Ngày 28/9, thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Kiên Giang cho biết, tình hình dịch cúm A H1N1 trên địa bàn đang diễn biến phức tạp, số ca bệnh tiếp tục tăng cao.
Cụ thể, tính đến chiều ngày 27/9, số công nhân bị nhiễm cúm A H1N1 tại nhà máy may Vinatex Kiên Giang (xã Định Quán, huyện Gò Quao) đã tăng từ 117 người lên 159 người, trong đó có 2 phụ nữ đang mang thai.
Các công nhân bị nhiễm cúm A H1N1 đều có triệu chứng chung sốt cao, ho, sổ mũi, đau họng…nên được đưa tới bệnh viện Đa khoa huyện Gò Quao điều trị cách ly, đồng thời gửi mẫu bệnh phẩm cho Viện Pasteur TP. HCM xét nghiệm.
Đến chiều 27/9, ngành y tế tỉnh Kiên Giang ghi nhận 159 công nhân mắc cúm A H1N1, buộc phải điều trị cách ly - Ảnh minh họa
Hiện Viện Pasteur TP. HCM đang phối hợp chặt chẽ với ngành y tế tỉnh Kiêng Giang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm.
Trước đó, ngày 25/9 trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Kiêng Giang cho biết, chỉ trong 3 ngày từ 20 đến 22/9, 117 công nhân làm việc tại nhà máy may Vinatex Kiên Giang có biểu hiện cúm A H1N1 nên được đưa đến bệnh viện khám, điều trị.
Các công nhân này sau đó được lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pasteur TP. HCM xét nghiệm, kết quả dương tính với cúm A H1N1.
Theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, triệu chứng của người mắc bệnh cúm A H1N1 giống với hội chứng cúm mùa, bệnh diễn biến cấp tính từ nhẹ đến nặng: từ sốt, ho, đau họng, chảy nước mắt, nước mũi, đau người, đau đầu, rét run, mệt mỏi; một số trường hợp có tiêu chảy, nôn, đến viêm phổi nặng và tử vong. Thời kỳ ủ bệnh từ 1 đến 7 ngày. Thời kỳ lây truyền của bệnh từ 1 ngày trước cho tới 7 ngày sau khi khởi phát.
Bệnh cúm A H1N1 là bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh. Bệnh lây truyền từ người sang người, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng qua ho, hắt hơi của người bệnh. Ngoài ra bệnh có thể lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút và từ đó qua tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và gần, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ.
Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh. Nếu được điều trị sớm thì có thể giảm biến chứng và tử vong.
Vi rút cúm có sức đề kháng yếu, dễ bị bất hoạt bởi bức xạ mặt trời, tia cực tím, dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 70 độ C và các chất tẩy rửa thông thường. Tuy nhiên, vi rút cúm có thể tồn tại hàng giờ ở ngoại cảnh, đặc biệt khi thời tiết lạnh.
Khuyến cáo mỗi người dân phòng chống nhiễm cúm A H1N1 bằng cách: Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay. Tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính. Khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh thì cần giảm tối đa thời gian tiếp xúc; giữ khoảng cách ít nhất 1 m; đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc gần. Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao. Thường xuyên súc miệng bằng nước sát khuẩn miệng. Tăng cường thông khí trong cơ sở y tế hoặc nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa; Nếu thấy có biểu hiện của hội chứng cúm, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời. |