Đến năm 2065, số “người chết” trên Facebook sẽ bằng số người sống đang sử dụng tài khoản.
Theo báo cáo của Facebook, tính đến năm 2015, mạng xã hội này đã có 1,5 tỉ tài khoản trên khắp thế giới cũng như có 846 triệu người dùng Facebook hằng ngày. Tại Việt Nam, số lượng người truy cập thường xuyên (ít nhất một lần/tháng) đã tăng từ 10,2 triệu người (2012) lên 30 triệu người (2015). Tuy nhiên, trong tổng số tài khoản khổng lồ ấy có hàng triệu chủ tài khoản đã qua đời.
Người chết sắp “đuổi kịp” người sống
Theo WebpageFX, một công ty thiết kế và phát triển giải pháp mạng, chỉ trong tám năm đầu của Facebook đã có 30 triệu chủ tài khoản qua đời. Tại Mỹ, con số này tăng từ khoảng 386.000 người (2010) lên 972.000 người (dự kiến 2016). Tại Việt Nam, xét theo tỉ suất tử 0,6% (2015 - số liệu từ CIA) đồng nghĩa với khả năng đã có khoảng 180.000 người dùng Facebook qua đời chỉ trong năm 2015. Cùng với những số liệu đã cung cấp, câu hỏi được đặt ra là phải chăng Facebook sẽ trở thành nghĩa trang lớn nhất thế giới?
Người chết đang dần đuổi kịp người sống trên mạng xã hội này và biến nó thành nghĩa trang lớn nhất lịch sử loài người khi số lượng trang tưởng niệm vượt qua số lượng thành viên còn sống. Hachem Sadikki, nghiên cứu sinh về ngành thống kê tại ĐH Massachusetts, đã kết hợp với Fusion, một trang mạng dành cho giới trẻ, tiến hành nghiên cứu và kết luận rằng đến năm 2098, Facebook sẽ do “người chết” thống trị. Đấy là trong trường hợp tất cả người chết đều lựa chọn biến trang cá nhân thành trang tưởng niệm.
Trước đó, vào năm 2013, trong một thống kê về chủ đề tương tự của WebpageFX được thực hiện bởi Randall Munroe, cựu nhân viên của NASA, kết luận cho kết quả nếu Facebook ngừng tăng trưởng, năm người chết đuổi kịp với người sống trên mạng xã hội này sẽ là năm 2065. Trong trường hợp Facebook vẫn tăng trưởng, con số này sẽ là năm 2130.
Người chết sẽ không bị xóa tài khoản Facebook
Nguyên nhân chính cho hiện tượng này xuất phát từ sự thay đổi trong chính sách của Facebook. Vào năm 2007, sau khi được báo tử thông qua Facebook Help Center, tài khoản Facebook sẽ được xóa trong 30 ngày. Trong 30 ngày này bạn bè và người thân vẫn có thể đăng bài, hình ảnh,… lên trang cá nhân của người chết. Đây có thể xem là phiên bản đầu tiên của trang tưởng niệm.
Tuy nhiên, chính sách này nhanh chóng bị thay đổi, tức không xóa tài khoản của người đã mất sau khi các sinh viên ĐH Công nghệ Virginia lập chiến dịch kêu gọi không xóa tài khoản những sinh viên đã qua đời trong vụ xả súng cùng thời điểm. Kể từ đó Facebook nhận được rất nhiều yêu cầu tương tự. Vannessa Callison-Burch, quản lý sản phẩm của Facebook, phát biểu: “Chúng tôi nghe từ gia đình của các thành viên, những người mong muốn đăng tin cáo phó hoặc tải về hình ảnh người thân để lưu trữ. Và chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi có thể làm nhiều hơn thế”.
Nhà tỉ phú trẻ Mark Zuckerberg đứng trước bài toán quy hoạch một “nghĩa trang” cho các tài khoản của người đã khuất. Ảnh: FORBES
Đến tháng 2-2015, mạng xã hội lớn nhất hành tinh cung cấp cho người dùng hai lựa chọn “di chúc”: Biến trang cá nhân thành trang tưởng niệm hoặc xóa nó đi. Theo đó, trang tưởng nhớ sẽ chẳng khác nhiều so với trang cá nhân thông thường. Điểm khác biệt chính là “từ “tưởng nhớ” sẽ được hiển thị bên cạnh tên của người đó trên trang cá nhân của họ” cũng như không ai có quyền đăng nhập vào tài khoản nếu không phải là địa chỉ liên hệ kế thừa.
Trước đây, trong đa phần trường hợp, trang cá nhân của người chết sẽ trở thành tài khoản “ma” do “di chúc” chưa được lập. Bi kịch trong tình huống này xảy ra khi hằng năm đến sinh nhật của người mất, Facebook vẫn sẽ nhắc nhở những cá nhân trong danh sách bạn bè của họ. Cách duy nhất để xóa những tài khoản “ma” này là một người dùng khác phải biết mật khẩu, đăng nhập và xóa tài khoản; hoặc phải chứng minh được quan hệ thân nhân trực hệ với người dùng đã mất. Vào tháng 6-2015, một cặp vợ chồng tại Mỹ đã đâm đơn kiện Facebook để được cấp phép đăng nhập vào tài khoản của người con trai 23 tuổi vừa mới tự sát của họ.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của các dịch vụ mạng (đã phát triển hơn 59 trang web) cho phép người dùng lên kế hoạch cho “cái chết ảo” của bản thân, tức người dùng lựa chọn biến trang cá nhân thành trang tưởng niệm cũng như người chịu trách nhiệm quản lý (chỉ được thông báo sau khi chủ nhân qua đời) đã dần biến Facebook trở thành nghĩa trang “ảo” đúng nghĩa đầu tiên.
Tại đây, các cá nhân vẫn có thể tương tác trên trang tưởng niệm như đăng bài viết, kết bạn với sự hỗ trợ của người sở hữu địa chỉ liên hệ kế thừa. Đặc biệt trong nhiều tình huống, bạn bè và người thân của người chết không sinh sống gần nhau hoặc lễ tưởng niệm không được diễn ra, Facebook trở thành nơi kết nối, giúp họ cùng tưởng niệm, chia sẻ những hồi ức về người bạn/người thân/người yêu đã không còn, ví như trường hợp của Anthony Dowdell.
Sau khi anh tự sát và gia đình anh từ chối thực hiện lễ tưởng niệm, một người bạn của anh đã đăng trên trang cá nhân của anh thông báo về sự ra đi đột ngột này. Bài viết đã được chuyển đến hơn 600 người bạn khác của anh trên khắp thế giới. Sau đó họ, những con người có thể hoàn toàn không biết nhau, cùng chia sẻ kỷ niệm, hình ảnh về anh cho đến tận bốn tháng sau đó.
Viễn cảnh cho “suối vàng” trên Facebook
Theo quy cách truyền thống, tin tức về người chết sẽ được thông báo thông qua thư từ, truyền miệng hoặc điện thoại. Và sau đó mọi người sẽ cùng tụ họp tại nơi ở của người mất để cùng tưởng nhớ người đã khuất. Hàng ngàn người đã tụ tập trước điện Westminister để cùng nhau đưa tiễn công nương Diana vào năm 1997. Tuy nhiên, ngày nay thay vì nơi cư trú của nhân vật, công chúng đăng bài chia buồn trên trang cá nhân và kết nối với tên tài khoản Facebook người đã khuất, như trường hợp của nhà văn Harper Lee, Umberto Eco hay ca sĩ David Bowie,… Từ tin buồn trên báo giấy hoặc truyền hình, họ trở thành xu hướng trên Facebook. Selina Ellis-Gray, nhà nghiên cứu thuộc ĐH Lancaster, nhận định: “Tôi nghĩ chúng ta đã thay đổi mục đích sử dụng của truyền thông cũng như ngược lại trong việc tưởng niệm người mất cũng như nghĩa vụ của chúng ta đối với họ”.
Quay lại hai kết quả nghiên cứu đã được giới thiệu, rõ ràng chỉ trong hai năm hai nghiên cứu đã cho ra kết quả khác nhau. Cố nhiên việc dựa trên những giả định biến thiên sẽ khó có thể mang đến những dự đoán chính xác. Tuy nhiên, cả hai đều hoàn toàn có cơ sở để tiên đoán xu hướng Facebook dần trở thành nghĩa trang lớn nhất thế giới loài người trong vòng vài thập niên tới.
Trong khi đó, với “kế hoạch thập niên”, nhà sáng lập Mark Zuckerberg đã nhấn mạnh về việc “duy trì phục vụ cộng đồng hiện tại” cũng như “đầu tư cho tương lai”. “Duy trì cộng đồng hiện tại” đồng nghĩa với việc hình ảnh người đã khuất không bị thời gian xóa nhòa. Thế nhưng khó có thể hiểu rằng tương lai mà nhà tỉ phú trẻ tuổi nói đến lại lấy việc duy trì sự hiện diện của người đã khuất làm cốt lõi. Thế nên phải chăng đã đến lúc Facebook cần điều chỉnh chính sách và “quy hoạch” một khu nghĩa trang dành cho người dùng quá cố?
Câu hỏi này rồi sẽ sớm được Facebook trả lời bằng những chính sách cụ thể. Tuy nhiên, cũng có thể Facebook sẽ giữ nguyên quy định hiện tại nhưng cung cấp thêm nhiều tính năng cho trang tưởng niệm để hỗ trợ tốt hơn cho gia đình, bạn bè của người quá cố.
Đối với những mạng xã hội khác, khi chủ nhân qua đời thông thường các tài khoản cũng sẽ được xóa sau một khoảng thời gian nhất định. Twitter sẽ xóa tài khoản trong sáu tháng, trong khi đối với Google là chín tháng.
Không có… quảng cáo trên “nghĩa địa” Facebook
Về cơ bản, trang tưởng niệm sẽ không khác gì với các trang thông thường, trừ việc thông báo ngày sinh sẽ không xuất hiện cũng như các trang này sẽ không bị ảnh hưởng bởi… quảng cáo. Jed Brubake, nghiên cứu sinh tin học tại ĐH California-Irvine, đồng thời là học giả hàng đầu trong lĩnh vực nhân dạng ảo, nhận định: “Thế hệ Facebook hiện nay có nhiều trải nghiệm với người chết hơn bất kỳ thế hệ nào trước đó. Bởi vì tất cả người bạn quen biết, những người chúng ta dần lãng quên sẽ vẫn tồn tại ở đó và rồi một ngày khi bạn vô tình vào những trang này và nhớ ra họ đã mất”