Khi hang Sơn Đoòng đã nổi tiếng trên khắp thế giới, xung quanh việc phát hiện hang động này vẫn còn những câu chuyện thú vị chưa được kể...
Chuyện đời của Hồ Khanh - người phát hiện hang Sơn Đoòng
Vì sao du khách phải “xếp hàng” đến 2016 để khám phá Sơn Đoòng?
Mới trở về từ hang Sơn Đoòng sau khi “phục vụ” cho buổi truyền hình trực tiếp trên chuyên mục Good Morning America của Đài ABC News (Hoa Kỳ), nhưng trông Hồ Khanh (47 tuổi, người phát hiện hang Sơn Đoòng) không có vẻ gì của sự mệt nhọc.
Anh Hồ Khanh đã có buổi chia sẻ với Dân Việt về quá trình tìm ra hang Sơn Đoòng, những năm tháng dẫn đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đi tìm hang động và bây giờ là vai trò chuyên gia hướng dẫn khách du lịch khám phá Sơn Đoòng…
Anh Hồ Khanh
Hang Sơn Đoòng được tìm thấy từ năm 1991
Tháng 4.2009, lần đầu tiên hang Sơn Đoòng được ông Howard Limbert (Trưởng đoàn thám hiểm Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh) công bố trước báo giới tại Quảng Bình. Hôm đó, ông Howard Limbert đã khẳng định, Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới với chiều rộng lên đến 250m, chiều cao có nơi hơn 150m.
Trên thực tế, Sơn Đoòng được anh Hồ Khanh phát hiện từ năm 1991, trong một chuyến đi rừng tìm trầm, nhưng sau đó thì không thể tìm được đường quay lại... Anh Hồ Khanh kể: Những năm 1990 – 1991, cũng như nhiều thanh niên khác trong làng, vì mưu sinh anh phải luồn rừng khai thác lâm sản. Một lần, khi đang đạp rừng đi tìm trầm hương, anh Khanh gặp một cơn dông đột ngột, đang tìm chỗ để trú mưa, tình cờ phát hiện ra một vòm hang đá. Định bụng sẽ chui vào đó để trú mưa, nhưng khi đến cửa hang, anh Khanh bắt gặp một luồng gió mạnh thổi liên tục từ trong cửa hang ra. Không biết đó là một hiện tượng tự nhiên, anh Khanh nghĩ ngay đến câu chuyện truyền thuyết của những con thuồng luồng sống trong hang đá đang phun gió ra ngoài, sợ “sởn tóc gáy”, anh Khanh không dám vào hang nữa mà nép bên vách đá, chờ mưa tạnh rồi đi tiếp.
“Đó là lần đầu tiên tui đặt chân đến của hang Sơn Đoòng, sau đó vì cuộc sống mưu sinh đầy vất vả nên tui đã quên hẳn nó” – anh Hồ Khanh nói.
Một mình tìm lại hang Sơn Đoòng
Khi Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành khu bảo tồn thiên nhiên và sau đó là Di sản thiên nhiên thế giới, nhờ sự tuyên truyền vận động của nhà nước, nhiều người dân Sơn Trạch, trong đó có anh Khanh đã bỏ nghề đi rừng, chuyển qua làm các nghề phục vụ khách du lịch.
Nhờ những năm tháng “luồn rừng” trước đó, những người như anh Khanh thông thuộc và biết nhiều điều bí ẩn từ núi rừng Phong Nha – Kẻ Bàng hơn ai hết. Chính vì vậy, khi các nhà khoa học đến đây để thám hiểm, nghiên cứu thì những người như anh Khanh được họ nghĩ đến đầu tiên. Riêng với đoàn thám hiểm của Hội Hang động Hoàng gia Anh đã nhiều lần sang Việt Nam và thực hiện hàng chục chuyến thám hiểm ở Phong Nha - Kẻ Bàng, lần nào họ cũng nhờ anh Khanh dẫn đường. Và lần nào cũng vậy, nhờ sợ giúp đỡ vô tư, tận tình của những người dân địa phương như anh Khanh, đoàn tìm ra và khám phá được nhiều hang động mới. Thế nhưng, có một điều luôn canh cánh trong lòng của anh Khanh là không thể nhớ lại được vị trí của cái hang mà anh đã tình cờ gặp trong lần trú mưa năm 1991.
Hồ Khanh cùng vợ chồng ông Howard Limbert, gần 20 năm cộng tác cùng nhau, bây giờ họ đã trở nên thân thiết như người thân, bạn bè
Năm 2007, khi đoàn thám hiểm Hoàng gia Anh thực hiện đợt tìm kiếm hang động tại Phong Nha - Kẻ Bàng, anh Khanh cũng đã đưa họ đi tìm hang Sơn Đoòng 2 ngày nhưng cũng không thấy. Trong chuyến đi ấy, chính ông Howard Limbert khi quan sát hiện tượng tự nhiên khu vực xung quanh đã khẳng định với anh Khanh rằng, gần đây nhất định phải có một cái hang lớn… Tuy nhiên, thời gian không cho phép nên đoàn thám hiểm phải quay về nước Anh. Nhưng trước khi trở về nước Anh, ông Howard Limbert đã kịp nhờ anh Khanh cố gắng tìm cho được cái hang đó.
Chỉ một lời nhắn nhủ như vậy, giữa năm 2008, một mình anh Khanh đã khăn gói vào rừng. Đi bộ hơn một ngày rừng, anh đến khu vực bản Đoòng để tìm lại hang Sơn Đoòng. Hơn một ngày, một đêm lầm lũi trong rừng, đến sáng ngày thứ 2, anh Khanh đã tìm lại được cái hang mà năm 1991 anh đã trú mưa. “Tui mừng quá, tui men theo cửa hang để vô. Gió vẫn thổi mạnh nhưng tui không còn sợ “thuồng luồng” như lần trước nữa vì sau nhiều lần đi cùng đoàn thám hiểm, tui biết đó chỉ là hiện tượng thiên nhiên. Vô khoảng được 100m, tui dừng lại, một mình nên nói thật, tui cũng hơi ớn. Cái hang này rất lạ, càng vô vòm hang càng rộng và càng sâu...” – anh Khanh kể lại.
Anh Khanh đã tìm ra được hang Sơn Đoòng từ năm 2008, nhưng khi trở về anh cũng chưa nói với ai. Đầu năm 2009, khi đoàn thám hiểm Hội Hang động Hoàng gia Anh trở lại Việt Nam, Hồ Khanh dẫn đoàn của Howard Limbert đến và hang này được đặt tên là Sơn Đoòng.
“Chút nữa nó được đặt tên là Hồ Khanh rồi đó” - đang chuyện, bỗng nhiên Hồ Khanh cười tủm tỉm. “Là sau khi tìm lại được hang này, theo thông lệ quốc tế, đoàn thám hiểm đã đề nghị tui đặt tên cho nó và tui đã đặt là Hồ Khanh. Tên đó cũng đã được đoàn ghi nhận, nhưng sau đoàn lại xin phép tui đặt lại tên hang là Sơn Đoòng. Chắc họ căn cứ vào địa danh: Hang Sơn Đoòng nằm ở vùng Hạ Đoòng, thuộc xứ Đoòng. Gần khu vực này, có một bản người dân tộc tên là bản Đoòng, còn Sơn có nghĩa là núi”.
Phát hiện và đặt tên cho hàng chục hang động khác Anh Hồ Khanh kể, ngoài hang Sơn Đoòng anh còn là người vinh dự được đặt tên cho 12 hang động khác mà anh đã dẫn đoàn thám hiểm đến sau những lần đoàn thực hiện thám hiểm ở Phong Nha – Kẻ Bàng. Những hang động được anh Khanh đặt tên như: Hồ Núi, Sơn Động, Vực Cá Thau, Hang Hùng, Hang Phong, Hang Khanh... Anh Khanh bảo: “Tui nhớ, đã dẫn đoàn thám hiểm đến tất cả 12 hang mà tui tìm thấy, nhiều hang rất ấn tượng nhưng ấn tượng nhất đối với tui là hang động nằm cheo leo trên vách núi dựng đứng, cách chân chân núi chừng 150 mét. Thiên nhiên thật kỳ vĩ và lạ lùng, nằm ở trên cao như vậy nhưng trong hang ngoài những thạch nhũ lung linh, huyền ảo, trong lòng hang còn có một hồ nước rộng chừng 20m, rất dài, nước trong veo, sâu không nhìn thấy đáy. Với hang động này tui đã đặt tên là Thái Hòa là tên đứa con gái của tui...” |