê trọ ở đây. Hai người họ cùng con riêng chung sống với nhau nhưng không được bao lâu thì nảy sinh mâu thuẫn gay gắt vì vấn đề tài chính. Ngày 9/2/2019, trong dịp Tết Nguyên Đán, hai vợ chồng đã xảy ra cãi vã. Trong quá trình xô xát, người chồng họ Trương đã dùng dao đâm vợ là bà Tôn đến chết rồi bỏ chạy.
Cảnh sát sau đó đã đưa bà Tôn đến bệnh viện nhưng bà Tôn không thể qua khỏi, đã tử vong. Chồng bà, người đàn ông họ Trương đã bị bắt sau đó và chịu hình phạt thích đáng.
Sau khi sự việc xảy ra, hai mẹ con chủ nhà lúc đó đã dọn dẹp nhà cửa rồi rao bán. Một cặp vợ chồng trẻ sống ở thành phố tình cờ thấy nơi đây thích hợp cho bố mẹ sống sau khi nghỉ hưu nên đã nhanh chóng chốt căn nhà với giá 1,05 triệu nhân dân tệ thông qua một công ty môi giới nhà đất.
2 năm sau khi mua nhà, họ mới biết sự thật về vụ án từng xảy ra tại đây. Đôi vợ chồng trẻ tin rằng ngôi nhà như vậy là "ngôi nhà ma ám", quyết định kiện người bán ra tòa vì đã che giấu thông tin.
Với tư cách là nguyên đơn, cặp vợ chồng trẻ yêu cầu hủy hợp đồng mua nhà ban đầu và hoàn lại tiền nhà, đồng thời yêu cầu bị đơn bồi thường chi phí làm nội thất, thuế, thiệt hại về tinh thần…. Tuy nhiên, phía bị đơn không đồng tình với yêu cầu của nguyên đơn, cho rằng bản thân đã nói với nguyên đơn về vụ xô xát kia và người phụ nữ đã chết sau khi được đưa đến bệnh viện. Phía bị đơn cho rằng bà Tôn năm đó đã chết ở khu vực bên ngoài ngôi nhà nên ngôi nhà này hoàn toàn không thể gọi là "ngôi nhà ma ám".
Tòa án cho rằng "ngôi nhà ma ám" là một quan niệm dân gian, không phải là một khái niệm pháp lý. Tòa án làm rõ trọng tâm tranh chấp trong vụ án chủ yếu là nguyên đơn có quyền hủy bỏ “Hợp đồng mua bán bất động sản” hay không. Tuy nhiên, điều này không được xác định bằng việc ngôi nhà có phải là "ngôi nhà ma ám" hay không mà bằng việc người bán (tức là bị đơn) có tiết lộ thông tin về nhà cho nguyên đơn hay không.
Nguyên đơn khẳng định không hề được thông báo nào nhưng bị đơn lại cho rằng lúc đó đã thông báo bằng miệng. Hai bên tiếp tục tranh cãi nhưng không bên nào có bằng chứng mạnh mẽ để chứng minh cho tuyên bố của mình.
Thẩm phán đã xem xét đầy đủ lợi ích tương ứng của cả hai bên và tổ chức hòa giải. Cuối cùng, cả nguyên đơn và bị đơn đều chấp nhận lùi lại một bước và làm hòa. Theo đó, hai bên không chấm dứt hợp đồng ban đầu mà bị đơn trả cho nguyên đơn 230.000 nhân dân tệ (790 triệu đồng). Công ty trung gian là bên thứ ba cũng hoàn trả phí trung gian ban đầu vì tuy bên trung gian không phải là bị đơn nhưng dịch vụ cung cấp có những sai sót nhất định.