Theo TS Kohei Toda, chuyên gia về tiêm chủng mở rộng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam có lẽ là nước duy nhất xảy ra tình trạng người dân chậm trễ tiêm vắc xin cho trẻ vì cố chờ vắc xin dịch vụ, dù chương trình tiêm chủng mở rộng luôn đảm bảo cung ứng đầy đủ và miễn phí.
Dân đổ xô đi tiêm dịch vụ, không xảy ra ở các nước khác
Theo TS Kohei Toda, Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế tại Việt Nam phổ biến hơn ở các nước đang phát triển, nơi mà những bệnh nhiễm trùng thường hay gây bệnh cho các cháu nhỏ. Ở Hoa Kỳ, châu Âu hay Nhật Bản, các chương trình TCMR do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, mục tiêu TCMR luôn luôn là giống nhau. Cũng giống như ở Việt Nam, ở các nước khác, đa số vắc xin cũng được sản xuất trong nước và một số vắc xin được nhập khẩu, và đương nhiên những loại vắc xin này phải được cấp phép bởi hệ thống các cơ quan quản lý.
TS Toda nhận xét phụ huynh ở Việt Nam dù nhận thức tiêm chủng cao nhưng lại chậm trễ cho con đi tiêm
Tình trạng người dân đổ xô đi tiêm vắc xin dịch vụ như ở Việt Nam không xảy ra ở những nước khác. TS Kohei Toda chia sẻ, ví dụ tại Nhật Bản, chính quyền địa phương sẽ giao cho các bệnh viện và các phòng khám tư nhân thực hiện tiêm chủng mở rộng thường xuyên. Các bệnh viện và các phòng khám này sẽ mua vaccine mà đã được các cơ quan quản lý cấp phép để tiêm phòng cho trẻ em, sau đó chính quyền địa phương sẽ hoàn tiền cho các phòng khám và các bệnh viện.
Các cơ sở y tế sẽ thông báo cho các bậc cha mẹ có trẻ ở lứa tuổi tiêm chủng tại thời điểm các cháu đến tuổi cần được tiêm chủng. Sau đó, các bậc phụ huynh sẽ đưa con của mình đến cơ sở y tế gần nhất theo chỉ định. Tuy nhiên, có những cháu sau vài tháng mà chưa đi tiêm đúng thời hạn thì họ sẽ gửi thư thông báo tới các bậc cha mẹ để cho con đi tiêm chủng. Tất nhiên cũng có trường hợp người dân từ chối, nhưng hầu hết các bậc phụ huynh đều tuân theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
“Ở Việt Nam, tôi cảm nhận được rằng, ý thức của bậc phụ huynh về tiêm chủng cao hơn ở các nước khác. Điều này thể hiện ở chỗ, các bậc cha mẹ VN hiểu rõ tầm quan trọng của vaccin, họ biết và nhìn thấy những bệnh có thể phòng được nhờ vaccine. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là mặc dù họ ý thức được tầm quan trọng của việc này nhưng lại đưa con đi tiêm phòng muộn, nhất là tại một số TP lớn như HN, TP.HCM.
TS Phu cho biết, người dân đổ xô đi tiêm dịch vụ vì hiểu sai dịch vụ tốt hơn miễn phí
Chẳng hạn như đến thời điểm trẻ cần được tiêm vắc xin thì cha meh lại bận hoặc quên hoặc trẻ bị ốm hoặc họ đưa con đến điểm tiêm chủng dịch vụ nhưng lại hết vaccine và phải chờ đợi. Điều này đã gây ra hậu quả mà cụ thể ở đây là dịch sởi đầu năm ngoái”, TS Kohei Toda nhấn mạnh.
Dịch vụ có thực sự tốt hơn tiêm chủng miễn phí
Tại buổi tọa đàm, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định cơn sốt vắc xin dịch vụ xảy ra thời gian qua là do sự hiểu lầm của người dân cho rằng vắc xin dịch vụ tốt hơn vắc xin miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tư nhân tốt hơn công …
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng Ban chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng cho rằng, việc cha mẹ nhất định chỉ cho trẻ tiêm vắc xin dịch vụ xuất phát từ quan tâm lý của người Việt luôn cho rằng “ rẻ là không tốt, vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng là vắc xin miễn phí nên không thích và lo lắng”.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều khẳng định suy nghĩ suy nghĩ vắc xin đắt tiền tốt hơn vắc xin TCMR là sai.
Ông Cường cho biết, tỷ lệ phản ứng nặng với vắc xin dịch vụ và miễn phí là như nhau
TS Nguyễn Văn Cường phân tích, vắc xin dịch vụ phải trả tiền cao hơn nhiều là bởi vì khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin dịch vụ, người dân phải trả tiền cho một mũi nên đắt, còn vắc xin trong chương trình TCMR, chúng ta mua vài triệu liều. Do vậy nếu so sánh việc mua một liều với mua vài triệu liều, đương nhiên việc mua vài triệu liều sẽ rẻ hơn, điều đó rất dễ hiểu. Vắc xin TCMR không phải tự nhiên miễn phí, Nhà nước phải trả tiền để mua, tổ chức quốc tế hỗ trợ.
Hiện nay, TCMR có 12 loại vắc xin phòng những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất có thể gây nguy hiểm tới tính mạng trẻ đều đã có ở trong chương trình TCMR. Hiện Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh năm 2015. Bên cạnh đó, tất cả các loại bệnh trong chương trình TCMR đều giảm rất nhiều so với thời gian chưa có vắc xin.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó trưởng Ban chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng nhận định, nhiều cha mẹ cho trẻ đi tiêm vắc xin dịch vụ 6 trong 1 vì vắc xin này chứa thành phầ ho gà vô bào, họ cho rằng trẻ tiêm vắc xin có thành phần ho gà vô bào sẽ có phản ứng nhẹ hơn vắc xin chứa thành phần ho gà toàn tế bào như Quinvaxem. Tuy nhiên, từ năm 1-4-2014, sau khi so sánh hai loại vắc xin này, Tổ chức Y tế thế giới đã đưa huyến cáo: đối với những nước đang dùng ho gà toàn tế bào, chớ nên chuyển sang vắc xin vô bào, vì dù có phản ứng nhẹ nhưng sẽ hết, tác dụng phòng bệnh tốt hơn ho gà vô bào. Do vậy nếu hiếu tiêm chủng để phòng bệnh, thì tiêm vắc xin toàn tế bào tốt hơn đối với bệnh ho gà. Nếu có sự so sánh về tỷ lệ phản ứng của vắc xin dịch vụ và vắc xin của chương trình TCMR, nếu có phản ứng nặng là tương đương nhau. Với phản ứng nhẹ ở chương trình TCMR nhiều là do đối tượng trẻ được TCMR lên đến hàng triệu trẻ còn đối với tiêm chủng dịch vụ rất ít trẻ tiêm. Về tỷ lệ, thì không chỉ ở Việt Nam mà kể cả trên thế giới phản ứng nặng nếu có với các loại vắc xin là như nhau. |