"Nhiều giáo viên lo lắng trước tình trạng học sinh ngày càng lười biếng vì kết quả học tập không được đánh giá bằng điểm. Tôi xin gửi đến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lời cảnh báo: Giáo dục sẽ phải trả giá đắt vì Thông tư 30", GS. Nguyễn Minh Thuyết nói.
Nhân dịp ông Phùng Xuân Nhạ giữ chức Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, phóng viên báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng GS. Nguyễn Minh Thuyết về các vấn đề còn tồn tại trong giáo dục hiện nay.
GS. Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ: "Bộ trưởng là một chính khách, cho nên vấn đề ưu tiên mà người dân trông đợi là chiến lược. Trong bối cảnh định hướng đổi mới giáo dục đã được vạch ra trong Nghị quyết 29 của BCHTW Đảng, Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có nhiều thuận lợi.
Nhưng chắc chắn là Bộ trưởng phải tìm được giải pháp hữu hiệu để thực hiện cho được Nghị quyết và chiến lược nói trên. Đồng thời cũng phải bắt tay vào việc chỉ đạo hoạch định Chiến lược phát triển giáo dục cho giai đoạn mới để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập của đất nước.
Bên cạnh nhiệm vụ của một chính khách, Bộ trưởng còn là một nhà quản lý. Bởi vậy, Bộ trưởng sẽ phải quan tâm giải quyết một số vấn đề nóng trong giáo dục hiện nay như: Phát triển quy mô giáo dục đại học vượt quá khả năng hấp thu của thị trường lao động dẫn tới số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp cao; hiện tượng lạm thu, chạy điểm, chạy bằng cấp, dạy thêm học thêm tràn lan…”
GS. Nguyễn Minh Thuyết
GS. Nguyễn Minh Thuyết cũng cho biết thêm, Bộ trưởng cũng cần kiểm tra xem trên thực tế, các cơ quan từ trung ương tới địa phương thực hiện quan điểm “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu” như thế nào.
Đảng đã xác định phát triển giáo dục cũng như phát triển khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu nhưng thực tế giáo dục chưa bao giờ và còn rất lâu nữa mới có thể trở thành quốc sách hàng đầu. Cứ hỏi một năm cấp ủy, chính quyền dành bao nhiêu thời gian bàn thảo, giám sát, gỡ rối cho giáo dục; địa phương cấp bao nhiêu đất cho trường học, bao nhiêu đất cho sân golf, nhà hàng, khách sạn,… thì biết giáo dục được quan tâm đến đâu.
Dĩ nhiên đầu tư phát triển kinh tế là hết sức quan trọng nhưng sự chênh lệch giữa phát triển kinh tế với giáo dục lớn quá. Tại một số thành phố lớn, học sinh nhồi nhét 50-60 em/lớp. Tại các tỉnh miền núi trước kia chỉ có 20 học sinh/lớp giờ đây cũng tăng lên 30-40 học sinh/lớp; lớp học phần nhiều cũ nát, sập sệ...
Nói riêng về công tác quản lý thì ngành giáo dục nhìn chung rất có tinh thần cầu thị nhưng lại thay đổi chủ trương công tác nhanh đến mức các cơ sở giáo dục không bắt kịp được. Ví dụ, các kì thi thay đổi hình thức liên tục hay sự ra đời của Thông tư 30 cũng là sự thay đổi vội vàng, áp dụng một cách máy móc.
Chúng ta thấy một số nước trên thế giới không chấm điểm thì cũng học theo mà không xét đến điều kiện nước mình. Ở nước ngoài, người ta chỉ dạy 15-20 học sinh/lớp; thậm chí có nước bố trí đến 2 giáo viên trong một lớp tiểu học chỉ có 20 học sinh nên có thể nhận xét kĩ càng từng học sinh. Ở nước mình 40-50 học sinh/lớp, làm sao giáo viên có thể nhận xét kĩ càng được? Chính điều đó dẫn đến chuyện giáo viên phải tranh thủ viết nhận xét mọi lúc, mọi nơi mà vẫn không viết hết.
“Gần đây, nhiều giáo viên và lãnh đạo trường đều lo lắng trước tình trạng học sinh ngày càng lười biếng vì kết quả học tập không được đánh giá bằng điểm. Tôi xin gửi đến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lời cảnh báo: Giáo dục sẽ phải trả giá đắt vì Thông tư 30 này”, GS Nguyễn Minh Thuyết nói.
Cũng về công tác quản lý, hiện nay Bộ GD&ĐT đang làm thay cơ sở quá nhiều, ví dụ quanh năm ngày tháng chỉ lo tổ chức thi trong khi đó là trách nhiệm của các cơ sở giáo dục chứ không phải của Bộ. Điều này Bộ trưởng mới cũng nên xem xét và có những quyết định đúng đắn để tập trung vào những việc chính.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ
Cũng liên quan tới vấn đề này nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cho hay: “Chuyện thi cử trong những năm qua đã gây ra quá nhiều tranh cãi và tốn kém nhiều của cải. Giờ đây, thi THPT quốc gia Bộ nên giao cho Sở GD&ĐT, giao cho chính quyền địa phương chịu trách nhiệm vì họ là người trực tiếp đào tạo chứ Bộ GD&ĐT đừng “ôm đồm” quá nhiều.
Sau khi tốt nghiệp THPT, Bộ chỉ nên giao chỉ tiêu rồi để các trường ĐH tự chủ trong tuyển sinh, họ có thể tuyển bằng nhiều cách khác nhau miễn là đảm bảo chất lượng đào tạo.
Hơn nữa, quy định thi THPT quốc gia chỉ nên cho thi 4 môn là Văn, Toán, Ngoại ngữ và một môn tự chọn. Học sinh học một cách toàn diện tại sao lại thi có 4 môn? Điều này sẽ kéo theo hệ lụy học sinh không chịu học những môn không phục vụ thi ngay từ bậc THCS. Vậy giáo dục của chúng ta sẽ tạo ra những sản phẩm bị què quặt, lệch lạc. Đó là lý do tại sao học sinh cấp 3 đứng trước gò Đống Đa nhưng không hề biết. Thậm chí, còn nói người anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ là hai anh em.
Đương nhiên, đổi mới giáo dục theo hướng giảm tải áp lực cho học sinh nhưng vẫn cần phải kiểm tra sát sao nghiêm túc các môn khác để học sinh có ý thức học đều các môn.
Hi vọng trong thời gian tới tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có thể giải quyết được một số vấn đề cấp bách trên và nhận được sự ủng hộ và tín nhiệm của tất cả mọi người”.