Song song với việc nhận lương, người lao động phải thực hiện một số nghĩa vụ để được hưởng quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Vậy các khoản được trừ vào tiền lương hàng tháng của người lao động bao gồm những khoản nào và mức trừ là bao nhiêu?
Bảo hiểm xã hội bắt buộc
Căn cứ khoản 1 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Khoản 1 Điều 5 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì hàng tháng, người lao động phải đóng hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ hưu trí và tử tuất với tỷ lệ bằng 8% mức tiền lương tháng đóng BHXH.
Hàng tháng, lương người lao động bị trừ những khoản nào? - Hình minh họa
Bảo hiểm thất nghiệp
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm 2013, hàng tháng, người lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 1% tiền lương tháng đóng BHXH vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Điểm a Khoản 1 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế và Điểm a Khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và người quản lý điều hành hợp tác xã hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức bằng 4,5% tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động, trong đó, người sử dụng lao động đóng 2/3 (tương ứng với 3%), người lao động đóng 1/3 (tương ứng với 1,5% tiền lương tháng đóng BHXH).
Đoàn phí
Theo quy định tại Điều 23 Quyết định 1908/QĐ-TLĐ, trường hợp người lao động có tham gia công đoàn thì mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Thuế thu nhập cá nhân
Hàng tháng, người lao động có thu nhập từ 11 triệu đồng/tháng trở lên có thể sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân tùy thuộc vào các khoản được giảm trừ, miễn thuế thu nhập cá nhân của người đó.
Theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14, mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân của người lao động áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020 là:
- 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) đối với đối tượng nộp thuế.
- 4,4 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc.