Tưởng rằng khi sữa được nằm trong diện quản lý giá của Bộ Tài chính thì sẽ ổn định hơn, nhưng hy vọng đó của người tiêu dùng liên tiếp bị dội những gáo nước lạnh khi giá sữa thi nhau nhảy múa.
Có những doanh nghiệp tự ý tăng giá sữa khi chưa đăng ký giá và chưa có sự đồng ý của cơ quan quản lý về giá.
Doanh nghiệp coi thường nhà quản lý
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, từ tháng 12/2013 đến thời điểm hiện tại đã có 2/6 công ty thuộc diện phải đăng ký giá gửi hồ sơ kê khai điều chỉnh tăng giá về Bộ Tài chính với mức tăng từ 5-10%, trong đó có 1 công ty gửi hồ sơ kê khai giá đề nghị điều chỉnh tăng giá 11/27 mặt hàng với mức tăng từ 5-9%.
Ví dụ, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam) kê khai giá điều chỉnh mức giá bán của 16/28 dòng sản phẩm, các mức tăng phổ biến 5-7%. Nguyên nhân tăng giá của Mead Johnson Nutrition là do giá nhập khẩu vào Việt Nam tăng từ ngày 1/8/2013, mức tăng từ 12,6-12,8%. Vì vậy, công ty điều chỉnh giá bán ra thị trường. Trong 16 sản phẩm mà doanh nghiệp này thực hiện điều chỉnh tăng giá có 3 sản phẩm được điều chỉnh tăng giá lần thứ 2 trong năm 2013 với mức tăng là 10%. Có 13 sản phẩm ổn định giá từ giữa năm 2012, nay mới điều chỉnh.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, giá sữa tăng vào thời điểm đầu năm, sau đó sẽ ổn định. Cục Quản lý giá sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, nếu có diễn biến xấu sẽ đề xuất các biện pháp, bình ổn giá theo quy định của Luật Giá. Đồng thời, cũng đang đề nghị Bộ Công Thương và các đơn vị có liên quan phối hợp theo dõi diễn biến thị trường để có biện pháp phù hợp.
Cũng theo ông Tuấn, trong công tác quản lý giá, quan trọng nhất là theo dõi diễn biến yếu tố đầu vào. “Chúng ta điều hành theo quy luật của thị trường, có điều tiết của Nhà nước, nhưng không hành chính hóa trong điều hành giá sữa”(?!), ông Tuấn nói.
Hiện Cục Quản lý giá đề nghị các công ty giải thích rõ nguyên nhân điều chỉnh giá. Trường hợp nguyên nhân tăng giá không hợp lý, không có cơ sở hoặc không chứng minh nguyên nhân điều chỉnh giá do biến động của yếu tố đầu vào thì cơ quan quản lý sẽ yêu cầu doanh nghiệp không điều chỉnh giá.
Giá sữa không ngừng tăng từ sau Tết Nguyên đán 2014. Ảnh: H.Phương.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, bản thân ông cũng rất bức xúc, khi các doanh nghiệp cứ kê khai cho lấy lệ rồi tự ý tăng giá. “Với góc độ cá nhân, tôi thấy thái độ của doanh nghiệp như vậy là hơi coi thường văn bản của Cục Quản lý giá. Chúng tôi đã báo cáo Bộ Tài chính, đề nghị Bộ vào cuộc thanh tra, kiểm tra, làm rõ việc này. Để kết luận doanh nghiệp có vi phạm hay không, phải chờ cơ quan thanh tra, kiểm tra của Bộ thực hiện, cơ quan này sẽ công bố thông tin. Nếu doanh nghiệp làm sai, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và sẽ bị xử lý”.
Giá sữa mặc sức tung hoành
Trong khi Cục Quản lý giá thông báo sẽ xử lý nghiêm những trường hợp nào tự ý tăng giá thì trên thị trường, giá sữa nội lẫn ngoại đã đua nhau tăng đến chóng mặt.
Đại diện của một siêu thị tư nhân ở Hà Nội cho biết, theo thông báo của nhà phân phối, từ đầu tháng 3 sẽ có thêm nhiều sản phẩm sữa tươi, sữa nước, sữa chua của các hãng điều chỉnh giá thêm ít nhất 10%. Theo đó, trung bình mỗi hộp sữa bột tăng từ 40.000-60.000 đồng.
“Giá sữa tăng vùn vụt, cứ lần sau đi mua là y như rằng đã tăng giá lên mấy chục nghìn đồng/hộp. Chỉ là mặt hàng sữa cho trẻ con mà cứ như thể hàng quý hiếm thế này, làm sao những người lao động phổ thông như chúng tôi cho con uống được. Họ cứ nói do nguyên liệu, chi phí tăng thì thành phẩm xuất ra cũng đắt hơn. Nói thế nào biết thế đấy, vì vẫn phải mua”, chị Nguyễn Thị Hoa (ở Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa, Hà Nội) nói đầy bức xúc.
Còn nữa, mức tăng giá của sữa nội không thấm vào đâu so với sữa ngoại. Nhiều hãng sữa ngoại tuy tăng nhỏ giọt, mỗi lần vài phần trăm nhưng cả năm tăng đến 3-4 lần. Công ty TNHH Nestle Việt Nam đã cho tăng giá từ 5-9% đối với 11 mặt hàng từ ngày 31/1 dù chưa được sự chấp thuận của Bộ Tài chính. Nguyên nhân doanh nghiệp này đưa ra là do mức lạm phát 6,6% đã tác động đến các yếu tố hình thành giá của sản phẩm. Hơn nữa, chi phí nhân công dự kiến tăng 12,8%; chi phí vận chuyển dự kiến tăng 10% và giá nhập khẩu dự kiến cũng tăng 12%.
Hiện một số cửa hàng bán sữa trên địa bàn Hà Nội đã đồng loạt tăng giá sữa. Sản phẩm NAN AH 110 loại 400g có giá mới là 194.400 đồng (tăng 9.200 đồng so với bảng báo giá cũ); NAN 1 Pro 400g tăng từ 222.200 đồng lên 233.300 đồng, loại 800g tăng từ 391.700 đồng lên 412.000 đồng… Một số dòng sản phẩm của Fisolac (Công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam) như Fisolac Gold 1 và Fisolac Gold 2 tăng giá lên 255.000 đồng/hộp 400g và 540.000 đồng/hộp 900g; Fisolac Gold 3 tăng giá lên 235.000 đồng/hộp 400g, 486.000 đồng/hộp 900g, 732.000 đồng/hộp 1.500g…
Một “đại gia” sữa không thể không nhắc đến là Công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) đã tăng giá bán khoảng 6-11%. Cụ thể, Dielac Pedia 3+ hộp thiếc giá 175.000 đồng/hộp, Dielac Optimum 375.000 đồng/hộp (900 g), Dielac Anpha 123 là 208.000 đồng/hộp (900 g)…
Để giá sữa tung hoành thị trường một cách thoải mái, lỗi thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Việc buông lỏng quản lý ở các khâu phân phối, vận chuyển, các tầng nấc thương nhân trung gian cũng là nguyên nhân đẩy giá bán lẻ sữa tới tay người tiêu dùng cao chót vót như hiện nay.