Do giá cước vận chuyển tăng “chóng mặt” trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, không ít tiểu thương nhỏ lẻ buộc phải coi việc bán hàng là bán “cho vui”, bởi tính toán đủ đường cũng không có lãi.
Gần 1 năm nay, do thu nhập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chị Nguyễn Thị Thu (32 tuổi, trú tại chung cư Đại Thanh, Tả Thanh Oai, Thanh Trì) phải bán thêm mặt hàng hải sản để kiếm thêm thu nhập.
Trước đây, chị Thu hài lòng với lượng khách đặt từ 7-10 đơn/ngày. Tính ra mức "hoa hồng" từ mỗi đơn hàng hải sản cũng làm chị Thu yên tâm hơn lo cho cuộc sống ở Thủ đô.
Tuy nhiên, thời gian gần đây đơn hàng thưa thớt, chị Thu xác định, đăng tải hàng hóa lên mạng xã hội chỉ để giữ chân khách. Còn lợi nhuận thì xác định "về mo".
Chỉ một thùng hải sản có trọng lượng chưa đến 50kg, chị Thu phải chi trả đến 300.000 đồng cho chi phí vận chuyển. Số này chưa tính chi phí giao hàng trong nội thành với các đơn hàng lẻ. Ảnh: NVCC
Chị Thu cho biết, một thùng hàng hải sản khoảng 50kg được gia đình gửi từ Thanh Hóa ra đến bến xe Giáp Bát là 200.000 đồng, cộng thêm khoảng 90.000 đồng cước xe ôm chuyển từ bến xe vào đến sảnh chung cư Đại Thanh. Thậm chí, nếu để hàng vận chuyển thẳng đến sảnh chung cư (không dừng lại ở Bến xe) thì chị Thu phải trả thêm 100.000 đồng nữa.
Trong thời điểm chưa giãn cách, chị Thu chỉ phải chi trả 80.000 - 100.000 đồng/thùng hải sản có trọng lượng 50kg và phí trả cho xe ôm đưa hàng từ bến xe đến sảnh chung cư là 50.000 đồng/chuyến.
Chưa hết, theo chị Thu, ngoài khoản cước phải chi trả cho xe vận chuyển thuộc "luồng xanh" thì chi phí vận chuyển các đơn nhỏ lẻ cũng tăng đến gấp 3 lần.
"Tôi đặt một đơn cá nục gửi từ chung cư Đại Thanh cho khách hàng ở Nguyễn Tuân với giá 180.000 đồng/2kg cá, phí giao hàng là 62.000 đồng. Một cân cá nục chỉ có giá 90.000 đồng cũng phải chịu phí vận chuyển cao, khách hủy đơn là điều dễ hiểu. Trong khi những ngày thường thì đơn này cao nhất cũng chỉ 30.000 đồng. Thậm chí là tôi là người giao hàng trực tiếp cho khách để khách không phải chịu phí vận chuyển", chị Thu phân trần.
1kg cá nục, chị Thu bán bán với giá 90.000 đồng, số tiền này tương đương chi phí cho một đơn giao hàng trong nội thành Hà Nội trong những ngày thực hiện giãn cách. Ảnh: NVCC
Cũng theo chị Thu, vừa không thể đi ra ngoài, vừa phải chịu chi phí vận chuyển cao nên nguồn hàng hải sản chị Thu chỉ bán được cho cư dân sinh sống ở cùng khu chung cư. Tuy nhiên, nói về lợi nhuận thì chị Thu cho biết, tính "nhiều đường" thì may mắn chỉ lời lãi chút ít. Đó là chưa kể, các xe "luồng xanh" phải làm thủ tục, giấy tờ, những ngày đầu giãn cách, chuyến hàng hải sản cấp đông của chị Thu cũng suýt không thể bán được vì tan đá cấp đông.
Chị Hoàng Thu Trà (36 tuổi, ở chung cư Ecogreen, Tố Hữu, Nam Từ Liêm) cũng chấp nhận là người vận chuyển hộ khách. Bởi sau chuyến nhận hàng gần đây nhất trong ngày giãn cách xã hội, chuyến hàng gửi từ Nam Định lên Hà Nội không thể sinh lời.
Chị Trà cho biết: "Do đã sẵn đơn thịt lợn khách đặt nên khi biết có xe "luồng xanh", tôi nhờ người thân ở quê gửi 40kg thịt lợn cùng giò, rau xanh nhưng giá cước phải trả đã lên tới 200.000 đồng. Giá cước quá đắt đỏ, ăn cả vào số tiền sinh lời nền tôi coi như là mình đưa hàng hộ khách và gia đình có thịt sạch để ăn".
Chia sẻ từ nhiều tiểu thương cũng cho biết, bán hàng thời có diễn biến dịch COVID-19 phức tạp vô cùng khó khăn. Đi lại không thuận lợi như ngày thường, shipper cũng được thể làm cao, dễ bị hủy đơn hàng, lượng hàng bán ra thấp hơn rất nhiều. Dù vậy, các tiểu thương chia sẻ họ phải trầy trật để kiếm sống nhưng luôn giữ tinh thần ủng hộ công tác chống dịch lên cao nhất.