Rất nhiều người có các triệu chứng của bệnh trầm cảm, nhưng thường bỏ qua hoặc cố gắng chịu đựng mà không hề hay biết, việc làm đó vô cùng nguy hiểm.
Trước sự nguy hiểm của căn bệnh trầm cảm, cũng như để nâng cao nhận thức của người dân về căn bệnh này, Tổ chức Y tế Thế giới đã chọn chủ đề hưởng ứng Ngày Sức khỏe thế giới 07/4/2017 với chủ đề "Phòng, chống trầm cảm".
Nhận định về căn bệnh này, GS.TS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trầm cảm hiện đang là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trên toàn cầu cũng như Việt Nam.
Theo GS Long, có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, thường xảy ra ở những người bị căng thẳng, bị sang chấn tâm lý trong cuộc sống, học tập, trong quan hệ gia đình, xã hội hoặc sau khi mắc bệnh khác.
Hậu quả của trầm cảm gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, khả năng học tập, lao động của người bệnh và dễ dẫn đến những hành động khó kiểm soát, có thể là tự tử.
Rất nhiều người mắc bệnh trầm cảm có ý định tự tử.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%. Như vậy, nếu tính dân số Việt Nam hiện tại thì nước ta đang có hàng triệu người mắc bệnh trầm cảm mà không hề hay biết.
Riêng tại Viện sức khỏe tâm thần, trong năm 2015 đã khám và điều trị ngoại trú 18.402 lượt bệnh nhân trầm cảm (chiếm 30%). Trung bình mỗi ngày có 50 bệnh nhân đến khám và điều trị về trầm cảm.
Cũng thông tin từ TS Dũng, mỗi năm ở nước ta có khoảng 36.000 - 40.000 người tự sát vì trầm cảm. Đa số tự sát do bệnh nhân cảm thấy mình vô dụng, tội lỗi, không xứng đáng sống. Phần lớn các trường hợp trầm cảm có khuynh hướng trở thành mạn tính và tái diễn cũng như phục hồi không hoàn toàn giữa các giai đoạn.
Những con số trên tuy lớn, nhưng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Bởi, trong xã hội rất nhiều người bị trầm cảm nhưng họ cố che đậy bệnh của mình, hoặc không phát hiện ra. Đó mới là vấn đề đáng lo ngại.
“Hiện dân trí đã phát triển, nhiều người họ tự biết mình mắc bệnh trầm cảm, nhưng họ lại sợ bị kỳ thị khi vào viện tâm thần, nên không đi khám. Chỉ đến khi bệnh quá nặng mới đến bệnh viện thì đã quá muộn màng”, TS Tô Thanh Phương – PGĐ Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, muốn dự phòng được trầm cảm thì cần phải tạo môi trường sống, học tập, làm việc lành mạnh. Quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của gia đình, thầy cô, bè bạn, đồng nghiệp, cộng đồng là vô cùng quan trọng để dự phòng và kiểm soát trầm cảm.
“Trầm cảm không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Bất kỳ ai cũng có thể mắc trầm cảm. Nếu bạn nghĩ rằng mình bị trầm cảm, thì hãy trò chuyện với mọi người, hãy nói với ai đó mà bạn tin cậy về cảm giác và suy nghĩ của mình bởi vì trò chuyện là một trong những biện pháp đơn giản nhất để phòng và chữa trị trầm cảm”, GS Long nhấn mạnh.
Những biểu hiện thường gặp ở người trầm cảm? - Cảm giác buồn chán, trống rỗng - Khó tập trung suy nghĩ, hay quên - Luôn cảm giác mệt mỏi, không muốn làm việc gì - Cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng - Mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều - Hay cáu gắt, giận dữ - Giảm thích thú trong các hoạt động hoặc sở thích hàng ngày - Giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều - Nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát - Ngoài ra, nhiều bệnh nhân trầm cảm còn được biểu hiện bằng các triệu chứng như đau đầu, đau tức ngực, các rối loạn tiêu hóa… |