Ở cái tuổi gần đất xa trời, đáng ra chỉ ở nhà chơi đùa bên cháu chắt nhưng người mẹ già 98 tuổi vẫn đang “nai lưng” dắt chiếc xe đạp cũ chở cô con gái tật nguyền đi khắp Sài Gòn nhặt rác mưu sinh.
Ngày nắng hay mưa giông, cụ bà Thôi Thị Nì (98 tuổi, ngụ quận 6 - Tp.HCM) vẫn miệt mài dắt chiếc xe đạp cũ kỹ chở cô con gái 48 tuổi tật nguyền từ nhà đi khắp các con hẻm trên đường Cách mạng tháng 8 (quận 10) lượm ve chai mưu sinh.
Cụ bảo, hơn 10 năm nay, ngày nào hai mẹ con cũng đến đoạn đường đông người lượm ve chai bán lấy tiền mua cơm sống qua ngày. Có lẽ, đây là cái nghề duy nhất mà cụ Nì đủ sức làm được ở tuổi "thập cổ lai hy".
Rong ruổi khắp cung đường Sài Gòn, cụ kiếm được 20 nghìn đồng mỗi ngày để mua cơm cho con gái
Độ 4 giờ chiều, Sài Gòn không còn mưa, chỉ có những đám mây âm u giăng kín bầu trời. Chúng tôi tới đường Cách mạng tháng 8 chờ cụ Nì thật sớm tránh cơn giông trái mùa. Dù vậy, trong lòng luôn ước thầm: "Trời sắp mưa! Mong mẹ con cụ đừng đi qua đây! Mai nắng ráo, con gặp cụ vẫn chưa muộn".
Chừng 1 tiếng đồng hồ sau, từ xa, chúng tôi thấy thấp thoáng bóng dáng một cụ già mặc chiếc áo sờn, khom lưng, chân loạng choạng cố gắng đẩy chiếc xe đạp chở người con ốm yếu giữa dòng người tất bật. Tiến lại chào, cụ gật đầu nói dăm ba câu và tiếp tục đi.
Thấy chúng tôi theo cùng, người dân dọc tuyến đường đã kể về hoàn cảnh của mẹ con cụ Nì. Họ nói, cụ là người Việt gốc Hoa, đi lượm ve chai trên tuyến đường này đã hơn 10 năm. Đôi lúc, người đi đường thương hai mẹ con già yếu lại tấp vào biếu cụ vài đồng mua cơm, ít thuốc chữa bệnh cho cô con gái.
Thi thoảng, cụ lại ngoái đầu nhìn cô con gái với ánh mắt đầy lo âu. Cụ nói: "Nhiều người nghĩ là một đứa trẻ tật nguyền nhưng nó đã gần 50 tuổi. Nó già lắm rồi!
Nó bị bệnh gì tôi cũng không rõ. Ngày xưa, nó đau bụng quằn quại rồi người cứ nhỏ dần nhỏ dần như đứa bé. Khi đó, nhà 9 đứa con, kiếm bát cơm còn khó, huống gì kinh phí chữa bệnh cho con. Tôi buộc phải cắn răng chấp nhận nuôi con bệnh tật suốt đời".
Dù vậy, chưa bao giờ cụ ngửa tay xin ai một xu. “Đói cho sạch, rách cho thơm nên tôi không dám xin ai tiền. Tôi còn sức khỏe vẫn có thể đi nhặt rác nuôi con. Ai thương mẹ con tôi, họ dừng lại cho chút đỉnh, tôi xin nhận tấm lòng của họ”.
Ngoài kia, họ thương, cho cụ Nì bao nhiêu cũng không đủ để nét khắc khổ trên khuôn mặt nhăn nheo bớt đi lo âu. Hơn nửa cuộc đời, người mẹ già đã hi sinh tất cả vì các con.
Ngồi trò chuyện được vài phút cụ Nì lại đứng lên đẩy xe chở con gái tật nguyền đi tiếp. Ngỏ ý xin cụ dừng bước, cụ lắc đầu, vừa đi vừa thều thào: "Không đi đúng giờ, người ta rục hết ve chai, tôi lấy đâu tiền mua cơm tối nay cho con bé".
Hiện tại, sức khỏe cụ Nì không còn như trước. Trái gió trở trời, cụ đau nhức toàn thân không thể đi lượm ve chai. Những ngày đó, cụ chỉ dám ăn mẩu bánh mỳ khô hoặc cố nhịn đói dành phần cơm cho người con gần 50 tuổi.
Hết bệnh, cụ lại đẩy xe đèo cô con gái đi nhặt rác, bước tiếp hành trình mưu sinh khốn khó. Cụ bảo, rong ruổi khắp cung đường nhưng mỗi ngày chỉ kiếm được hai mươi nghìn dành tiền mua ít cơm cho cô con gái.
“Tôi không dám để con ở nhà vì sợ nó phát bệnh đột ngột không ai biết”
Cụ Nì có tất thảy 9 người con nhưng 2 người đã chết. 6 người con còn lại ai cũng khốn khó nên chẳng lo được gì cho mẹ. Vì vậy, cụ phải gồng gánh nuôi người con gái nhiều bệnh đến tận bây giờ.
Cụ tâm sự: “Chồng tôi mất cách đây 40 năm, từ ngày đó hai mẹ con bắt đầu sống những tháng ngày đói khổ đến cùng cực. Tôi già yếu nên chỉ biết đi lượm ve chai kiếm chút tiền mua gạo nấu cháo nuôi con.
Ngày trước, tôi đi một mình nhưng sợ để nó ở nhà, khi phát bệnh không ai hay biết nên đành dẫn nó đi theo”.
Nhắc đến cô con gái đang ngồi trên xe, dường như khuôn mặt ấy hiện lên nỗi lo sợ: “Tôi đã đến tuổi phải chết nhưng ai sẽ lo cho nó. Giá như trước kia tôi bớt nghèo đưa nó đi chữa bệnh, chắc giờ nó cũng khỏe mạnh, có con cháu cả rồi! Tôi nhắm mắt cũng xuôi tay”.
Đã bao năm, người mẹ gần 100 tuổi ấy đã in bóng vào tận cùng những ngõ hẻm của Sài Gòn tìm thứ đồ bỏ đi mưu sinh nuôi con. Nhưng, người mẹ khốn khổ ấy chưa bao giờ lên tiếng oan thán ông trời bất công. Bà vẫn cứ lầm lũi, âm thầm một mình nuôi con bệnh tật.