Liên quan đến việc chống ngập úng cho thủ đô mỗi khi mưa lớn, ông Đào Duy Cường, PGĐ Ban Quản lý dự án Thoát nước Hà Nội cho biết, thời gian thoát lượng nước mưa tương tự năm 2008 với hiện nay đã giảm từ hàng tuần, hàng tháng xuống 4 tiếng đồng hồ.
- Theo ông thì dự án thoát nước trị giá hơn 6.000 tỷ đồng chỉ được thực hiện trong 8 quận, huyện nội thành. Vậy hết tháng 6 này, khi hoàn thành dự án có đảm bảo chống ngập cho 8 quận, huyện nội thành khi mưa lớn?
Ông Đào Duy Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thoát nước Hà Nội: Khi xây dựng dự án chúng tôi có báo cáo của cơ quan chức năng về dự báo thời tiết trong chu trình 10 năm gần nhất với lượng mưa bao nhiêu để làm cơ sở lập dự án.
Với tính chất đó chúng tôi đưa ra mục tiêu của dự án là chống ngập úng do nước mưa cho đô thị lõi của Thủ đô và trong lưu vực sông Tô Lịch có ranh giới từ sông Tô Lịch đến sông Hồng với diện tích là 77,5km2 với chu kỳ bảo vệ được tính toán là 10 năm với sông và mương thoát nước, ứng với lượng mưa là 310mm trong hai ngày.
Giai đoạn 1 chúng tôi đã hoàn thiện xong với lượng mưa là 172mm trong 2 ngày. Còn đối với chu trình 5 năm, cống ứng với lượng mưa là 70mm/giờ. Đây là mục tiêu của dự án, khi hoàn thành đồng bộ các tuyến thì sẽ đảm bảo được việc thoát nước này.
Tuy nhiên, khi chúng tôi xây dựng quy hoạch này từ thời điểm những năm 2005-2006 khi dự án được phê duyệt và triển khai từ năm 2008 thì tại thời điểm đó tốc độ đô thị hóa chưa nhanh.
Nhưng hiện nay, đặc biệt khu đô thị lõi, khi tốc độ đô thị hóa quá lớn nó dồn tải lên hạ tầng kỹ thuật của Hà Nội, đặc biệt các khu phố cũ không thể mở rộng được, nó sẽ làm ảnh hưởng tới các sự tính toán không được đảm bảo.
Hơn nữa, các chung cư cao tầng, khu đô thị mới được xây dựng lên rất nhiều cho nên tại thời điểm chúng tôi tính toán từ năm 2006 khi xây dựng dự án, đã đảm bảo với đô thị lõi đảm bảo công tác thoát nước.
Ông Đào Duy Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thoát nước Hà Nội trao đổi với phóng viên Infonet. (Ảnh:Xuân Tùng)
Còn một số điểm ngập úng như Thái Hà, Thái Thịnh. Đây là một số điểm rất cục bộ vì hạ tầng, cốt nền của khu vực này thấp hơn khu vực xung quanh. Hơn nữa, hệ thống cống thu gom của các tuyến này chưa được đầu tư đồng bộ.
Hiện UBND TP đã phê duyệt quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang đồng bộ tuyến phố Thái Thịnh. Tôi tin rằng, sau chỉnh trang, hệ thống thoát nước, rãnh thu gom nhà ở hai bên sẽ được đầu tư nâng cấp cũng như kết nối với các tuyến mương chúng tôi đang đầu tư… thì điểm ngập úng này cơ bản chấm dứt trong thời gian tới.
- Một số chuyên gia cho rằng, quy hoạch thoát nước của hiện này Hà Nội đang triển khai là quá cũ cho nên có đổ tiền vào hiệu quả cũng không cao. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Như tôi đã nói, so sánh một trận mưa rất lớn năm 2008 với trận mưa cũng lớn tương tự, có thể nhỏ hơn một chút ngày 25/5 vừa qua: Trong năm 2008, Hà Nội ngập trong gần một tháng nhưng nay cũng với lượng mưa tương ứng như thế, mặc dù, việc đầu tư dự án giai đoạn 2 chưa hoàn thành 100% nhưng 95% các công trình đã được đưa vào sử dụng thoát nước trong mùa mưa, đặc biệt trong tháng 5 vừa qua thì lưu lượng để đảm bảo thoát nước như các chuyên gia và các báo cáo về góc độ chuyên môn đã báo cáo rõ thoát nước trong vòng 4 tiếng đồng hồ.
Vậy từ hàng tuần, hàng tháng bây giờ chỉ còn 4 tiếng đồng hồ. Dưới góc độ dự án, chúng tôi thấy hiệu quả mang lại là rất lớn. Mặc dù, có thể chưa hoàn thiện đồng bộ nhưng khẳng định luôn, hiệu quả rất lớn.
Thoát nước phải từ điểm cao đến điểm trũng. Đó là cách tự nhiên. Nếu công ty thoát nước vận hành thoát nước tốt hơn nữa, tôi tin rằng không phải 4 tiếng đồng hồ mới rút được nước mà chỉ 1-2 tiếng đồng hồ khu vực nội đô đã thoát hết nước.
- Vậy quan điểm của ông thế nào về lo ngại, việc dự án thoát nước chỉ được triển khai ở một số tuyến phố nhất định có thể sẽ dẫn đến tình trạng ngập úng ở điểm này đẩy sang điểm khác?
Thực hiện kế hoạch năm 2013, UBND TP đã có bản quy hoạch thoát nước 2020, tầm nhìn 2030. Đối với quy hoạch này sẽ quy hoạch mạng lưới cho 30 quận, huyện.
Đến thời điểm hiện nay chúng tôi đang báo cáo thành phố để tiếp tục dự án thoát nước giai đoạn 3, giai đoạn 4 để đảm bảo việc thoát nước khu vực phía Tây Hà Nội là lưu vực sông Nhuệ.
Đây là cái rất cấp thiết và cấp bách của chúng ta trong công tác thoát nước ở Hà Nội. Do tốc độ đô thị hóa rất lớn. Nếu các chủ đầu tư thực sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng trước. Tôi kiến nghị với UBND TP khi các ông xây dựng khu đô thị các ông phải tính toán được việc thoát nước khu đô thị. Ông phải đầu tư việc thoát nước cho đô thị. Khi đầu tư xong hạ tầng mới xây dựng nhà bán nhưng đại đa số là các nhà đầu tư chỉ quan tâm lợi nhuận, doanh thu để đầu tư xây nhà bán trước còn hạ tầng khuôn viên chưa xong.
Đây là bất cập của các dự án, chúng tôi đang báo cáo UBND TP Hà Nội và được chấp thuận nghiên cứu phía Tây Hà Nội, đó là lưu vực sông Nhuệ. Khi được thành phố thông qua, bắt tay vào triển khai, trong một vài năm tới, khi hệ thống ống cống được đầu tư đồng bộ trong đô thị lõi thì cơ bản giải quyết được việc úng ngập như trong trận mưa lớn vừa qua.
- Theo ông đối với công tác chống úng ngập cho thành phố, cần có biện pháp gì và phải tiêu hết bao nhiêu tiền Hà Nội mới hết ngập?
Đối với thoát nước thành phố cái đầu tiên là ý thức người dân. Với hiện tượng văn hóa, một số hành động của người dân vẫn chưa thật sự quan tâm đến môi trường thì chúng ta không bao giờ hết ngập được.
Ý thức của người dân phải là cái đầu tiên. Người dân thật sự quan tâm đến môi trường sống của mình thì hãy bảo vệ chính mình. Đối với các sông, mương, người dân quan tâm đến các sông đó, không vứt rác vào, không xả thải ra đó, không làm chặn các nguồn dòng thoát nước.
Để thoát nước ở đường, hồ thì người dân phải quan tâm đến môi trường sống của họ ngay ở tổ dân phố. Phải có sự nạo vét, khơi thông hệ thống ống cống đặc biệt ở các ngõ xóm.
Hiện nay với lượng nước rất lớn, công ty thoát nước đang vận hành nhưng cũng không thể đảm bảo khi diện tích Hà Nội lớn như thế này mà quân số chỉ có 1000-2000 người, họ không thể đảm bảo vừa duy trì hệ thống kênh mương do thành phố quản lý vừa đủ người để vào từng ngõ, ngách, từng xóm.
Người Hà Nội vất vả trong những trận mưa lớn. (Ảnh: Tuấn Minh)
Ở đại đa số các quận lõi của chúng ta các tuyến thoát nước trong ngõ xóm rất nhiều nhưng không được sự quan tâm duy trì thường xuyên. Nếu người dân thật sự quan tâm thì họ hãy hành động bằng cách nạo vét ống cống đó tốt hơn để đảm bảo khi thoát nước từ nhà dân ra các trục thu gom của các quận huyện, các đường trục chính đổ ra sông. Lúc đó liền tuyến không bị chặn ở đâu, lúc đó Hà Nôi sẽ hết ngập.
Mong rằng, sắp tới được sự quan tâm của thành phố cũng như các cơ quan, nhà đầu tư mong muốn được xã hội hóa công tác thoát nước, tôi tin rằng, việc thoát nước sẽ tốt hơn.
- Tuy nhiên, thưa ông, dù người dân có khơi thông cống rãnh nhưng nếu hệ thống cống rãnh quá bé thì khi mưa lớn vẫn ngập?
Quay lại mục tiêu của dự án, khi chúng tôi lập một dự án, kim chỉ nam của dự án là chống ngập, chống mưa thì với chu kỳ bảo vệ tính toán 10 năm với sông và mương, 5 năm với hệ thống cống với lưu lượng nước mưa là 70mm/giờ.
Do thời tiết khi nghiên cứu lập dự án chúng tôi tính toán trong thời gian 10 - 15 năm, lấy lượng mưa trung bình trong 15 năm đó để xây dựng ra bài toán, thực hiện theo quy hoạch, khi đầu tư nâng cấp xong sẽ đảm bảo thoát nước tốt hơn. Còn với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, áp lực hạ tầng tuy là nhỏ, nhất là trong khu phố cổ là áp lực rất lớn với hạ tầng của thành phố.
Với nước mưa, nếu chu kỳ lượng nước mưa là 310mm/ 2 ngày tôi đảm bảo hệ thống thoát nước của chúng tôi tốt, hiệu quả nhưng nếu lượng mưa cao hơn thì phải có thời gian thoát.
- Là lãnh đạo Ban Quản lý thoát nước, ông cảm thấy thế nào khi người dân phải vật lộn dắt xe trong những trận mưa ngập ở Thủ đô?
Tôi cũng là một người dân Thủ đô, một người Hà Nội, tôi thật sự rất trăn trở về việc người dân vẫn đang còn vất vả khi trời mưa xuống, đặc biệt là khu vực phía Tây Hà Nội.
Với người làm thoát nước như chúng tôi, chúng tôi mong muốn người dân không phải chịu đựng thêm điều đó nữa nhưng để làm được điều đó, cần phải sự quan tâm, góp sức, đặc biệt tất cả mọi người đều phải góp sức xây dựng để xã hội được môi trường xanh – sạch – đẹp, để hạ tầng kỹ thuật của chúng ta không còn ngập úng nước.
Với chúng tôi những cái thuộc thẩm quyền đã báo cáo thành phố, đưa ra các giải pháp để giảm thiểu các điểm ngập úng đó cũng như là khi có mưa lớn tất cả anh em, cán bộ công ty cũng đều đổ ra đường, tham gia vào công tác thoát nước của thành phố để đảm bảo được với phạm vi, khu vực được giao quản lý việc thoát nước nhanh nhất, để bà con thoát cảnh phải dắt xe qua đoạn ngập úng.
Tôi cũng là người dân, trong năm 2008, tôi cũng đi xe máy và bị chết máy, phải dắt xe. Tôi rất hiểu nỗi khổ của lúc trời mưa to dắt xe qua đoạn úng ngập như thế.
Thực sự tôi rất chia sẻ với bà con, người dân. Thời gian tới chúng tôi sẽ báo cáo với UBND TP sẽ khẩn trương triển khai tất cả những dự án về thoát nước, đặc biệt là những dự án trọng điểm, trọng tâm để báo cáo thành phố đầu tư kịp thời để thoát nước cho đồng bộ.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!