Hành trình 4 năm tìm con gái của một người cha

Ngày 06/10/2014 11:06 AM (GMT+7)

Con gái bị lừa bán. Suốt 4 năm ròng rã tìm con cả gia đình ông Hồ Văn Nhâm (Xã Ngọc Thanh, thị xã Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc) trở nên điêu đứng, khánh kiệt.

Của nả trong nhà được đem ra bán sạch, đến cả mảnh đất hương hỏa ông cũng cắt ra, chia đôi để bán chỉ hy vọng gặp con. Câu chuyện của một người cha lang thang nơi đất khách quê người suốt 4 năm trong hành trình đầy nước mắt ấy cuối cùng cũng kết thúc có hậu. Ngày gia đình ông đoàn viên cũng là lúc kẻ đang tâm lừa bán con ông phải đứng trước vành móng ngựa.

Kiệt quệ tài sản vì tìm con

Hẹn gặp chúng tôi vào một chiều cuối tuần, ông Nhâm diện bộ sơ mi chỉn chu và đội chiếc mũ phớt nâu trông ông trẻ hơn nhiều so với tuổi 61 của mình. Ông bảo: “Từ ngày tìm được cái Hằng, tôi như được sống lại. Giờ đi đâu cũng có thể ngẩng cao đầu trước bà con lối xóm. Tôi đã 'rửa mặt' được cho cả gia đình, dòng họ. Bởi người đời từng một thời ác miệng khi nói con gái tôi: sang Trung Quốc làm việc ở nhà chứa, “nhà thổ”. Giờ Hằng đã về nước, con cái đề huề và yên bề gia thất. Sự hoài nghi và nỗi nhục nhã bao năm nay, tôi như được rũ bỏ”.

Năm 2006, con gái thứ 3 của ông là Hồ Thị Hằng (SN 1974) vì cả tin đã bị lừa sang Trung Quốc bán. Người lừa Hằng không ai khác lại chính là bà chị họ Trần Thị Hường (Xã Kim Hoa, Mê Linh, Hà Nội). Hường từng làm ăn bên Trung Quốc một thời gian dài. Lần về thăm quê tháng 8/2006, Hường rủ em họ sang để gánh chuối thuê và hứa trả công cao. Nghe lời đường mật Hằng lẳng lặng rời quê theo chị họ sang Trung Quốc.

Hành trình 4 năm tìm con gái của một người cha - 1

Gia đình người con út của ông Nhâm bên Trung Quốc (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Ông nhớ lại, tối hôm đó đợi cửa không thấy con, ông lang thang hết các xã Lập Thạch, Kim Hoàng để tìm nhưng rồi bặt vô âm tín. Hỏi người làng, họ mới mách: đã nhìn thấy con ông khăn gói đi cùng với Hường lúc xế chiều.

Suốt thời gian sau đó, ông liên lạc với Hằng nhưng không được, Hường cũng mất hút. Nỗi thất vọng tràn trề, những ngày tháng ấy với gia đình ông như sống trong địa ngục. Làng trên xóm dưới rỉ tai nhau: “Ông Nhâm bán con sang nhà thổ Trung Quốc để kiếm tiền”. Sự uất nghẹn và nỗi đau mất con đã thôi thúc ông bắt đầu cuộc hành trình đầy nước mắt để tìm con gái.

Vài tạ thóc để dành trong đấu đợi đến ngày làm giống, ông đem ra bán để lấy tiền tàu xe đi lại. Ông thất thểu lang thang khắp các cửa khẩu, biên giới Lào Cai ngóng tin con nhưng đều vô vọng. Vào một chiều hè,  khi ngơ ngẩn nghĩ đến con ông bấm số điện thoại quen thuộc vào số máy của Trần Thị Hường.

Ông bất ngờ nhận được tín hiệu từ đầu dây bên kia. Hường nói, thị đang ở cùng Hằng (con gái ông) và việc làm ăn rất thuận lợi.  Khi ông bảo muốn gặp con thì Hường viện lý do từ chối. Mấy ngày sau đó, ông liên tục gọi điện thuyết phục Hường, cuối cùng thị mới chấp nhận cho người nhà sang Trung Quốc gặp Hằng.

Tuy nhiên, thị nói chỉ duy nhất một người được sang đó là mẹ Hằng. Ông lại chạy vạy họ hàng vay được 4 triệu, gom góp cho vợ sang Trung Quốc theo lời chỉ dẫn của đứa cháu họ. Khi tới nơi, gặp được Hường, thị buông thõng một câu với dì ruột: “Cách đây vài hôm, Hằng đã đi đâu đó, giờ liên lạc không được, dì về Việt Nam đi”.

Hành trình 4 năm tìm con gái của một người cha - 2

Ông Hồ Văn Nhâm khi kể chuyện về con

Nhớ lại ngày tháng đó, nỗi ám ảnh với bà Đỗ Thị Sâm (vợ ông Nhâm) vẫn hiện hữu. Bà kể lại: “Đặt chân sang Trung Quốc, gặp được Hường, cháu chỉ nói với dì có mấy câu rồi bỏ đi mất”. Ông bảo, cả cuộc đời vợ chồng ông chỉ có những đứa con là vô giá. Ông thà mất tài sản, mất tất cả chứ quyết không chịu mất con. Ông bán đàn bò, bán luôn cả ngô, thóc kiếm đôi ba triệu vun vén lên đường.

Người cha già còm cõi bắt đầu vượt sương đêm, đội nắng gió đến Lào Cai rồi lại qua Hà Khẩu. Ông dò dẫm đến tất cả nhà chứa, nhà nghỉ xung quanh những nơi đó để hỏi tin con. Ông cũng vào vai là khách làng chơi tìm người để giải khuây, tâm sự nhưng chỉ yêu cầu tìm gái Vĩnh Phúc. Hành trang đi theo người đàn ông tiều tụy ấy chỉ có bộ quần áo với chai nước lọc và vài chiếc bánh mì.

Gán con út để chuộc con thứ 3

Một chiều nọ, khi đang đạp xe tìm người mua mảnh đất sau nhà ông nhận được cuộc điện thoại từ phía Trung Quốc, con gái ông gọi về. Ông như không tin nổi vào tai mình, lập cập ghi lại số điện thoại vừa gọi tới để cầu mong sự giúp đỡ. Hôm đó trong một lần đi chặt chuối thuê ở Hà Khẩu, Hằng gặp một người phụ nữ Việt nam tên Tám (quê ở Phú Thọ) tranh thủ lúc chồng không để ý, Hằng xin bà Tám một cuộc điện thoại gọi về cho gia đình. Cuộc điện thoại vội vàng hôm đó đã tiếp thêm cho gia đình ông niềm tin rằng con gái ông – Hồ Thị Hằng vẫn còn sống.

Hành trình 4 năm tìm con gái của một người cha - 3

Chị Hồ Thị Hằng, người từng bị chị họ bán sang Trung Quốc

Ông bắt xe từ Phúc Yên lên Lào Cai và ra tới Hà Khẩu. Những tờ photo chứng minh thư nhân dân ông cất gọn trong túi áo, tất tả đi đăng ký giấy thông hành. Ròng rã hơn 1 tháng trời người đàn ông khắc khổ ấy quăng quật nơi xứ người và cuối cùng tại tỉnh Vân Nam ông tìm được Hồ Thị Hằng, người con thứ 3 của ông đã từng mất tích 4 năm qua. Trong căn nhà xập xệ, xung quanh được bao bọc chi chít những mảnh bạt nứa, con gái ông đang bệ rệch trước bậc cửa. Hằng kể, tin lời chị họ là Trần Thị Hường nên đã bị chị bán cho một người đàn ông tên Lý Bình Thọ với giá 4.000 Nhân dân tệ (Tương đương với 6 triệu đồng tiền Việt Nam).

Thọ hiện giờ là chồng Hằng. Cả hai đã có với nhau 2 cậu con trai là: Hồ Văn Minh (SN 2006) và Hồ Văn Công (SN 2008). Nhìn cuộc sống của con gái quá khó khăn lại thêm nỗi phẫn uất khi bị chính người họ hàng của mình lừa bán, ông đã bàn với con gái sẽ tìm cách vạch tội Hường trước pháp luật.

4 năm mất tin con biền biệt, ông muốn đưa con trở về nước đoàn tụ cùng gia đình nhưng không được Thọ (chồng Hằng) chấp nhận. Để giữ tung tích của con gái, ông liên lạc về Việt Nam đưa bà Đỗ Thị Sâm (vợ ông) sang Vân Nam. Bà Sâm sẽ ở lại Trung Quốc, ông về Việt Nam báo tin cho công an tỉnh Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó, ông bàn việc đưa người con út là Hồ Thị Huyền (SN 1987) sang gả cưới cho người em họ của Thọ. Ông bảo: “Thọ thấy mình gả cả con út cho người họ hàng nên không nghi ngờ mà đã chấp nhận cho Hằng về Việt Nam”.

Ngay sau khi đưa Hằng về nước, ông dẫn con lên công an tỉnh Vĩnh Phúc để trình báo sự việc, kết  hợp với công an Hà Khẩu vào cuộc điều tra và lần ra manh mối chỗ ở của Trần Thị Hường (chị họ Hằng), cũng là người lừa bán Hằng sang Trung Quốc. Ngày 2/3/2011 phiên tòa xét xử đối tượng Trần Thị Hường đã diễn ra tại Tòa án nhân dân TP Hà Nội. Kết quả phiên xét xử, Hường đã bị kết án 6 năm tù giam.

Tùng Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot