Xuất hiện trong một sự kiện mới đây tại Hà Nội, GS Ngô Bảo Châu khiến nhiều người ngạc nhiên vì người hiện đại như ông lại có thói quen thích đọc sách giấy chỉ vì một lý do rất đơn giản.
Là khách mời đặc biệt trong lễ ra mắt bộ sách giáo khoa điện tử của Nhà xuất bản Giáo dục (NXB) , GS Ngô Bảo Châu đã có nhiều chia sẻ thú vị. Không phải è lưng cõng cặp
Bộ sách giáo khoa điện tử có tên gọi tiếng Anh là Classbook. Theo nhiều nhà phân tích giáo dục, sự ra đời của Classbook là một bước đột phá về SGK hiện nay, góp phần cải tiến cách dạy và học. Đặc biệt học sinh các cấp sẽ hạn chế mang SGK tới trường. Thay vào đó, các em chỉ mang một công cụ duy nhất là Classbook.
Để ra mắt được bộ sách giáo khoa (SGK) điện tử này, từ năm 2009, NXB GDVN đã kết hợp với đối tác Hàn Quốc để triển khai những thử nghiệm đầu tiên về SGK điện tử. Năm 2012, NXB GDVN đã phát triển và triển khai SGK điện tử trên thiết bị học tập chuyên dụng Classbook, chuyển tải nội dung SGK đang sử dụng trong nhà trường và sẵn sàng cho mục tiêu đổi mới SGK sau năm 2015.
HS Trường Thực nghiệm (Hà Nội) với sản phẩm sách điện tử
Theo ông Ngô Trần Ái, Tổng Giám đốc NXB GDVN, với màn hình cảm ứng đa điểm, Classbook mang lại trải nghiệm đọc tương tự như SGK truyền thống. Công nghệ chống lóa IPS (In Plane Switching) đảm bảo hỗ trợ góc nhìn rộng (tối đa 178 độ) với màu sắc trung thực và tự nhiên, không gây ảnh hưởng xấu tới thị lực người dùng.
Classbook có thời lượng pin từ 8-10 giờ, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng trong thời gian ở trường của học sinh. Nội dung sách là toàn bộ chương trình từ lớp 1 đến lớp 12, đảm bảo đáp ứng đúng yêu cầu về khung chương trình chuẩn của Bộ GD&ĐT.
Trong suốt thời gian sử dụng thiết bị, người dùng có thể cập nhật miễn phí mọi tái bản các cuốn sách này. Ngoài ra trên Classbook còn có hơn 20 ứng dụng bổ trợ cho nhiều môn học, thích ứng với các độ tuổi khác nhau.
Không chỉ dừng lại ở nội dung chuyển tải trong SGK truyền thống, SGK điện tử Classbook còn hỗ trợ việc biên tập và gắn kết với những nội dung đa phương tiện như: Chạm vào bài nhạc sẽ có âm thanh, chạm vào từ Tiếng Anh sẽ có cách phát âm chuẩn, xem các thí nghiệm mô phỏng trong môn Hóa…
Không thay thế được sách giấy
Trong giai đoạn thí điểm, sản phẩm Classbook đã được triển khai giới thiệu tại gần 400 trường phổ thông tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng và Đà Nẵng. Ông Ái cho biết, khoảng 3-5 năm nữa, sẽ đánh giá lại toàn bộ sách điện tử này.
Còn theo GS Ngô Bảo Châu, ông thấy thích cuốn sách điện tử vì nó nhỏ gọn, sẽ giải quyết được vấn đề dư luận quan tâm những năm gần đây khi trẻ con phải bê đến lớp những bộ sách giáo khoa ngày càng dày. “Trên thế giới cũng có những ứng dụng tương tự, nhưng tôi chưa thấy nơi nào có ứng dụng một cách tổng thể như ở VN - cho dù ở nước ngoài công nghệ của họ đi rất nhanh. Lợi thế của VN là một nhà xuất bản và chỉ có một bộ sách. Còn ở nước ngoài thì có nhiều bộ sách khác nhau, họ không có sản phẩm chung cho toàn bộ bộ sách như thế này. Trước mắt, cần phải chờ phản ứng của các thầy cô giáo xem sản phẩm có đáp ứng được yêu cầu giáo dục hay không”, GS Châu nói.
GS Ngô Bảo Châu: "Khi mở trang sách, mùi giấy tôi rất thích"
Tuy nhiên, chia sẻ với báo giới, GS Ngô Bảo Châu chỉ ra một số nhược điểm của sách điện tử: Thứ nhất, giá của SGK điện tử không phải là rẻ (4,8 triệu đồng), đây là một cản trở với học sinh vùng khó khăn. Liệu nó có thể thay thế toàn bộ sách giấy được không trong khi giá thành nó đang quá đắt? Cần tìm nhiều cách để học sinh các nơi được tiếp cận với sách điện tử. Không thể để hai học sinh đi học, em thì mang sách giấy, em thì mang thiết bị điện tử.
Thứ hai, mục lục trong sách rất khó tìm. Phải có mục này phụ huynh mới hiểu năm nay các cháu học cái gì. GS Châu cho rằng: “Bản thân tôi rất yêu sách. Khi mở trang sách, mùi thấy giấy tôi rất thích. Vậy nên khi di chuyển, tôi cũng thường mang theo sách để đọc. Và tạo cảm hứng khi đọc sách không đơn thuần là sách có vai trò đó mà còn ở các thầy cô giáo nữa”. Về một mặt nào đó, theo GS Châu, sách điện tử khó thay thế hoàn toàn cho sách giấy cũng như vai trò của thầy cô giáo trong việc học.