Thời điểm rằm tháng 7, kinh doanh một số mặt hàng như đồ ăn chay, hoa quả, hàng mã… lại mang đến nhiều lợi nhuận.
Tháng 7 âm lịch còn được coi là tháng cô hồn. Từ xưa, nhiều người đã quan niệm không mua sắm nhiều thứ trong tháng này vì được cho là không may mắn. Bởi vậy, nhiều mặt hàng từ quần áo, đồ gia dụng, điện lạnh, bất động sản, xe cộ... đều lâm vào cảnh ế ẩm, người bán "ngồi chơi xơi nước" chờ cho hết tháng. Mặc dù không có ai chứng minh nếu mua những thứ này thì không may mắn trong tháng cô hồn, song quan niệm này vẫn được truyền tai từ xa xưa cho đến ngày nay.
Bên cạnh các mặt hàng ế ẩm thì vẫn có những mặt hàng "đắt khách" cả tháng 7 âm lịch, người bán nhập bao nhiêu cũng hết, còn người mua phải dặn trước vài ngày mới có. Thậm chí, đến sát ngày rằm, nhiều nơi còn hết hàng vì lượng khách tăng đột biến. Các mặt hàng thu hút khách có thể kể đến như đồ chay, vàng mã và hoa quả... Đây đều là những đồ để bày biện mâm cúng dâng lên tổ tiên trong dịp rằm tháng 7.
Hoa quả
Hoa quả là thứ không thể thiếu được trên ban thờ mỗi gia đình dịp rằm Tháng 7. Các loại quả được nhiều chị em lựa chọn để bày biện như chuối, bưởi, nhãn, thanh long, xoài, na...
Các loại hoa quả đắt hàng dịp rằm tháng 7
Chị Hoa (tiểu thương chợ Thành Công, Hà Nội) cho biết các mặt hàng khác có thể giảm sức mua nhưng dịp rằm nào cũng hết sạch hoa quả. Bởi mọi người vẫn rất chú ý đến việc dâng lên tổ tiên làm sao thật chu đáo, thành tâm nhất. Hiện nay, sức mua hoa quả vẫn chưa tăng cao nhưng các khách quen của chị Hoa đã dặn trước để sát ngày Rằm có đầy đủ hoa quả tươi nhất.
"Năm nay nhiều nhà cúng rằm vào chủ nhật tuần này nên lượng khách mua hoa quả tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường, giá cũng tăng 10-15%. Tuy nhiên, không có chuyện trái cây khan hiếm vì chúng tôi đã tính toán được lượng hàng mà khách cần mỗi năm", chị Hoa dự đoán.
Theo khảo sát, hiện nay, giá hoa quả tương đối bình ổn. Giá na 40.000 đồng -50.000 đồng/kg, thanh long dao động từ 30.000 đồng - 50.000 đồng/kg, giá nhãn từ 50.000 đồng - 60.000 đồng/kg, xoài 70.000 đồng - 80.000 đồng/kg.
Ngoài kênh mua hàng tại chợ thì những người bán hàng online cũng đã bắt đầu chuẩn bị nguồn hàng cho đợt rằm tháng 7. Chị Hà (Hà Đông, Hà Nội) cho biết nhiều khách quen của chị cũng đã đặt trước hoa quả, chờ đến cuối tuần là giao tận nhà.
Nhìn chung giá cả các hoa quả bán trên chợ online rẻ hơn ở chợ truyền thống, người mua hầu hết yêu cầu ship tận nơi dù phải chịu thêm phí ship. "Chúng tôi bán hàng tại nhà nên đỡ được chi phí. Giá rẻ hơn ở chợ 10-15%. Khách đặt mua chủ yếu là chị em công sở bận rộn, họ đã đặt quen từ trước nên không phải chọn lựa nhiều", chị Hà cho hay.
Vàng mã
Mặc dù đã có nhiều chuyên gia lên tiếng về việc đốt vàng mã gây lãng phí mà không có lời khuyên nào nên làm việc này. Tuy nhiên, các gia đình vẫn chưa từ bỏ được thói quen mua vàng mã để dâng lên Tổ tiên và người đã khuất. Với suy nghĩ trần sao âm vậy, không ít người đầu tư mua vàng mã kỳ công từ ô tô, xe máy, nhà lầu, túi xách bằng giấy đắt tiền.
Hàng mã là thứ bán chạy nhất trong tháng cô hồn
Năm nay giá của các mặt hàng vàng mã không những không tăng mà còn có xu hướng giảm vì khách ít hơn. Quần áo giấy từ 30.000 đồng - 50.000 đồng/bộ, đắt hơn thì có đồng hồ, iPhone, iPad dao động từ 60.000 đồng - 70.000 đồng/bộ.
Năm nay, các mẫu mã mới không nhiều nhưng số lượng vàng mã được bày bán vẫn không giảm, vậy nhưng lượng khách mua sụt giảm. "Những năm trước, tầm này khách đặt nhiều lắm. Năm nay chủ yếu khách đặt đồ nhỏ lẻ như quần áo giấy, mũ, điện thoại, giày bằng giấy. Không mấy ai đặt các đồ kích thước lớn như nhà lầu, biệt thự, xe hơi... Lượng khách giảm có lẽ do nhiều người cúng đơn giản hơn và không còn đi lễ ở xa", anh Dương (một người kinh doanh hàng mã ở Hà Nội) tâm sự.
Mặc dù lượng khách giảm nhưng không có nghĩa mặt hàng vàng mã sẽ "ế". "Khách có thể không mua số lượng lớn nhưng ai cũng muốn đầy đủ các thứ trong đồ cúng nên khách không thể không mua vàng mã. Khách có xu hướng mua vàng mã online nhiều hơn so với những năm trước vì tiện dụng, không mất cộng vận chuyển", chị Trang (người bán hàng online ở Hà Nội) chia sẻ.
Đồ ăn chay
Năm nào vào tháng 7 âm lịch đồ ăn chay cũng đắt hàng. Ngoài đồ ăn chay để cúng, nhiều gia đình cũng đặt cỗ chay để ăn tại nhà. Với quan niệm hạn chế sát sinh các loài động vật để xá tội vong nhân, nhiều gia đình chọn cách ăn chay để tâm thanh tịnh và cầu mong may mắn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mức giá một mâm cỗ chay dao động từ 700.000 đồng - 1 triệu đồng/mâm. Các đĩa đồ chay được bán 60.000 đồng-80.000 đồng hoặc 100.000 đồng/đĩa (tùy loại).
Nhiều người chọn cúng mâm cỗ chay trong ngày rằm tháng 7 nên các cửa hàng bán đồ ăn chay luôn đắt khách vào dịp này
Anh Nam (đầu bếp một nhà hàng chay ở Hà Nội) cho hay: "Lương khách đến ăn chay tại quán có thể giảm song khách đặt cỗ chay về nhà ăn vẫn tương đương năm ngoái. Cho nên chúng tôi vẫn chuẩn bị đồ đủ cho khách, không giảm so với những năm trước. Vì cỗ chay chuẩn bị cầu kỳ, cần tính toán số lượng trước nên từ cách đây vài tuần đã có người đặt. Khách chủ yếu đặt món lẻ, còn những gia đình đông người thì họ đặt cả mâm".
Theo anh Nam, hiện đã kín khách tới 80% và chỉ nhận thêm một số mâm cho ngày 14 âm lịch. Những người bán cỗ chay, món chay online cũng kỳ vọng lượng khách tăng so với những tháng trước.
"Năm nào rằm Tháng 7 cũng đông khách, năm nay tôi dự đoán vẫn tương đương bởi cả năm có một ngày rằm tháng 7 nên mọi người không tiếc. Năm nay, khách hận chế ra ngoài do dịch Covid-19 nên dịch vụ của chúng tôi càng được lòng khách", một người bán đồ chay online chia sẻ.