Chị Hoàng Thị Yến quê Bắc Giang lên Hà Nội lập nghiệp đã hơn 10 năm nay. Sau thời gian lăn lộn, chị đã có nhà cửa đàng hoàng, chị Yến muốn đón mẹ lên ở cùng. Tuy nhiên, chị không ngờ mẹ chị đã “hóa điên” vì ở cùng vợ chồng và con cái chị.
Chị Hoàng Thị Yến học Học viện Ngân hàng, ra trường chị nhanh chóng xin được một công việc tại ngân hàng thương mại. Điều chị đau đáu nhất đó là đón mẹ lên thủ đô sống cùng mình.
Mẹ chị Yến trước đây là thanh niên xung phong. Qua tuổi tứ tuần bà mới sinh được chị Yến, nên khi chị Yến lập gia đình, mẹ chị đã sang tuổi 70. Mẹ chị ở một mình nên lúc nào chị cũng lo lắng. Bởi trước đây, chị được sinh ra bà coi chị là đứa con cầu tự nên nhất mực thương yêu.
Hiểu được suy nghĩ của vợ, nên chồng chị Yến cũng sốt sắng bàn với vợ cùng nhau về quê đưa mẹ lên ở cùng. Tuy nhiên, cái vướng khác là chị Yến sinh vừa sinh con đầu lòng và vẫn ở cùng bố mẹ chồng, nên việc đưa mẹ xuống ở cùng khiến mẹ chị Yến ngại và cũng "khó" cho cả vợ chồng chị.
Những lời nói của con cái đôi khi như xát muối vào lòng cha mẹ. Ảnh minh họa.
Từ ước muốn báo hiếu mẹ già
Tuy nhiên, do thương mẹ nên không quản cảnh vất vả nuôi con nhỏ, vợ chồng chị tháng nào cũng đi về thăm mẹ. Thấy con cái đi về khổ sở, nhất là những ngày mưa gió nên mẹ chị Yếnđành đồng ý lên sống cùng con.
Lúc này, vợ chồng chị Yến dành hết tiền tích cóp và vay thêm vợ chồng chị xin phép bố mẹ chồng mua mảnh đất ở Long Biên (Hà Nội) rồi xây nhà ra ở riêng.
Lúc này mẹ chị xuống vừa gần gũi con cái chăm nom, vừa trông nhà giúp vợ chồng chị khiến chị Yến rất vui. Tuy nhiên, chị Yến lại không ngờ rằng cảnh người già cô đơn ở phố khiến mẹ chị bức bí, còn vợ chồng chị lại phát sinh lục đục từ đây.
Các con chị Yến đi học từ sáng sớm tới tối về, cháu lớn hết học chính tới học thêm; cháu nhỏ chị sinh khi mới mua nhà nay cũng gần được tuổi rưỡi, nhưng bà ngoại không thể trông nom nên cũng được mang đi gửi trẻ.
Vợ chồng chị cũng đầu tắt mặt tối với công việc nên cũng có phần "chểnh mảng" hơn trong việc nói chuyện với bà cụ. Do vậy, mẹ chị Yến chỉ ở nhà lủi thủi một mình do không quen biết ai, vì chị Yến cũng là hàng xóm mới ở đây.
Chị bảo với chồng cho bé thứ hai ở nhà với bà ngoại, 3 tuổi mới cho đi học. Chồng chị Yến không đồng ý vì muốn bé đi học sớm để các cô dạy bé, bởi ở nhà bà ngoại đã yếu và cũng không dạy được gì. Chị Yến lại đành nói khéo để bà không buồn và thông cảm cho vợ chồng chị. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, cuộc sống mẹ con chưa vui vẻ được được bao lâu thì bắt đầu sinh ra mâu thuẫn.
Mẹ chị thương con cháu nhưng bà sống ở quê lâu nên có tính tiết kiệm. Thấy cái gì hàng xóm bỏ đi bà cũng tiếc, nên thấy thứ gì họ vứt đi có thể tái sử dụng hoặc bán được là bà cũng lấy mang về tích vào góc nhà để bán đồng nát. Chồng chị Yến ban đầu không để ý, xong rồi anh bắt đầu cằn nhằn vì nhà như cửa hàng đồng nát.
Chị Yến cũng chẳng biết nói sao vì đó là tính mẹ. Ban đầu chị không nói gì mà lựa lời nhắc chồng. Nhưng cuộc sống căng thẳng, áp lực công việc, con cái, chồng cằn nhằn khiến chị Yến quay sang trút lên cả mẹ già. Có lúc, bà chỉ sắp xếp lại cái tủ bếp, vài lọ gia vị để vị trí khác đi nhưng chị không tìm thấy nên cũng cáu tìm loạn lên.
Mệt mỏi với công việc cơ quan, áp lực với con nhỏ đang trong giai đoạn quấy phá và hội chứng đãng trí sau sinh cũng khiến chị bực dọc với cả chính mình. Có lần cũng vì chuyện cái tủ bếp mà chị lại lớn tiếng “lần sau tốt nhất mẹ đừng chạm vào cái gì”. Chị không biết rằng, những câu nói của mình khiến mẹ chị buồn giấu đi dòng nước mắt khi lủi thủi về phòng mình.
Nhưng báo hiếu lại trở thành... "báo hại"
Càng ngày mẹ chị Yến càng lủi thủi một mình. Buổi trưa, con cháu đi làm đi học cả, bà lại ở nhà ăn tạm bát cơm nguội cho qua bữa. Sợ con cái không ưng ý, bà cũng chẳng dám động tay, động chân vào cái gì.
Có lần thấy phòng con lộn xộn, bà dọn dẹp làm lẫn giấy tờ của các con. Con gái, con rể tìm loạn lên rồi quay ra quát tháo nhau. Con rể bà kêu trời dù biết người sắp xếp lại chính là bà cụ.
Sống ở phố không có việc gì làm, người trò chuyện cũng không. Mẹ chị Yến sinh ra trầm cảm, lặng lẽ và dần dà không nói năng gì. Trong khi đó, chị Yến sợ bị hàng xóm ở quê dị nghị, chê cười nên cũng cố giữ mẹ ở phố cùng với mình mỗi khi bà đòi lại về quê. Chị Yên cũng quá bận bịu, không nhận thấy sự thay đổi của mẹ mình.
Đến một ngày, về nhà không thấy mẹ đâu. Chị Yến mới tá hỏa đi tìm nhưng cũng không tìm thấy. Chị ào về quê tìm ở khắp nơi cũng không thấy mẹ. Sau đó chị Yến đăng ảnh lên mạng xã hội và nhờ công an tìm thì thấy được bà cụ đang lang thang ở tận Bắc Ninh.
Tìm được mẹ, chị Yến mới biết mẹ bị bệnh ảo thanh hoang tưởng đã nặng mà lâu nay chị đã không biết. Trong lần bà cụ đi lạc, cụ kể cứ đi không phân định rõ chỗ nào vì trong đầu có âm thanh mách bảo, phải bỏ đi nếu ở nhà sẽ có người giết. Sợ mang tiếng đưa mẹ vào viện tâm thần, chị Yến đành phải đi tìm chuyên gia chữa bệnh cho mẹ.
TS Tô Thanh Phương – Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần trung ương cho biết, khi chị Yến đưa mẹ tìm tới ông thì bệnh của bà cụ đã quá nặng. Lúc nào trong tai bà cụ cũng có ảo thanh. Bệnh trầm cảm của bệnh nhân này đã được bác sĩ Phương chữa gần 4 tháng mới chấm dứt.
Bác sĩ Phương cho biết, ông cũng phải tư vấn cho chị Yến hiểu hơn về tâm lý người già, nói về sai lầm của chị khi đưa mẹ ở quê ra phố nhưng lại biến ngôi nhà thành "nhà tù của người già".
"Đây cũng là câu chuyện đau lòng để nhiều người con muốn chăm sóc, báo hiếu bố mẹ già cần lưu ý. Tránh vội vàng báo hiếu không đúng cách bằng việc đưa người già ở quê ra phố nhưng không có sự chuẩn bị tâm lý cho các cụ cũng như có cách hành xử thích hợp", TS Tô Thanh Phương nhắn nhủ.