Gần 10.000 chai rượu gồm các loại vang nho, champagne, vodka không đủ tiêu chuẩn vừa bị Chi cục Quản lý Thị trường bắt giữ.
Ngày 14/12, Chi Cục Quản lý Thị trường Hà Nội cho hay, Đội quản lý thị trường số 17 (Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội) vừa phối hợp với lực lượng Cảnh sát môi trường, công an Thành phố Hà Nội đã kiểm tra, tạm giữ 790 thùng rượu không đủ tiêu chuẩn và điều kiện sản xuất.
790 thùng rượu trên tương đương 9.480 chai, bao gồm các loại rượu vodka, vang nho, champagne dung tích 700ml, đều không có giấy phép sản xuất.
Toàn bộ số hàng thuộc sở hữu của Công ty trách nhiệm hữu hạn rượu và nước giải khát Việt Pháp, đóng tại 245 Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Công ty này không có giấy phép sản xuất rượu, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm hết hạn và hai sản phẩm chưa công bố tiêu chuẩn chất lượng, một số sản phẩm ghi thiếu ngày sản xuất.
Cơ quan chức năng đã tạm giữ số hàng trên và lấy một số mẫu rượu đi xét nghiệm để đánh giá chất lượng sản phẩm, xử lý theo pháp luật.
Trong nửa đầu tháng qua, cơ quan chức năng đã liên tục bắt giữ nhiều lô rượu bao gồm cả rượu ngoại và rượu sản xuất trong nước không đủ tiêu chuẩn, gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là vụ ngộ độc loại rượu nếp 29 do Công ty cổ phẩn xuất nhập khẩu 29 Hà Nội (có trụ sở tại Q.Long Biên, TP.Hà Nội) sản xuất.
Từ ngày 2-7/12, tại Quảng Ninh đã ghi nhận 12 trường hợp phải nhập viện do Ngộ độc rượu Nếp 29 của công ty cổ phần xuất nhập khẩu 29 Hà Nội. Trong đó, 6 trường hợp đã tử vong.
Theo kết quả kiểm nghiệm mới nhất do Chi Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Thành phố Hà Nội cho thấy, 4 sản phẩm rượu (gồm: Vodka rượu nếp chai 700ml; Vang nổ đỏ chai 750ml; Rượu nếp 29 Hà Nội chai 750ml; Rượu nếp 29 Hà Nội chai 2 lít) có chứa hàm lượng Methanol vượt hàng nghìn giới hạn cho phép.
Theo cơ quan điều tra, trước khi bị bắt giữ (10.12), ông Nguyễn Duy Vường - 46 tuổi, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu 29 Hà Nội khai nhận: Lô Rượu nếp 29 Hà Nội sản xuất ngày 12.10, có độc tố Methanol vượt hàng nghìn ngưỡng cho phép là do quá trình sản xuất pha chế nhầm từ cồn thực phẩm sang cồn công nghiệp.