Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm, Bộ Y tế tiến hành họp khẩn chiều ngày 13/2 (tức 28 Tết) để triển khai các biện pháp đối phó.
Bệnh cúm, sởi có diễn biến phức tạp
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong thời gian qua, chiều ngày 13/2, Bộ Y tế đã tiến hành họp khẩn cấp với các đơn vị liên quan, nhằm tăng cường đối phó với dịch bệnh, nhất là trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, đã có hơn 700 ca mắc cúm được phát hiện tại viện. Hiện tại vẫn còn tới 63 ca đang điều trị nội trú tại khoa Truyền nhiễm.
Đa số các trường hợp đều mắc cúm mùa thông thường (chủng cúm A/H1N1), chỉ có số rất ít là mắc cúm B. Trong số các bệnh nhi mắc cúm đã có trường hợp nặng với dấu hiệu viêm đường hô hấp, viêm phổi, sốt cao không đáp ứng với thuốc hạ sốt, hoặc dẫn đến co giật…
Không chỉ có cúm mùa, cũng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ trong 2 tuần vừa qua, có tới 17 bệnh nhi mắc sởi nhập viện và hiện vẫn đang còn 8 trường hợp được điều trị cách ly tại viện. Trong số trẻ mắc sởi đến viện có tới 80% là trẻ dưới 18 tháng tuổi.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, TS Dương Đức Hùng – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch cúm, đặc biệt là với trẻ nhỏ, bệnh viện đã dành riêng một khu để điều trị cách ly các bệnh nhân, đồng thời bố trí lượng máy thở để sẵn sàng điều trị khi có bệnh nhân nặng.
PGS.TS Nguyễn Duy Cường – Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) cho biết, hiện khoa chỉ tiếp nhận những trường hợp mắc cúm A nặng, có biến chứng còn với những trường hợp nhẹ sẽ hướng dẫn điều trị tại nhà.
Điều PGS Cường lưu ý là các bà bầu hoặc người bệnh có bệnh lý nền mắc cúm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe rất lớn Vì thế đối tượng này cần phải được theo dõi sát sao. “Riêng ngày 12/2, có tới 4 bà bầu nhập viện vì cúm, các bà bầu hiện đang được theo dõi và may mắn là không có biểu hiện gì nặng.
Tuy nhiên, gia đình hết sức lo lắng vì bà bầu bị cúm sợ ảnh hưởng đến thai nhi, vì thế chúng tôi phải giải thích cụ thể để người nhà an tâm. Theo đó, cả 4 bà bầu đều đang ở giai đoạn thứ 2 của thai kỳ (qua 3 tháng đầu). Đây là giai đoạn ít bị ảnh hưởng hơn, nhưng cũng không thể chủ quan và cần phải theo dõi chặt chẽ. Hiện chúng tôi vẫn đang cho sử dụng thuốc Tamiflu và tiếp tục theo dõi”, BS Cường chia sẻ.
Thuốc Tamiflu vẫn đủ đáp ứng điều trị nhưng không lạm dụng kê đơn cho mọi trường hợp.
500 nghìn/1 viên thuốc chống cúm
Đối với các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, số lượng người bệnh nhập viện do cúm có xu hướng gia tăng. Tính từ đầu năm 2018 đến nay có tới 1.040 trường hợp mắc cúm được ghi nhận, có thời điểm hàng chục trẻ nhập viện cùng 1 ngày do cúm.
Ngoài vấn đề bệnh nhân nhập viện do cúm, việc khan hiếm thuốc Tamiflu (thuốc chỉ định điều trị cúm) cũng là một thách thức lớn. BS Phạm Bá Hiền – Phó GĐ Bệnh viện Đống Đa cho biết, mỗi ngày bệnh viện có khoảng 10 bệnh nhân được chẩn đoán là mắc cúm A.
Tuy nhiên, thông tin khan hiếm thuốc Tamiflu khiến nhiều người bệnh hoang mang và phải trả chi phí rất cao để mua thuốc này. “Nhiều người bệnh ra ngoài mua 1 viên Tamiflu với giá 500.000 đồng, như vậy 1 vỉ thuốc Tamiflu có giá bán ở ngoài là 5 triệu, như vậy là quá cao.
Trước thực trạng trên, chúng ta cần tuyên truyền làm sao để người dân hiểu được, chỉ những bệnh nhân nặng có biến chứng mới sử dụng loại thuốc này. Ngoài ra, cần quán triệt các bác sĩ trong trường hợp nào mới được kê Tamiflu cho người bệnh. Riêng ở BV Đống Đa, khi kê Tamiflu cho người bệnh thì cần phải được lãnh đạo duyệt”, BS Hiền nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Khám chữa bệnh cho biết, hiện nay thuốc Tamiflu vẫn đáp ứng đủ trong điều trị với 22.000 viên. Tuy nhiên, ông Khoa cũng lưu ý không lạm dụng việc kê đơn loại thuốc này cho người bệnh. “Các bác sĩ chỉ kê đơn có loại thuốc này cho một số trường hợp thật sự cần thiết như có biến chứng nặng”, ông Khoa nói.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau: - Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. - Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. - Tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh. - Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. - Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. |