Cuối năm 2010, chị Hoàng Thị Tuyết bỗng dưng trở về sau 14 năm mất tích đầy bí ẩn. Suốt 14 năm qua, ai cũng ngỡ chị Tuyết đã chết. Ngay cả bà Nguyễn Thị Lưu, mẹ chị, cũng không dám tin con gái bà có thể lành lặn trở về.
Sự thật về hành trình lưu lạc của chị Tuyết dần được hé mở, nhưng nỗi đau của chị và gia đình vẫn chưa chấm dứt, khi chính bản thân chị chưa thể dừng cuộc hành trình…
Trở về quê hương sau 14 năm lưu lạc
Để tìm hiểu nguồn cơn sự việc, chúng tôi tìm đến gia đình bà Nguyễn Thị Lưu (76 tuổi, ở thôn Đinh, xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Trong căn nhà ngói cũ, tường vôi tróc ra từng mảng, bà Lưu đang ngồi với vẻ mặt suy tư, sầu thảm. Mời chúng tôi vào nhà, vừa rót nước mời khách, bà vừa kể: “Vợ chồng tôi có 4 người con, thằng con trai đầu xấu số gặp tai nạn đã mất khi nó mới 20 tuổi. Giờ có việc gì cũng phải nhờ đến hai cô con gái và hai chàng rể. Tôi thì cũng già rồi, hay ốm đau bệnh tật, chẳng đi được đâu. Còn ông nhà tôi hiện đang nằm điều trị bệnh gan dưới Hà Nội...”.
Chị Tuyết là con gái út của bà Lưu, mất tích từ khi học xong cấp III. Kể lại câu chuyện về quãng đời hẩm hiu của chị Tuyết, bà Lưu nghẹn ngào: “Sự việc xảy ra cách đây cũng gần 20 năm rồi. Nó mất tích hồi mới học xong cấp III. Ai cũng tưởng nó đã chết rồi, ai ngờ đến cuối 2010, nó bỗng dưng trở về. Hỏi ra mới biết nó bị chị Mến, người cùng thôn lừa bán sang Trung Quốc, làm vợ một người đàn ông nghèo”.
Hồi còn đi học, Tuyết là cô bé ngoan ngoãn, học giỏi nhưng lận đận trong thi cử, mấy lần thi Đại học nhưng vẫn trượt, dẫn đến tâm lý chán chường. Khi ấy có người cùng thôn tên Nguyễn Thị Mến làm nghề buôn bán rủ Tuyết lên Lạng Sơn chơi, rồi bảo sẽ cho Tuyết theo học nghề buôn, lại trả lương hàng tháng. Đang lúc buồn chán, thấy có người nói cho theo học nghề, lại trả lương, nên Tuyết không chút đắn đo, đồng ý theo Mến đi Lạng Sơn. Lúc đi, Tuyết không trực tiếp xin phép bố mẹ, mà chỉ nhờ người hàng xóm nhắn lại với bố mẹ là đi chơi ở nhà một người thân mấy ngày.
Lên đến của khẩu ở Lạng Sơn, Tuyết được Mến dẫn đi chơi mấy ngày. Sau đó, Mến đưa Tuyết sang Trung Quốc, bán chị với giá 550 nhân dân tệ cho một người đàn ông nghèo ở miền núi của Trung Quốc.
Nói về gia đình bà Lưu, thấy Tuyết đi mấy ngày không báo tin tức gì về, mới tá hỏa đi hỏi thăm người thân, bạn bè Tuyết ở khắp nơi, nhưng không ai biết Tuyết đi đâu. Suốt mấy tháng trời, cả gia đình Tuyết chia nhau đi tìm chị, nhưng không nhận được bất cứ tin tức gì. Mãi sau mới có một người làm nghề bán hàng ăn, đến nhà bà Lưu chơi, cho biết Tuyết cùng Mến lên Lạng Sơn có ghé quán ăn của bà, giữ lại thì Tuyết không ở, hỏi đi đâu thì bảo theo Mến đi học nghề buôn bán.
Chỉ biết về con có vậy, nên dù có bỏ thêm nhiều công sức tìm kiếm, gia đình bà Lưu vẫn không thể tìm thấy Tuyết. Hơn mười năm trôi qua, Tuyết vẫn “bặt vô âm tín”, khiến cha mẹ già và người thân còm cõi trong thương nhớ, tuyệt vọng. Ai cũng nghĩ rằng Tuyết đã chết, bản thân bà Lưu cũng không dám tin là Tuyết còn sống. “Hơn mười năm Tuyết mất tích, có nhiều khi tôi nghĩ quẩn là nó đã chết rồi, vì không thấy có một chút thông tin, manh mối gì về nó cả. Bố và các chị nó luôn động viên tôi là nó vẫn còn sống, chắc là làm ăn không khá, chưa có điều kiện về thăm gia đình mà thôi. ông nhà tôi và mọi người nói thế, nhưng thực ra tôi biết họ cũng đều tuyệt vọng về nó”, bà Lưu kể tiếp.
Cho đến một buổi chiều cuối tháng 9/2010, chị Tuyết bỗng dưng trở về sau 14 năm “mất tích”. “Hôm tôi và chồng tôi đang ngồi trong nhà, thấy nó bước vào mà cả tôi và ông nhà đều ngớ cả người ra, không thể nói được điều gì. Mãi sau, tôi mới hỏi: “Có phải Tuyết không con?”, nó gật đầu. Vì sợ là mình đang nằm mơ, nên tôi bỏ kính ra để dụi mắt nhìn cho kỹ. Lúc đó mới dám tin con mình bằng xương bằng thịt đã trở về…”, giọng bà Lưu nghẹn ngào..
Người mẹ già nhớ lại quá khứ của con gái.
Hành trình lưu lạc chưa dừng lại
Ngày chị Tuyết trở về, cả gia đình vui mừng khôn xiết. Họ hàng và những người trong làng cũng nườm nượp đến hỏi thăm. Với bà Lưu, sự kiện con gái trở về sau mười mấy năm mất tích có lẽ là sự kiện lớn nhất, hạnh phúc nhất trong đời bà.
Nhưng rồi, hạnh phúc cũng tan biến nhanh chóng, sau khi bà Lưu nghe con gái kể về hành trình lưu lạc cực nhọc của chị trên đất khách quê người. Sau khi bị Mến lừa bán sang Trung Quốc, Tuyết phải miễn cưỡng làm vợ một người đàn ông mà cô chưa từng một lần gặp mặt. Chồng chị là một người đàn ông nghèo, nhà ở tít một vùng sâu thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Mười mấy năm chung sống, Tuyết đã có với người đàn ông này 3 đứa con.
Chị Tuyết kể với gia đình, vợ chồng chị ở bên đó nghèo lắm, chồng không có học hành, nghề ngỗng gì, cả hai vợ chồng phải đi làm thuê ở mãi Quảng Đông để kiếm tiền nuôi con. Theo lời chị, sau khi phát hiện mình đã bị bán, chị cũng tìm cách để trốn về nước. Nhưng là người lần đầu tiên chân ướt, chân ráo ra khỏi nhà, lại đến một nơi xa xôi ở một đất nước khác, nên chị đành cam chịu.
Cuộc sống của chị Tuyết với người chồng Trung Quốc gặp phải muôn vàn khó khăn. Thời gian đầu do bất đồng ngôn ngữ, hai người không thể giao tiếp với nhau. Về sau, hai người đành học cách ra hiệu bằng tay hoặc muốn lấy cái gì thì chỉ vào đồ vật đó. Sống với nhau lâu, chị cũng học được một số câu giao tiếp cơ bản tiếng Trung, nhưng vẫn vấp phải không ít khó khăn trong giao tiếp. Sau này các con chị đều chỉ được dạy nói tiếng Trung Quốc, còn tiếng Việt cũng chỉ biết một vài câu. Lần về nhà năm 2010, do không có giấy tờ tùy thân nên chị Tuyết phải về theo đường tiểu ngạch.
Hôm chúng tôi tới nhà bà Lưu, bà cho biết, Tuyết cũng vừa mới về thăm nhà, thăm bố ốm, ở lại Việt Nam được mấy hôm rồi lại về vừa lại về bên Trung Quốc. “Tôi có hỏi nó sao không cho chồng con về chơi cho biết nhà, nhưng con gái tôi bảo không có đủ tiền để về cả nhà. Nó nói vậy làm tôi thấy thương nó hơn. Nó cũng bảo không biết bao giờ lại về thăm bố mẹ được nữa!”. Nói đến đây, nước mắt của bà Lưu cứ trào ra không ngớt. Bà khóc cho số phận của đứa con gái hẩm hiu, không biết tương lai sẽ đi về đâu.
Năm nay bà Lưu cũng đã ở độ tuổi xế chiều, nay ốm mai đau không biết sống chết lúc nào. Cứ nghĩ lúc không may khuất núi không được gặp con lần cuối bà càng thấy đau lòng. Cuộc hành trình lưu lạc của chị Tuyết đã xảy ra cách đây 18 năm. Sau 14 năm lưu lạc chị đã trở về quê hương. Nhưng phần vì còn con cái bên Trung Quốc, phần vì mưu sinh, chị vẫn phải quay trở lại Trung Quốc. Lúc chúng tôi ra về, bà Lưu “căn dặn”: “Các chú có sang Trung Quốc thì xem hộ tôi xem cái Tuyết nó sống như thế nào nhé. Bảo với nó, lúc nào tôi cũng thương nó lắm! Nếu các chú quen biết ai ở bên ấy thì xin giúp cho một việc gì ổn định với nhé!”. Nghe những lời căn dặn thật thà đến ngây ngô của người mẹ già, chúng tôi không khỏi rưng rưng, thương cho chị Tuyết, thương cho người mẹ già vẫn đau đáu về cuộc sống của con gái nơi đất khách quê người…