Thay vì kinh tế (GDP) tăng trưởng theo mục tiêu đề ra 5,5%, nhiều khả năng tăng trưởng GDP cả năm 2013 chỉ ở mức 5,3%.
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) vừa đưa ra nhận định trên về tình hình kinh tế năm nay.
GDP chỉ tăng 5,3%
Theo nhận định của UBGSTCQG, từ đầu năm đến nay, tăng trưởng kinh tế và sản xuất được cải thiện nhưng còn nhiều thách thức. Biểu hiện là sản xuất công nghiệp tăng dần qua các tháng và số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động tăng dần (mặc dù vốn thành lập giảm).
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Chứng minh cho điều này là chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm đạt 5,3% tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (6,5%). Chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất liên tiếp 3 tháng gần đây dưới ngưỡng 50 (ngưỡng mở rộng sản xuất), nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị vật tư cho hoạt động sản xuất rất yếu khi chỉ số nhập siêu/xuất khẩu đạt thấp, khoảng 0,7% so với nhiều năm trở lại đây và lượng xăng dầu nhập khẩu giảm 25.3%.
Trong khi đó, sản xuất nông lâm thủy sản đạt thấp nhất trong vòng 10 năm qua. 6 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 2,4%. Trong đó, ngành nông nghiệp cũng có mức độ sụt giảm đáng kể từ mức từ 3,9% năm 2011 xuống 2,28% năm 2012 và 1,89% trong 6 tháng đầu năm 2013; ngành thủy sản sụt giảm liên tiếp từ 4,33% trong năm 2011 xuống 2,34% trong quý II/2013.
Với tình hình trên, UBGSTCQG nhận định việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2013 là một thách thức lớn và nhiều khả năng tăng trưởng GDP cả năm 2013 chỉ ở mức 5,3%.
Lạm phát cả năm khoảng 5%
UBGSTCQG cho rằng nếu không có những thay đổi về giá các mặt hàng cơ bản thì nhiều khả năng lạm phát cả năm 2013 sẽ vào khoảng 5%.
Cụ thể, theo phân tích của UBGSTCQG, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng tăng 3,53% so với đầu năm, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp so với các năm trước. Tính toán bóc tách thành phần mùa vụ cho thấy việc điều chỉnh giá hàng hóa cơ bản và dịch vụ, tỷ giá và dịch vụ công (y tế, giáo dục) là nhân tố chính chi phối lạm phát của năm nay. Cụ thể, trong tháng 8, lạm phát so với cùng kỳ ở mức khá cao so với các tháng trước với 7.5% nhưng lạm phát loại trừ yếu tố mùa vụ (xăng dầu, điện, dịch vụ công) chỉ ở mức 3,43%.
Cũng theo UBGSTCQG, cán cân thanh toán tổng thể tiếp tục thặng dư và dự báo trong năm 2013 thặng dư 1,5-2 tỷ USD.
Ngành nông nghiệp tăng trưởng chậm nhất trong 10 năm qua (Ảnh: Dân việt)
Tuy nhiên, mức thặng dư cán cân thanh toán giảm nhiều so với 2012 khi mức thặng dư 5 tháng đầu năm là 1,5 tỷ USD, giảm 79% so với cùng kỳ; cán cân vốn thặng dư 2,56 tỷ USD, giảm 37% so cùng kỳ năm 2012.
Xuất khẩu tăng khá nhưng chủ yếu do đóng góp của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp. Xuất khẩu 8 tháng tăng 14,7% nhưng khu vực trong nước chỉ tăng 3,1%. Tương tự, nhập khẩu tăng 14,9%, khu vực trong nước chỉ tăng 4%.
Điểm đáng mừng là thị trường tài chính tiền tệ được cải thiện, góp phần ổn định hơn kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng cung ứng vốn của nền kinh tế. Cụ thể, thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện; tỷ giá ổn định; chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng và các công ty chứng khoán chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng các hạng mục rủi ro cao và tăng tỷ trọng các hạng mục rủi ro thấp; quỹ dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng được tăng cường.
Như vậy, nếu không có những thay đổi về giá các mặt hàng cơ bản thì nhiều khả năng lạm phát cả năm 2013 sẽ vào khoảng 5%, cao hơn so với mức tương ứng 4.3% của năm 2012. Do đó, để đạt mục tiêu CPI cả năm không vượt quá mức 7%, công tác điều hành giá cả trong những tháng cuối năm sẽ có tính quyết định. Việc
điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản và dịch vụ công cần có sự điều phối thống nhất, có bước đi và lộ trình thích hợp, UBGSTCQG nhận định.
Tăng trưởng kinh tế 2014 khoảng 5,6% - 5,8% Trên cơ sở tính toán mức tăng sản lượng tiềm năng vào thời điểm hiện tại là khoảng 5,3%, với những nhận định về thuận lợi và khó khăn trên và với giả định tăng trưởng 5,3% và lạm phát 7% trong năm 2013, UBGSTC dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2014 sẽ vào khoảng 5,6% - 5,8%. Trong đó, những yếu tố thuận lợi, hỗ trợ phát triển kinh tế là đầu tư nước ngoài gia tăng do kinh tế thế giới tăng trưởng tốt hơn trong năm tới; khả năng thu hút đầu tư cao hơn với triển vọng Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương được kí kết trong năm 2015. Đầu tư tư nhân trong nước cũng sẽ cải thiện nhờ những giải pháp chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh đã triển khai trong thời gian qua sẽ phát huy tác dụng trong năm tới và những biện pháp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu giúp hệ thống tài chính cải thiện và nâng cao khả năng cấp tín dụng. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá từ những dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, còn nhiều thách thức do kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều rủi ro như vấn đề nợ công ở châu Âu hay suy giảm tăng trưởng ở Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước vẫn còn khó khăn, nhất là khu vực nông nghiệp. Việc cân đối ngân sách nhà nước tiếp tục khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng bố trí vốn đầu tư phát triển (30% GDP), trong khi tăng trưởng kinh tế trong 2014 vẫn chủ yếu dựa vào vốn đầu tư do chưa cải thiện được nhiều năng suất và hiệu quả. |