Trong lễ vật cúng Thần Tài của người miền Nam thường có cá lóc nướng. Tuy nhiên, vì sao món ăn này xuất hiện trên mâm lễ cúng thì không phải ai cũng biết.
Theo quan niệm dân gian, ngày mùng 10 tháng Giêng là ngày vía Thần Tài. Hàng năm vào ngày này, người dân thường chuẩn bị vàng mã, heo quay, hoa quả… dâng lên bàn thờ Thần Tài để cầu mong tài lộc, sung túc và may mắn. Đặc biệt một trong những lễ vật không thể thiếu của mâm cúng Thần tài đối với người miền Nam chính là món cá lóc nướng.
Cá lóc nướng là lễ vật được người dân miền Nam lựa chọn để cúng vào ngày vía Thần Tài.
Cá lóc nướng đem cúng phải giữ nguyên cả con, không đánh vảy. Khi nướng người ta sẽ xiên cây mía đã cạo vỏ qua phần miệng đến đuôi để con cá được thẳng đẹp. Cá lóc nướng cúng vía Thần Tài đạt yêu cầu là phải có mùi thơm đặc trưng, da không bị cháy khét, thịt không bị bong tróc.
Về phong tục cúng Thần Tài, nhiều chuyên gia nghiên cứu cho rằng phong tục này có nguồn gốc từ Trung Quốc, xuất hiện tại Việt Nam vào khoảng những năm đầu thế kỷ 20. Thần Tài vốn là vị thần cai quản tiền bạc, lộc vận của thiên đình. Vì vậy những ai được Thần Tài ghé chơi khi lưu lạc dưới trần gian đều gặp nhiều may mắn về tiền bạc, kinh doanh phát đạt, gia đình sung túc. Vì vậy nhiều người mà đặc biệt là những người làm ăn kinh doanh thường tất bật chuẩn bị lễ cúng “lấy vía” Thần Tài, cầu mong năm mới buôn may bán đắt, thuận buồm xuôi gió.
Vì sao cá lóc nướng được người dân lựa chọn để cúng thần Tài thì cho đến nay vẫn chưa có lý giải cụ thể. Tuy nhiên, người ta thường truyền tai nhau rằng ngày Thần Tài cúng cá lóc sẽ mang đến sung túc, tài lộc.
Hơn nữa, người dân miền Nam cho rằng cá lóc là loài vật mạnh mẽ, mang đến may mắn, lộc vận trong năm mới. Cá lóc lại khá hiền, không gây hại cho con người và cũng là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng, có nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Chính vì vậy, món cá lóc nướng trở thành lựa chọn cúng tiến số một đối với người dân miền Nam trong ngày vía Thần Tài.