Thấy hai con chó béc giê nhà nuôi cắn nhau, người đàn ông vào can ngăn và đã bị cả 2 con chó quay lại tấn công, dẫn đến tử vong.
Nạn nhân tử vong là nam giới (49 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội). Khi vào viện, nam bệnh nhân này đã ở trong tình trạng sốc mất máu nặng, rối loạn đông máu do vết thương ở cổ…
Theo chia sẻ của người nhà, sáng ngày 19/8, khi đang ở nhà, người đàn ông này thấy hai con chó nhà nuôi (giống chó béc giê) cắn nhau kịch liệt. Thấy vậy, người đàn ông đã lấy nạng đánh vào một con chó, căn ngăn không cho chúng cắn nhau.
Tuy nhiên, thay vì nghe lời, cả 2 con chó đã lao vào tấn công gia chủ với nhiều vết cắn ở vùng đầu, cổ. Khi mọi người phát hiện, người đàn ông này đã bị thương rất nặng và được đưa vào Bệnh viện Việt Đức cấp cứu.
Chủ nhân bị chó nhà nuôi tấn công tử vong. Ảnh minh họa.
BS Dương Ngọc Thắng, Khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, thời điểm tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ vô cùng choáng váng vì vết thương chó cắn gây ra quá trầm trọng, băng vết thương vùng cổ của nạn nhân thấm đẫm máu, bệnh nhân sốc mất máu nguy kịch.
Ngay sau đó, bệnh nhân được đưa thẳng vào phòng mổ cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ đã cắt đoạn động mạch cảnh tổn thương, ghép tĩnh mạch hiến tự thân, khâu cầm máu động mạch đốt sống.
Tuy nhiên sau ca phẫu thuật, do sốc quá nặng trước mổ, bệnh nhân đã mất tri giác và hôn mê sâu, rối loạn đông máu nặng với tiểu cầu còn 12.000 (bình thường là 150.000). Không còn khả năng điều trị, nên gia đình đã xin đưa bệnh nhân về nhà. Như vậy chỉ sau khi bị chó cắn 2 giờ 30 phút, bệnh nhân đã tử vong.
Được biết, đây là ca tử vong thứ 2 tại Bệnh viện Việt Đức trong vòng 1 tháng do bị chó nhà tấn công. Trước đó, bé gái tròn 8 tháng tuổi, bị chó ngao Tây Tạng nhà nuôi cắn và cũng đã tử vong do mất máu quá nhiều.
Từ những trường hợp trên, BS Thắng cảnh báo các gia đình nuôi chó phải rất cảnh giác với các tai nạn chó cắn – kể cả chó nhà, do mức độ tổn thương hết sức trầm trọng trong thời gian gần đây.
“Trường hợp bị cắn vào chỗ hiểm, chảy máu nhiều qua vết thương, tổn thương vào mạch máu lớn, khi đó cần dùng khăn bông dầy bịt và ép chặt vào vết thương để cầm máu tạm thời.
Sau đó, nhanh chóng chuyển nạn nhân đến các bệnh viện lớn gần nhất để cầm máu và phẫu thuật cấp cứu – hoặc chuyển tuyến cao hơn. Không nên cố xử lý cầm máu tại nhà, sẽ dẫn đến sốc mất máu không hồi phục”, BS Thắng khuyên.
Ngoài ra, các gia đình nuôi chó cần phải trang bị đầy đủ dây xích, rọ mõm cho chó để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.