BV Nhi Trung ương vừa tiếp nhận một cặp song sinh 2 bé trai bị dính nhau phần bụng. Hiện hai bé đang được theo dõi chặt chẽ để có thể phẫu thuật tách rời trong thời gian sớm nhất.
Hai bé song sinh là N.Q.N và N.Q.A, sinh ngày 19/2, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, theo phương pháp sinh mổ, cân nặng mỗi bé 3kg. Sau khi sinh, các bác sĩ thấy hai bé dính liền nhau phần bụng nên đã được làm thủ tục chuyển ngay đến Bệnh viện Nhi Trung ương
TS Bùi Đức Hậu, Phó trưởng khoa Ngoại, BV Nhi Trung ương cho biết, hiện tại, cả hai bé đều tỉnh, các chức năng sống, như: tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa ... đều khá ổn định.
Hai cháu đang được chăm sóc, theo dõi và điều trị hỗ trợ, chống nhiễm trùng. Đồng thời, bệnh viện tiến hành các thăm dò chức năng cần thiết để lên phương án phẫu thuật tách hai cháu trong thời gian sớm nhất.
Hai bé đang được theo dõi chặt chẽ chờ ngày phẫu thuật tách rời (Ảnh BS cung cấp)
Cũng theo TS Hậu, đây là cặp song sinh dính nhau thứ 5 mà BV Nhi Trung ương tiếp nhận. Những cặp song sinh dính nhau trước đều đã được bệnh viện tách rời thành công, có những cháu hiện đã trưởng thành như hai cháu Hà – Ninh (ở Quảng Ninh).
Theo các chuyên gia về y tế, trẻ sinh đôi dính nhau chiếm tỉ lệ khoảng 1/200 ca song sinh, hoặc cứ 75.000-100.000 ca sinh đẻ thì có 1 trường hợp thai sinh đôi dính nhau. Tuy nhiên, nhiều thai sinh đôi dính nhau đều tử vong sớm sau đẻ vì các dị dạng tim mạch và các dị tật đường hô hấp, hoặc thai ký sinh đe doạ tử vong thai chủ. Năm 1689, trường hợp đầu tiên thai sinh đôi dính nhau ở rốn tách thành công. Nay, tỉ lệ thành công sau tách 90% cho một người, và 53% trường hợp cứu sống cả 2. Trong 50 năm qua, khoảng 200 ca mổ tách đã được thực hiện trên khắp thế giới, ít nhất 3/4 trong số đo thành công.
Tại Việt Nam, chưa ghi nhận trường hợp dính nhau không thể mổ sống đến tuổi trưởng thành. Các bé thường tử vong sau vài tháng chào đời.
Để tránh những rủi ro có thể xảy ra cho trẻ song sinh dính nhau, các bác sĩ khuyên sản phụ siêu âm thai kỳ đầy đủ để sớm đưa ra quyết định. Song sinh dính nhau có thể được phát hiện từ tuần thai thứ 8. Vị trí dính và mức độ dính cũng có thể được xác định. Khi phát hiện thai song sinh dị tật dính nhau, bác sĩ sẽ không đưa ra quyết định hủy thai mà tư vấn để thai phụ quyết định.